Thời kỳ Khai sáng của Y học trước thế kỷ 18

Tác giả: Thủy Tiên dịch

(Y học và phẫu thuật trước năm 1800)

Trong thế kỷ 17, khoa học tự nhiên đã tiến xa trên một phạm vi rộng lớn. Đã có những nỗ lực để nắm bắt bản chất của khoa học, được thể hiện trong các tác phẩm của các nhà tư tưởng như Francis Bacon, René Descartes và Ngài Isaac Newton. Kiến thức mới về hóa học thay thế lý thuyết rằng mọi thứ đều được tạo thành từ đất, không khí, lửa và nước, và những ý tưởng cổ điển của Aristotle bắt đầu bị loại bỏ. Thành tựu vượt trội của y học thế kỷ 17 là sự giải thích về tuần hoàn máu của Harvey.

  1. Harvey và phương pháp thực nghiệm

William Harvey, sinh ra tại Folkestone, Anh, đã học tại trường Đại học Cambridge và sau đó đã dành vài năm ở Padua, nơi ông chịu ảnh hưởng của Fabricius. Ông đã thành lập một cơ sở y tế thành công tại Luân Đôn và thông qua sự quan sát chính xác và lập luận tỉ mỉ, ông đã phát triển lý thuyết về tuần hoàn máu. Vào năm 1628, ông đã xuất bản cuốn sách kinh điển của mình có tên “Exercitatio Anatomica de Motu Cordis et Sanguinis in Animalibus” (Về Sự Chuyển Động của Tim và Máu trong Động Vật), thường được gọi là “De Motu Cordis”.

Việc cuốn sách này gây tranh cãi không có gì đáng ngạc nhiên. Vẫn còn rất nhiều người tuân theo lời dạy của Galen rằng máu chảy theo sự luân phiên lên và xuống trong mạch máu. Công trình của Harvey là kết quả của nhiều thí nghiệm cẩn thận tỉ mỉ, nhưng những người phê phán ông cũng chẳng mấy bận tâm lặp lại những thí nghiệm này, mà chỉ đơn giản ủng hộ những quan điểm cũ. Cuốn sách tuyệt vời thứ hai của ông có tên “Exercitationes de Generatione Animalium” (Thí nghiệm Về Sinh Sản Động Vật) được xuất bản năm 1651 đã đặt nền tảng cho phôi thai học hiện đại.

Việc Harvey phát hiện ra sự tuần hoàn của máu là một cột mốc tiến bộ quan trọng trong y học; cả cách thức thực hiện thí nghiệm mới mà không chỉ công trình nghiên cứu chính cũng đã đạt được kết quả đáng được chú ý và đánh giá cao. Theo phương pháp được triết gia Francis Bacon mô tả, ông đã rút ra sự thật từ kinh nghiệm thực tế chứ không dựa vào quyền lực hay tư duy của các tác giả trước.

William Harvey – người đầu tiên mô tả một cách chính xác sự lưu thông máu trong cơ thể. Nguồn: https://www.famousscientists.org/william-harvey/

Có một lỗ hổng trong lập luận của Harvey: ông buộc phải thừa nhận sự tồn tại của các mao mạch dẫn máu từ động mạch đến tĩnh mạch. Mối liên hệ này trong chuỗi bằng chứng được cung cấp bởi Marcello Malpighi ở Bologna (sinh năm 1628, cùng năm xuất bản De Motu Cordis). Với chiếc kính hiển vi nguyên thủy, Malpighi nhìn thấy một mạng lưới các mạch máu nhỏ trong phổi của một con ếch. Harvey cũng không thể chỉ ra lý do tại sao máu lại tuần hoàn. Sau khi Robert Boyle đã chứng minh rằng không khí là thiết yếu đối với sự sống của động vật, Richard Lower đã tìm ra được sự tương tác giữa không khí và máu. Cuối cùng, tầm quan trọng của oxy, vốn bị nhầm lẫn với phlogiston, đã được tiết lộ, mặc dù phải đến cuối thế kỷ 18, nhà hóa học vĩ đại Antoine-Laurent Lavoisier mới phát hiện ra bản chất thiết yếu của oxy và làm rõ mối quan hệ của nó với quá trình hô hấp.

Mặc dù kính hiển vi phức hợp đã được phát minh sớm hơn một chút, nhưng có lẽ ở Hà Lan, sự phát triển của nó, nó tương tự như kính thiên văn, là công trình của Galileo. Ông là người đầu tiên nhấn mạnh giá trị của việc đo lường trong khoa học và y học, thay thế lý thuyết và phỏng đoán bằng sự chính xác. Nhà hiển vi học vĩ đại người Hà Lan Antonie van Leeuwenhoek đã cống hiến cả cuộc đời mình cho các nghiên cứu về kính hiển vi và có lẽ ông là người đầu tiên nhìn thấy và mô tả vi khuẩn, ông đã báo cáo kết quả của mình cho Hiệp hội Hoàng gia Luân Đôn. Ở Anh, Robert Hooke, trợ lý của Boyle và người quản lý Hiệp hội Hoàng gia, đã xuất bản cuốn Micrographia của mình vào năm 1665, trong đó thảo luận và minh họa cấu trúc hiển vi của nhiều loại vật liệu.

  1. Tìm kiếm vô ích cho một hệ thống dễ dàng

Nhiều nỗ lực đã được thực hiện trong thế kỷ 17 nhằm khám phá một hệ thống dễ dàng trong hướng dẫn thực hành y học. Một tầng lớp tín ngưỡng mê tín vẫn còn tồn tại. Richard Wiseman, bác sĩ phẫu thuật của Charles II, vẫn đặt niềm tin vào phương pháp “cúng chạm hoàng gia” như một biện pháp chữa bệnh trĩ, trong khi ngay cả bác sĩ uyên bác người Anh Thomas Browne cũng tuyên bố rằng phù thủy thực sự tồn tại. Dù là vậy, xã hội vẫn có khao khát chung là chấm dứt những quan niệm cũ và tiếp thu những kiến thức, ý tưởng mới.

Quan điểm của nhà triết học người Pháp René Descartes cho rằng cơ thể con người là một cỗ máy và hoạt động theo cách cơ học đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng y học. Một nhóm thừa nhận quan điểm này và tự gọi mình là iatrophysicists; một trường phái khác, xem cuộc sống như một chuỗi các quá trình hóa học, được gọi là iatrochemists. Santorio Santorio, làm việc tại Padua, là người đi đầu trong quan điểm iatrophysical và là một nhà nghiên cứu tiên phong về quá trình trao đổi chất. Ông quan tâm đặc biệt đến việc đo lường cái mà ông gọi là “insensible perspiration” – sự bốc hơi không cảm nhận được từ bề mặt da của cơ thể con người, được miêu tả trong cuốn sách De Statica Medicina (1614; “Về Đo Lường Y Học”). Một người Ý đã phát triển ý tưởng này một bước xa hơn đó là Giovanni Alfonso Borelli, một giáo sư toán học tại Pisa, ông tập trung nghiên cứu cơ học, cân bằng và lực tĩnh của cơ thể và các quy luật vật lý chi phối các chuyển động của nó.

Trường phái iatrochemical được thành lập tại Brussels bởi Jan Baptist van Helmont, những bài viết của ông có sắc thái mê hóa của thuật giả kim. Một quan điểm hợp lý và dễ hiểu hơn về iatrochemistry đã được đưa ra bởi Franciscus Sylvius, tại Leiden và tại Anh, một học giả hàng đầu của cùng trường phái này là Thomas Willis, người được biết đến nhiều hơn nhờ mô tả về bộ não trong cuốn Cerebri Anatome Nervorumque Descriptio et Usus (“Giải phẫu bộ não và mô tả cũng như chức năng của dây thần kinh”), được xuất bản năm 1664 và được minh họa bởi Sir Christopher Wren.

Rõ ràng là không có con đường dễ dàng nào để đạt đến kiến thức y học và thực hành thông qua những kênh này, và phương pháp tốt nhất vẫn là hệ thống quan sát lâm sàng đơn giản lâu đời do Hippocrates khởi xướng. Nhu cầu quay trở lại những quan điểm này đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi Thomas Sydenham, ông được mệnh danh là “Hippocrates người Anh”. Sydenham không phải là một người viết nhiều, và thực tế, ông không kiên nhẫn với việc học từ sách y học; tuy nhiên, ông đã cung cấp các mô tả xuất sắc về các hiện trạng bệnh. Dịch vụ tốt nhất của ông, rất cần thiết vào thời điểm đó, là dẫn dắt các bác sĩ trở lại việc quan sát và làm việc trực tiếp với bệnh nhân, nơi mà nghệ thuật y học thực sự được thực hiện.

Thomas Sydenham. Nguồn: https://library.uab.edu/locations/reynolds/collections/medical-greats/thomas-sydenham

  1. Y học trong thế kỷ 18

Ngay cả trong thế kỷ 18, việc tìm kiếm một phương pháp chữa bệnh đơn giản vẫn tiếp tục. Ở Edinburgh, nhà văn kiêm giảng viên John Brown đã trình bày quan điểm của mình rằng chỉ có hai loại bệnh, mạnh (sthenic) và yếu (asthenic), và hai phương pháp điều trị, kích thích và an thần; những biện pháp chính của ông là cồn và opium. Các cuộc tranh luận sôi nổi và gay gắt đã diễn ra giữa những người theo học ông, gọi là Brunonians, và những người theo trường phái truyền thống hơn, được gọi là Cullenians (người theo William Cullen, một giáo sư y học tại Glasgow), và cuộc tranh luận đã lan rộng đến các trung tâm y học của châu Âu.

Đối lập với phương pháp điều trị y học liên quan đến liều lượng, Samuel Hahnemann, của Leipzig, người sáng tạo ra phương pháp homeopathy – vi lượng đồng căn, sử dụng liều lượng nhỏ của các loại thuốc có khả năng gây ra các triệu chứng tương tự với tình trạng bệnh đang được điều trị. Ý tưởng của ông đã có tác động tích cực đối với tư duy y học vào thời điểm mà các đơn thuốc dài và liều lượng lớn, và hệ thống của ông đã có nhiều người theo học.

Đến thế kỷ 18, trường y ở Leiden đã phát triển ngang bằng với trường y ở Padua, và thu hút nhiều sinh viên nước ngoài theo học. Trong số đó có John Monro, một bác sĩ phẫu thuật quân đội, mong muốn thành phố quê hương Edinburgh của ông cũng nên có một trường y tương tự. Ông đặc biệt giáo dục con trai mình là Alexander nhằm mục đích để cậu được bổ nhiệm làm giáo sư giải phẫu, và kế hoạch táo bạo này đã thành công. Alexander Monro học tại Leiden dưới sự hướng dẫn của Hermann Boerhaave, nhân vật trung tâm của y học châu Âu và là giáo viên lâm sàng vĩ đại nhất vào thời ông. Sau đó, ba thế hệ của gia đình Monro đã dạy giải phẫu tại Edinburgh trong suốt 126 năm liên tục. Giáo dục y tế ngày càng được đưa vào các trường đại học ở châu Âu, và Edinburgh đã trở thành trung tâm học thuật hàng đầu về y học tại Anh.

Vào thế kỷ 18 tại London, những bác sĩ người Scotland là những người đi đầu trong lĩnh vực phẫu thuật và sản khoa. Giáo sư nổi tiếng John Hunter đã tiến hành các nghiên cứu sâu rộng về giải phẫu so sánh và sinh lý học, sáng lập ra bệnh lý phẫu thuật và nâng phẫu thuật lên một tầm cao mới, trở thành một ngành khoa học đáng kính. Anh trai của ông, William Hunter, một giáo sư giải phẫu xuất sắc, đã trở nên nổi tiếng với tư cách là một bác sĩ sản khoa. Các bác sĩ nam bấy giờ chăm sóc phụ nữ trong quá trình sinh đẻ, và bác sĩ sản khoa hàng đầu ở London là William Smellie. Tác phẩm nổi tiếng của ông “Luận về Lý thuyết và Thực hành Sản khoa”, được xuất bản thành ba tập vào giai đoạn 1752–64, bao gồm các cuộc thảo luận có hệ thống đầu tiên về việc sử dụng an toàn các dụng cụ sản khoa, mà từ đó đã cứu sống vô số sinh mạng. Smellie đặt sản khoa trên một nền tảng khoa học vững chắc và góp phần thúc đẩy việc thiết lập sản khoa như một chuyên ngành y tế được công nhận.

Khoa học về bệnh lý hiện đại cũng có nguồn gốc từ thế kỷ này. Giovanni Battista Morgagni, đến từ Padua, vào năm 1761 xuất bản tác phẩm đồ sộ của mình mang tên De Sedibus et Causis Morborum (Về vị trí và nguyên nhân của bệnh tật, nghiên cứu bằng giải phẫu học), mô tả về những hiện tượng được phát hiện qua khám nghiệm tử thi của gần 700 trường hợp, trong đó ông cố gắng tương quan những phát hiện sau khi chết với hình ảnh lâm sàng của tình trạng bệnh khi còn sống.

Dựa trên công việc bắt đầu vào thế kỷ 18, René Laënnec, một người gốc Brittany, hành nghề y ở Paris, đã phát minh ra một ống nghe đơn giản, hay còn gọi là hình trụ, như tên gọi ban đầu của nó. Vào năm 1819, ông viết cuốn sách “De l’auscultation médiate” (“Về Âm thanh Trung gian”), mô tả nhiều âm thanh kỳ lạ trong tim và phổi nhờ vào công cụ này. Trong khi đó, một bác sĩ người Vienna, Leopold Auenbrugger, đã khám phá ra một phương pháp khác để điều tra các bệnh về ngực, đó là phương pháp gõ. Là con trai của một chủ quán trọ, ông được cho là đã nảy ra ý tưởng gõ bằng ngón tay khi nhớ lại rằng ông đã sử dụng phương pháp này để đo mức chất lỏng trong thùng tô nô của cha mình.

Ống nghe khám bệnh đầu tiên của Laennec. Nguồn: Science Museum London / Science and Society Picture Library

Một tiến bộ y học vô cùng quan trọng vào cuối thế kỷ này là tiêm chủng. Bệnh đậu mùa, làm biến dạng và thường gây tử vong, đã phổ biến rộng rãi. Việc tiêm chủng đã được thực hiện ở phương Đông và được phổ biến ở Anh vào năm 1721–22 bởi Lady Mary Wortley Montagu, người nổi tiếng với những bức thư của mình. Bà đã quan sát việc thực hiện tiêm chủng ở Thổ Nhĩ Kỳ, tại đó, phương pháp tiêm chủng đã tạo ra một dạng bệnh nhẹ hơn, có khả năng phát triển sự miễn dịch với căn bệnh, mặc dù có nguy cơ không an toàn hoàn toàn. Người đã tiến hành bước phát triển tiếp theo trong lĩnh vực tiêm chủng đó là Edward Jenner, một bác sĩ thực hành sống ở nông thôn và từng là học trò của John Hunter. Năm 1796, Jenner bắt đầu tiêm ngừa với tạng tế bào bệnh tật từ bệnh vaccine (dạng bệnh ở gia súc). Và sau đó ông tiêm chủng cùng người bệnh bằng bệnh đậu mùa. Sự tiêm chủng này đã ngăn chặn bệnh đậu mùa xuất hiện. Phương pháp tiêm ngừa này đã đóng góp vào việc loại bỏ căn bệnh đậu mùa.

Sức khỏe cộng đồng và vệ sinh được quan tâm nhiều hơn trong thế kỷ 18. Số liệu thống kê về dân số bắt đầu được lưu giữ và nảy sinh những đề xuất liên quan đến luật y tế. Các bệnh viện được thành lập với nhiều mục đích khác nhau. Ở Paris, Philippe Pinel đã khởi đầu những cải cách táo bạo trong việc chăm sóc người bệnh tâm thần, giải phóng họ khỏi khỏi xiềng xích và từ bỏ quan niệm cổ hủ cho rằng rối loạn tâm thần là do quỷ ám.

Điều kiện cũng được cải thiện cho các thủy thủ và binh lính. James Lind, một bác sĩ hải quân người Anh từ Edinburgh, đã khuyên dùng trái cây tươi và nước ép cam để ngăn ngừa bệnh scorbut (bệnh do thiếu hụt vitamin C), một biện pháp đã được người Hà Lan khám phá từ thế kỷ 16. Khi hải quân Anh làm theo lời khuyên của Lind – nhiều thập kỷ sau – bệnh thiếu vitamin này đã bị loại bỏ. Năm 1752, John Pringle, một người Scotland, đã xuất bản cuốn “Quan sát kinh điển về bệnh tật của Quân đội”, chứa đựng nhiều khuyến nghị về sức khỏe và sự thoải mái cho binh sĩ. Trong thời gian phục vụ cùng lực lượng Anh trong Chiến tranh Kế vị Áo, vào năm 1743, ông đã đề xuất rằng bệnh viện quân sự ở cả hai bên nên được coi như một nơi an toàn và bảo vệ bệnh nhân; từ đây dẫn đến việc thành lập Tổ chức Hội Chữ thập đỏ vào năm 1864.

Hai học thuyết giả khoa học liên quan đến y học xuất hiện ở Vienna vào cuối thế kỷ này và gây được tiếng vang lớn. Đầu tiên là Thuật thôi miên, một tư duy giả khoa học về năng lượng tâm linh, bắt nguồn từ niềm tin của Franz Anton Mesmer, rằng bất kỳ giá trị nào trong việc điều trị bệnh có thể đến từ các gợi ý được đưa ra khi bệnh nhân đang ở trong trạng thái hôn mê. Thứ hai là Phrenology, do Franz Joseph Gall đề xuất, cho rằng hình dạng của hộp sọ có thể tiết lộ thông tin về tâm trí và tính cách của một cá nhân, tư duy giả khoa học này phổ biến suốt thế kỷ 19.

Đồng thời, tư duy khoa học đúng đắn đang có những tiến bộ ổn định, và sự tiến bộ trong vật lý, hóa học và khoa học sinh học hội tụ để hình thành cơ sở khoa học hợp lý cho mọi ngành y học lâm sàng. Kiến thức mới được lan truyền khắp châu Âu và được mang qua biển đến Mỹ, nơi các cơ sở y tế xuất sắc được xây dựng và phát triển.

(Hết Phần 1: Y học và phẫu thuật trước năm 1800)

Bài trước: https://husta.vn/kho-tang-hoc-thuat-y-duoc-cua-co-doc-giao-va-hoi-giao/

Bài sau: Phần 2: https://husta.vn/su-phat-trien-cua-y-hoc-khoa-hoc-trong-the-ky-19/

Nguồn: https://www.britannica.com/science/history-of-medicine/The-spread-of-new-learning#ref35658

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email