Kho tàng học thuật Y – Dược của Cơ đốc giáo và Hồi giáo; Y học Châu Âu thời Trung cổ và Phục hưng

Tác giả: Thủy Tiên dịch

(Y học và phẫu thuật trước năm 1800)

I. Kho tàng học thuật Y – Dược của Cơ đốc giáo và Hồi giáo

Sau sự sụp đổ của La Mã, học vấn không còn được coi trọng nữa, việc thực hiện thử nghiệm và tạo ra những ý tưởng, phát kiến mới đã không được khuyến khích và còn bị ngăn cản. Vào đầu thời Trung cổ, y học đã được thực hiện và phát triển bởi các học giả Cơ đốc giáo và người Ả Rập, đóng góp đa dạng cho sự phát triển y học.

  1. Dịch giả và các vị thánh

Đôi khi người ta nói rằng nhà thờ Kitô giáo sơ khai có ảnh hưởng tiêu cực đối với tiến bộ y học. Bệnh tật được coi là một hình phạt cho tội lỗi, và sự trừng phạt đó chỉ đòi hỏi sự cầu nguyện và ăn năn. Hơn nữa, cơ thể con người được coi là thiêng liêng và việc mổ xẻ bị cấm đoán. Những nỗ lực chăm sóc và chữa bệnh từ phía nhà thờ Cơ đốc giáo có giá trị và tầm quan trọng lớn hơn nhiều so với sự không khoan dung đối với y học trong giai đoạn đầu của Cơ đốc giáo.

Có lẽ đóng góp quý giá nhất mà nhà thờ đã thực hiện đối với y học là việc bảo tồn và sao chép các bản thảo y học cổ điển của Hy Lạp. Những bản thảo này đã được dịch sang tiếng Latinh tại nhiều tu viện thời Trung cổ, và các Cơ đốc hữu Nestorian (một nhà thờ phương Đông) đã thành lập một trường dịch thuật để dịch các văn bản Hy Lạp sang tiếng Ả Rập. Ngôi trường nổi tiếng này cũng là một bệnh viện lớn, tọa lạc tại Jundi Shāhpūr ở phía tây nam Ba Tư, nơi mà bác sĩ trưởng Jurjīs ibn Bukhtīshūʿ là người đầu tiên trong dòng họ các dịch giả và bác sĩ kéo dài suốt sáu thế hệ. Một dịch giả sau này nổi tiếng là Ḥunayn ibn Isḥāq, hay còn gọi là Johannitus (sinh năm 809) có những bản dịch được cho là có giá trị bằng vàng.

Vào khoảng thời gian này xuất hiện một số vị thánh có tên tuổi gắn liền với những phương pháp chữa bệnh thần kỳ. Trong số những người đầu tiên là cặp anh em sinh đôi, Cosmas và Damian, những người đã chịu tử đạo (khoảng 303) và trở thành các vị thánh bảo trợ của y học. Một số vị thánh khác được gọi cầu xin sự chữa lành do họ có sức mạnh chữa bệnh đặc biệt cho những căn bệnh cụ thể, như Thánh Vitus cho bệnh Sydenham’s chorea  còn gọi là bệnh nhảy của thánh Vitus (St. Vitus dance) và Thánh Anthony cho bệnh nhiễm trùng da erysipelas (St. Anthony fire). Sự thờ phụng các thánh này đã lan rộng trong thời kỳ Trung cổ, rồi sau đó có sự thờ phụng đối với Thánh Roch cho dịch bệnh (plague), được thực hiện rộng rãi trong những năm đầy dịch bệnh của thế kỷ 14.

  1. Y học Ả Rập

Một nguồn học thuật y học thứ hai trong giai đoạn đó là đế chế Hồi giáo vĩ đại, trải dài từ Ba Tư đến Tây Ban Nha. Mặc dù người ta thường nói về y học Ả Rập khi mô tả giai đoạn này, nhưng không phải tất cả các bác sĩ đều là người Ả Rập hoặc người bản xứ của Ả Rập. Thậm chí, cũng không phải tất cả họ đều theo đạo Hồi: một số là người Do Thái, một số là người Cơ đốc giáo, và họ đến từ khắp các vùng của đế chế này. Một trong những nhân vật đầu tiên là Rhazes, một người Ba Tư được sinh ra vào nửa cuối thế kỷ 9 gần Tehrān hiện đại, người đã viết một bộ sách về y học dày đặc, “Kitāb al-hāḳī” (“Cuốn sách toàn diện”), nhưng công trình nổi tiếng nhất của ông đó là “De variolis et morbillis” (Về Bệnh Nấm và Bệnh Sởi) phân biệt giữa hai căn bệnh này và đưa ra mô tả rõ ràng về cả hai căn bệnh.

Về sau có một nhà y học Hồi giáo tên là Avicenna (980–1037), ông được mệnh danh là hoàng tử của những nhà y học và nơi mai táng ông tại Hamadan đã trở thành một địa điểm hành hương. Ông có thể thuộc lòng Qurʾān trước khi ông 10 tuổi, và trở thành bác sĩ triều đình ở tuổi 18. Tác phẩm y học chính của ông, Al-Qānūn fī aṭ-ṭibb (Luật y học), đã trở thành một tác phẩm cổ điển và đã được sử dụng tại nhiều trường y –  tại Montpellier, Pháp, cho đến năm 1650 – và được cho là vẫn được sử dụng ở phương Đông.

Nhà Y học Hồi giáo Avicenna. Nguồn: SHEILA TERRY / SCIENCE PHOTO LIBRARY

 Đóng góp lớn nhất của y học Ả Rập nằm trong lĩnh vực hóa học, kiến thức và bào chế thuốc. Những nhà hóa học thời đó thường là những nhà học giả hóa học, và mục tiêu theo đuổi của họ chủ yếu là tìm kiếm hòa thạch viên, được cho là có khả năng biến các kim loại thường thành vàng. Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm, đã có nhiều chất được đặt tên và mô tả, và một số chất đã được tìm thấy có giá trị trong lĩnh vực y học. Nhiều loại thuốc có nguồn gốc từ người Ả Rập, cũng như các quy trình như thăng hoa (một quá trình hóa học mà chất rắn chuyển trực tiếp thành hơi mà không cần trạng thái lỏng trung gian).

Trong thời kỳ đó, và thực tế là trong hầu hết các thời kỳ lịch sử, phẫu thuật bị đánh giá thấp hơn so với y học và các bác sĩ phẫu thuật thường bị coi thường. Tuy nhiên, bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng người Tây Ban Nha Abū al-Qāsim (Albucasis) đã làm rất nhiều việc để nâng cao vị thế của phẫu thuật tại Córdoba, đây là một trung tâm quan trọng về thương mại và văn hóa trong thời đại đó, với bệnh viện và trường y được coi là tương đương với những trường y ở Cairo và Baghdad. Là một người hành nghề cẩn thận và bảo thủ, ông đã viết cuốn sách phẫu thuật đầu tiên có hình ảnh minh họa và ảnh hưởng rộng rãi ở Châu Âu suốt nhiều thế kỷ.

II. Y học Châu Âu thời Trung cổ và Phục hưng

  1. Salerno và những trường y học

Cùng thời điểm y học Ả Rập phát triển mạnh mẽ, trường y học có tổ chức đầu tiên ở châu Âu đã được thành lập tại Salerno, miền Nam nước Ý. Mặc dù trường Salerno không đào tạo ra thiên tài lỗi lạc và không có khám phá đáng kinh ngạc nào, nhưng đây là cơ sở y học xuất sắc vào thời đó và là nguồn gốc của những trường y học Trung cổ xuất sắc sau này tại Montpellier và Paris ở Pháp, cũng như tại Bologna và Padua ở Ý. Salerno đã thu hút nhiều học giả gần xa. Đáng chú ý là Salerno có tư tưởng tự do đáng kể, cho phép nữ sinh theo học y khoa. Ngôi trường mang ơn hoàng đế La Mã Thần thánh khai sáng Frederick II, người đã ra lệnh vào năm 1221 rằng không ai được hành nghề y cho đến khi được các bậc thầy ở Salerno chấp thuận công khai.

Trường Salerno cũng tạo ra một nền văn học của riêng mình. Tác phẩm nổi tiếng nhất, không rõ niên đại và có nhiều tác giả, đó là “Hướng dẫn về Sức khỏe của Salernitan” (“Salernitan Guide to Health”). Cuốn sách được viết bằng thể thơ, nó xuất hiện trong nhiều phiên bản và đã được dịch sang nhiều thứ tiếng. Trong số những cặp câu thường được trích dẫn, có cặp câu sau:

“Sử dụng ba bác sĩ, trước hết là Bác sĩ Yên lặng,

Tiếp theo là Bác sĩ Vui vẻ và Bác sĩ Chế độ ăn uống.”

Salerno đã nhường lại vị trí trường y khoa hàng đầu Châu Âu cho Montpellier vào khoảng năm 1200. John xứ Gaddesden, hình mẫu cho “học giả về y học” trong tác phẩm Canterbury Tales của Geoffrey Chaucer, là một trong những sinh viên người Anh ở ngôi trường đó. Có thể thấy rõ ràng từ mô tả của Chaucer rằng ông đã dựa vào chiêm tinh và lý thuyết về các yếu tố cơ thể trong việc thực hiện y học:

“Ông ấy có thể đoán được ngôi sao đang trong giai đoạn đi lên

Mà trong đó vận mệnh của bệnh nhân đã được quyết định.

Ông ấy biết về quá trình của mọi căn bệnh,

Cho dù đó là lạnh hay nóng, ẩm ướt hay khô hanh.”

Các bác sĩ thời Trung cổ đã phân tích các triệu chứng, kiểm tra chất bài tiết và đưa ra các chẩn đoán. Sau đó, họ có thể kê đơn chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, tập thể dục, hoặc tắm rửa, hoặc họ có thể cho bệnh nhân thuốc nôn và thuốc nhuận tràng hoặc cầm máu cho bệnh nhân. Các bác sĩ phẫu thuật có thể điều trị gãy xương và trật khớp, sửa chữa chứng thoát vị, và thực hiện cắt chi và một số ca phẫu thuật khác. Một số người trong số họ kê đơn opium, mandragora hoặc rượu để làm giảm đau. Việc sinh con được giao cho các bà đỡ dựa vào truyền thống và văn hóa dân gian.

Các bệnh viện lớn đã được thành lập vào thời Trung cổ bởi các tổ chức tôn giáo, và các bệnh xá được gắn liền với các tu viện, nhà thờ. Các bác sĩ và y tá trong các cơ sở này thuộc các dòng tôn giáo và kết hợp chữa bệnh về tinh thần với thể xác.

  1. Sự lan truyền của kiến thức mới

Trong số các giáo viên y khoa ở các trường đại học thời Trung cổ, vẫn còn nhiều người kiên trì bám vào kiến thức cũ và truyền thống, nhưng cũng có không ít người quyết định khám phá những hướng tư duy mới. Tri thức mới của thời Phục hưng ra đời tại Ý, đã phát triển và mở rộng một cách chậm rãi. Hai học giả vĩ đại của thế kỷ 13 có ảnh hưởng đến y học là Roger Bacon, một người quan sát tích cực và là nhà thí nghiệm không mệt mỏi, và Albertus Magnus, một triết gia và nhà văn khoa học xuất sắc.

Trong hoảng thời gian này, Mondino dei Liucci giảng dạy tại Bologna. Các lệnh cấm về việc mổ xác người dần dần được nới lỏng, và Mondino đã tự mình thực hiện các cuộc mổ xẻ thay vì tuân theo thủ tục thông thường là giao nhiệm vụ cho những người thấp kém. Mặc dù ông tiếp tục mắc phải những sai sót của Galen, tác phẩm Anothomia của ông đã được xuất bản vào năm 1316 và là cuốn cẩm nang thực hành đầu tiên về giải phẫu. Trong số các bác sĩ phẫu thuật hàng đầu thời đó là Guy de Chauliac, ông là bác sĩ phục vụ cho ba giáo hoàng tại Avignon. Cuốn sách Chirurgia magna (“Phẫu thuật vĩ đại”), dựa trên quan sát và kinh nghiệm, đã có ảnh hưởng sâu sắc đối với sự tiến bộ của phẫu thuật.

Phục hưng trong thế kỷ 14, 15 và 16 không chỉ đơn thuần là việc khôi phục lại sự quan tâm đối với văn hóa Hy Lạp và La Mã; đó thực sự là một sự thay đổi lớn trong góc nhìn, lòng háo hức khám phá, mong muốn thoát khỏi giới hạn của truyền thống và khám phá các lĩnh vực kiến thức và hành động mới. Trong lĩnh vực y học, có lẽ đã được chứng minh rằng giải phẫu và sinh lý, kiến thức về cơ thể người và cách hoạt động của nó, nên là những khía cạnh đầu tiên trong giáo dục y học nhận được sự chú ý từ những người nhận thức được sự cần thiết của sự cải cách.

Năm 1543, Andreas Vesalius, một giáo sư giải phẫu trẻ xứ Bỉ tại Đại học Padua, đã xuất bản tác phẩm “De humani corporis fabrica” (“Về cấu trúc cơ thể người”). Dựa trên các cuộc mổ xác mà mình thực hiện, tác phẩm quan trọng này đã sửa chữa nhiều sai lầm của Galen. Thông qua quan sát và phương pháp khoa học của mình, Vesalius đã cho thấy được Galen không còn được coi là người có thẩm quyền cuối cùng nữa. Gabriel Fallopius tiếp nối công việc của Vesalius tại Padua và sau đó là Hieronymus Fabricius ab Aquapendente; đặc biệt là tác phẩm của ông về các van trong tĩnh mạch, “De venarum ostiolis” (1603), đã đưa ra ý tưởng cho học trò của ông, William Harvey, về lý thuyết đột phá về tuần hoàn máu, một trong những khám phá y học vĩ đại.

Andreas Vesalius. Tranh in đá bởi E. Milster, chuyển thể từ tác phẩm gốc của E. J. C. Hamman, 1849. Bộ sưu tập Wellcome.

Phẫu thuật cũng hưởng lợi từ góc nhìn mới trong giải phẫu, và nhà cải cách vĩ đại Ambroise Paré đã thống trị lĩnh vực này vào thế kỷ 16. Paré là bác sĩ phẫu thuật của bốn vị vua Pháp, và ông đã xứng đáng được gọi là cha đẻ của phẫu thuật hiện đại. Trong cuốn tự truyện của mình, được viết sau khi ông đã nghỉ hưu sau 30 năm phục vụ với tư cách là một bác sĩ phẫu thuật quân đội, Paré đã miêu tả cách ông đã từ bỏ việc sử dụng lửa để đốt lên vết thương để dừng chảy máu, một phương pháp đau đớn và không hiệu quả, và thay vào đó sử dụng dây thắt và bộ băng bó. “Tôi băng bó cho anh; Chúa chữa lành anh”, đây là câu thành ngữ mà ông yêu thích, cho thấy ông là một vị bác sĩ cẩn thận và nhân từ.

Ở Anh trong thời kỳ này, phẫu thuật, được thực hiện bởi các thợ cắt tóc kiêm bác sĩ, được quy định và tổ chức theo các hội đoàn hoàng gia. Các tổ chức này sau này đã trở thành các học viện phẫu thuật hoàng gia ở Scotland và Anh. Việc hợp nhất giữa các bác sĩ và phẫu thuật viên thành một tổ chức chung tại Glasgow được thực hiện, và thành lập một học viện bác sĩ tại Luân Đôn.

Bối cảnh y học thế kỷ 16 trở nên sống động hơn nhờ bác sĩ và nhà giả kim bí ẩn tự xưng là Paracelsus. Ông sinh ra tại Thụy Sĩ và đi du học khắp châu Âu, học hỏi kỹ năng y học và thực hành, cũng như dạy học trong suốt hành trình ông đi. Theo truyền thống của Hippocrates, Paracelsus nhấn mạnh đến sức mạnh chữa lành của thiên nhiên, nhưng khác với Hippocrates, ông tin rằng còn có sức mạnh của các lực lượng siêu nhiên, và ông mạnh mẽ chỉ trích các phương pháp điều trị y học vào thời của mình. Với tham vọng cải cách, ông đã để lòng không khoan nhượng lấn át tính thận trọng trong ông, khi mà ông đốt cháy công khai các tác phẩm của Avicenna và Galen trước khi bắt đầu bài giảng tại Basel. Hành động này dĩ nhiên khiến cho các nhà chức trách và các chuyên gia y học phẫn nộ. Mặc dù ông nổi tiếng rộng rãi trong thời đại của mình, Paracelsus vẫn là một nhân vật gây tranh cãi cho đến ngày nay. Tuy nhiên, bất chấp sự nghiệp đầy sóng gió của mình, ông đã cố gắng mang đến một cách tiếp cận hợp lý hơn để chẩn đoán và điều trị, đồng thời ông đã đưa ra việc sử dụng thuốc hóa học thay cho các phương pháp điều trị bằng thảo dược.

Một người cùng thời với Paracelsus, Girolamo Fracastoro là một học giả người Ý với bản sắc khác biệt hoàn toàn. Tác phẩm của ông về căn bệnh giang mai, mang tựa đề “Syphilis sive morbus Gallicus” (1530; “Bệnh giang mai hay căn bệnh Pháp”), được viết bằng thể thơ. Mặc dù Fracastoro gọi bệnh giang mai là căn bệnh của Pháp, nhưng người khác gọi nó là bệnh Napoli, vì nó được cho là đã được các thủy thủ của Christopher Columbus mang đến Napoli từ Mỹ. Tuy nhiên, nguồn gốc của nó vẫn còn bị nghi ngờ. Fracastoro quan tâm nhiều đến bệnh truyền nhiễm, và ông đã đưa ra các giải thích khoa học đầu tiên về cách lây nhiễm bệnh. Trong tác phẩm vĩ đại của mình, “De contagione et contagiosis morbis” (1546), ông đưa ra giả thuyết rằng hạt giống của một số căn bệnh là các hạt nhỏ không thể nhận thấy được, được truyền qua không khí hoặc tiếp xúc.

(còn tiếp)

Bài trước: https://husta.vn/nguon-goc-cua-y-hoc-phuong-tay-700-tcn-1500-cn/

Bài kế tiếp: https://husta.vn/thoi-ky-khai-sang-cua-y-hoc-truoc-the-ky-18/

Nguồn: https://www.britannica.com/science/history-of-medicine/Medicine-in-the-18th-century#ref35662

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email