Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhìn từ góc độ quản lý nhà nước

Tác giả: Trần Như

  Năm 2023, hoạt động Khoa học và Công nghệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được triển khai đồng bộ, phù hợp với tiến độ kế hoạch năm và bám sát chương trình công tác của tỉnh, địa phương và đơn vị. Các nhiệm vụ trọng tâm đã được triển khai đúng kế hoạch và đảm bảo nội dung, chất lượng, đúng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, bám sát thực tiễn sản xuất và cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Hoạt động Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khởi sắc

Triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh năm 2023, ngay từ đầu năm ngành KH&CN đã xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của ngành KH&CN và tích cực triển khai thực hiện nhằm hoàn thành được nhiệm vụ được giao.  Chủ động xây dựng các văn bản triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09/8/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về KH&CN giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Hoạt động quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) được chú trọng, đã tiếp nhận, tổ chức thẩm định hỗ trợ 46 hồ sơ của các tổ chức, doanh nghiệp theo Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020. Đặc biệt, Cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023 được tổ chức thành công với số lượng hồ sơ dự thi cao nhất từ trước đến nay.

Thực hiện Quyết định 1938/QĐ-UBND ngày 30/7/2020 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án cố đô Khởi nghiệp, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 do tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các chương trình, đề án và cơ chế chính sách của ngành đã góp phần hỗ trợ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh, góp phần hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp và hướng trọng tâm vào doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, đo lường và phát triển tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh, góp phần phát triển KTXH của tỉnh nhà.

Triển khai Đề án Cố đô Khởi nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 21/02/2023 của UBND tỉnh về triển khai Đề án Cố đô Khởi nghiệp năm 2023; Kế hoạch 98/KH-UBND ngày 16/3/2023 tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023, Quyết định số 576/QĐ-UBND ngày 16/3/2023 của UBND tỉnh ban hành thể lệ Cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023.

Trên cơ sở Kế hoạch của UBND tỉnh ban hành, đã tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST mở gắn với hoạt động đầu tư chuyển giao công nghệ tại tỉnh Thừa Thiên Huế” và phát động Cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST năm 2023. Cuộc thi năm 2023 tiếp nhận 90 bộ hồ sơ dự thi, qua hai vòng sơ khảo và bán kết, đã chọn ra 18 ý tưởng, dự án khởi nghiệp tiềm năng nhất tham gia vòng chung kết. Qua chấm vòng chung kết, Hội đồng giám khảo đã chọn được 12 ý tưởng dự án khởi nghiệp xuất sắc nhất để trao giải Cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023. Từ nguồn xã hội hoá, đã trao giải cho cuộc thi với tổng kinh phí huy động 160 triệu đồng.

Diễn đàn Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực dược liệu

Diễn đàn thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST tại huyện Quảng Điền, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế thu hút hơn 400 đại biểu tham dự; Trung tâm ươm tạo Khởi nghiệp Sông Hàn phối hợp Sở KH&CN tổ chức Hội thảo “Văn hóa và ĐMST: Kết nối quá khứ và tương lại cho cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Năm 2023, các đơn vị trong hệ sinh thái của tỉnh đã bám sát Kế hoạch số 53/KH-UBND của UBND tỉnh để triển khai các nhiệm vụ, đặc biệt, huyện Quảng Điền đã tổ chức thành công Cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST lần thứ nhất. Trung tâm Đo lường, thử nghiệm và thông tin khoa học đã tổ chức các diễn đàn thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp: Diễn đàn Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dược liệu, Diễn đàn Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Du lịch, Hội nghị Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Thừa Thiên Huế và khai trương Văn phòng Tư vấn, hỗ trợ dịch vụ khoa học công nghệ và ĐMST.

Bên cạnh hoạt động quản lý, điều hành, các hoạt động quản lý nhà nước chuyên ngành, hoạt động khoa học, công nghệ và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp huyện cũng khởi sắc, đặc biệt sự tham gia của các doanh nghiệp, sự đồng hành của các Sở ban ngành, đoàn thể, các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn đã tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả khả quan, góp phần phát triển KTXH của địa phương.

Hứa hẹn năm 2024 với những bức phá mạnh mẽ

Theo ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN, năm 2024, ngành KH&CN tỉnh nhà xác định mục tiêu định hướng “Phát triển mạnh mẽ KHCN và ĐMST nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người, đưa KH&CN thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển KTXH của tỉnh. Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về KH&CN gắn với trung tâm giáo dục, đào tạo và y tế chuyên sâu”. Phấn đấu tỷ lệ đề tài nghiên cứu KH&CN được đưa vào ứng dụng trong các ngành kinh tế có hiệu quả đạt 65%.

Diễn đàn Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực du lịch

Để đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu đề ra, đối với lĩnh vực Khởi nghiệp, ĐMST, ngành KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đồng hành, phối hợp cùng các sở, ban ngành, Đại học Huế, Trung tâm CNTT và Viện Nghiên cứu phát triển trong việc kêu gọi, huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng Khu công nghệ thông tin tập trung; Trung tâm OCOP miền Trung tại Huế; hình thành Trung tâm khởi nghiệp ĐMST tỉnh, định hướng phát triển thành Trung tâm ĐMST Quốc gia.

Hai, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh theo Đề án Cố đô khởi nghiệp. Gắn hoạt động khởi nghiệp ĐMST với khởi sự kinh doanh, những ý tưởng khởi sự kinh doanh có tiềm năng được lựa chọn cần được áp dụng các chính sách hỗ trợ như các dự án khởi nghiệp ĐMST.

Ba, tập trung các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trong các doanh nghiệp. Triển khai đồng bộ những chính sách hỗ trợ mặt bằng, hỗ trợ tín dụng thông qua tín chấp, hỗ trợ tiếp cận vốn vay, lãi suất cho vay; hỗ trợ kêu gọi vốn đầu tư; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường KH&CN,…

Bốn, tổ chức triển khai Kế hoạch tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST và Cố đô khởi nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024; Triển khai Techfest vùng duyên hải miền Trung Tây Nguyên.

Năm, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Cố đô Khởi nghiệp; Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KH, CN&ĐMST trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2021-2030; tăng cường các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp theo Nghị quyết số 21/2020/HĐND về nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh đến năm 2025,…

Sáu là, làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành cho công chức, viên chức đúng quy định.

Từ kết quả hoạt động năm 2023 và những định hướng cho năm tới, có thể thấy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh Thừa Thiên Huế đã được hình thành và phát triển khá vững chắc. Phong trào khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh đã phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, với sự tham gia của tất cả các thành phần xã hội góp phần vào phát triển kinh tế xã hội, xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về KH&CN./.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email