Liên hiệp Hội làm việc với các đối tác nước ngoài tại Việt Nam để huy động nguồn lực phát triển lĩnh vực khoa học và công nghệ tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Tác giả:

Vào ngày 23/4, Đoàn công tác Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế do TS. Đặng Thanh Phú, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc với các đối tác nước ngoài tại Việt Nam gồm Cơ quan Hợp tác Quốc tế của Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế của Hàn Quốc (KOICA).

Chuyến công tác lần này nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc để kết nối với các chuyên gia, các nhà khoa học, các học giả có uy tín của hai quốc gia nói trên tham gia vào các hội nghị, hội thảo của tỉnh để chia sẻ kiến thức, thông tin, cơ hội và kinh nghiệm trong phát triển các lĩnh vực KH&CN; đề xuất nghiên cứu, cung cấp các nguồn viện trợ phù hợp để phát triển các dự án, các chương trình phát triển; hợp tác tăng cường đổi mới và phát triển trong lĩnh vực KH&CN, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội của tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh tỉnh Thừa Thiên Huế nỗ lực tận dụng và phát huy tối đa các nguồn lực nhằm sớm trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về KH&CN trong giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tiếp và làm việc với đoàn công tác Liên hiệp Hội có Phó Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam, ông Hiraoka Hisakazu và Cán bộ Chương trình, bà Nguyễn Hà Minh Anh

Tại buổi làm việc với KOICA Việt Nam có bà Kim Narae, Phó Giám đốc Quốc gia và bà Ngô Hồng Hạnh, Điều phối viên

Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, trong những năm qua, nhiều hoạt động và dự án hỗ trợ của JICA và KOICA đã đóng góp tích cực, có ý nghĩa vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế, cụ thể như quy hoạch chung của tỉnh, tăng trưởng xanh và phát triển đô thị xanh, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, xây dựng Thành phố Huế văn hóa và du lịch thông minh, v.v… Tại buổi làm việc, các bên đã thảo luận về cơ hội hợp tác như: hỗ trợ giới thiệu, kết nối các chuyên gia chất lượng cao, có uy tín liên quan đến lĩnh vực về Năng lượng, Môi trường, Nông nghiệp, Công nghệ sinh học, Công nghệ bán dẫn, Y tế, Điện tử, các chuyên gia về bảo tồn văn hóa, phục dựng di sản, xây dựng Thành phố thông minh, v.v…; Cung cấp chương trình học bổng, đào tạo cán bộ, chuyên gia ngắn hạn hoặc dài hạn; Cử các tình nguyện viên về các lĩnh vực nêu trên như môi trường, y tế cộng đồng, du lịch, v.v… Với tinh thần làm việc trên, cả JICA và KOICA nhất trí sẽ nghiên cứu, liên hệ với cơ quan chuyên trách để hỗ trợ để kết nối các nhà khoa học, chuyên gia, học giả phù hợp với mong đợi của địa phương. Về phía Liên hiệp Hội, đơn vị sẽ chủ động phối hợp với các sở, ban ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, đơn vị để sớm có các danh mục, các đề xuất, dự án cụ thể để gởi đến JICA và KOICA.

Buổi làm việc giữa Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế với hai Tổ chức KOICA và JICA là sự khởi đầu nỗ lực của Liên hiệp Hội nhằm vận động, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài, hướng tới đồng hành xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một Trung tâm Khoa học và Công nghệ trong thời gian đến của địa phương.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email