Tác giả: PGS.TS Trần Xuân Chương, PGS.TS Trần Xuân Chương
Chi hội Truyền Nhiễm – HIV/AIDS
Thời gian gần đây có liên tiếp thông tin về các trường hợp tử vong do bệnh dại ở nhiều địa phương trên cả nước. Cụ thể, theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk, chỉ trong gần 2 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh này đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh dại. Trước đó, trong năm 2023, tại Đắk Lắk đã có đến 4 bệnh nhân tử vong do bệnh dại.
Đầu tháng 2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận thông báo 1 trường hợp tử vong nghi do bệnh dại tại Hàm Tân. Đây là một bệnh nhi (nữ) 4 tuổi ở thôn Phò Trì, xã Tân Thắng (Hàm Tân) bị con chó nhỏ của nhà hàng xóm cắn nhiều nhát sâu vào vùng mặt, trán, quanh mắt, gò má khoảng 8-9 vết vào ngày 7/2/2024. Người nhà đưa bé đi điều trị bằng phương pháp của dân tộc, mà không xử lý vết thương, không đi tiêm phòng vắc-xin dại, huyết thanh kháng dại. Sau đó cháu đã tử vong ngày 16/2/2024. Trong năm 2022, tỉnh Bình Thuận cũng đã có 3 trường hợp tử vong do bệnh dại.
Đặc điểm chung của những trường hợp này cũng như nhiều trường hợp khác trên cả nước là chó không được tiêm phòng, người bị chó cắn cũng không kịp thời đi tiêm phòng sau khi bị chó cắn.
Bệnh dại là một bệnh nhiễm trùng rất nguy hiểm do nhiễm virus dại ở hệ thần kinh trung ương. Bệnh có tiên lượng rất nặng, tử vong gần 100%. Bệnh có thể phòng ngừa khá hiệu quả bằng vắc-xin và huyết thanh kháng dại.
Bệnh dại lây truyền chủ yếu truyền qua nước bọt động vật bị nhiễm bệnh theo vết cắn vào cơ thể. Có khi truyền qua bụi chứa phân dơi có virus. Động vật mắc bệnh có thể truyền virus 5-7 ngày trước khi có triệu chứng lâm sàng và kéo dài cho đến chết. Virus chủ yếu truyền qua vết cắn, cào. Virus không thể xuyên qua da lành, nhưng có thể xuyên qua niêm mạc. Ngoài ra dại có thể truyền qua đường ghép cơ quan (ghép giác mạc, thận..).
Ở những quốc gia đang phát triển như châu Phi, châu Á kể cả Việt Nam, đa số các trường hợp mắc bệnh dại là do chó và mèo cắn chiếm 90%, nhất là ở vùng thành thị, chó nhà là nguồn lây bệnh chính yếu. Còn ở những khu vực chó đã được tiêm chủng, hầu hết người mắc bệnh liên quan phơi nhiễm với động vật hoang dã. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, có khoảng 59.000 người tử vong do bệnh dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin phòng dại.
Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trong 10 năm qua, Việt Nam vẫn tiếp tục báo cáo từ 70 đến 100 trường hợp tử vong do bệnh dại mỗi năm. Cùng với đó, trung bình hằng năm, có khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc-xin dại với chi phí ước tính hơn 300 tỷ đồng/năm.
Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã ghi nhận 40 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 16 tỉnh, thành phố (tăng 2 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2021), trong đó, nhiều nhất là các tỉnh Bến Tre (12 ca), Kiên Giang (5 ca) và Gia Lai (4 ca).
XỬ TRÍ KHI BỊ ĐỘNG VẬT CẮN:
Điều trị dự phòng nên được tiến hành càng sớm càng tốt sau khi bị phơi nhiễm, bao gồm: rửa vết thương, tiêm vắc-xin phòng dại và sử dụng huyết thanh kháng dại nếu có chỉ định.
Săn sóc vết thương tại chỗ:
Rất quan trọng trong phòng bệnh dại. Rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 450-700 hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương. Trường hợp bắt buộc phải khâu thì nên trì hoãn khâu vết thương sau vài giờ đến 3 ngày và nên khâu ngắt quãng/bỏ mũi sau khi đã tiêm huyết thanh kháng dại vào tất cả các vết thương. Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
Miễn dịch thụ động với huyết thanh kháng dại
Huyết thanh có thể được điều chế từ ngựa hay từ người. Globulin miễn dịch có nguồn gốc người tốt hơn của ngựa vì hiếm khi gây bệnh huyết thanh. Liều dùng: 20 đơn vị huyết thanh người hoặc 40 đơn vị huyết thanh ngựa, chia làm hai phần. Một nửa tiêm trực tiếp vào quanh vết thương, nhất là khi các vết thương có nguy cơ cao như vùng mặt, cổ, chi trên. Phần còn lại tiêm mông.
Miễn dịch chủ động với vắc-xin phòng dại
Có hai loại vắc-xin sau:
– Vắc-xin dại sản xuất từ tế bào não chuột con (vắc-xin Fuenzalida)
– Vắc-xin dại sản xuất từ tế bào thận khỉ (vắc-xin Verorab)
Vắc-xin Verorab: Tiêm vắc-xin sau khi bị phơi nhiễm: Tiêm 5 liều vắc-xin bệnh dại: một liều ngay lập tức, những liều sau vào ngày 3, ngày 7, ngày 14 và ngày thứ 28.
Chỉ định dùng vắc-xin và huyết thanh kháng dại trong điều trị dự phòng bệnh dại tùy theo tình trạng động vật, hoàn cảnh bị cắn hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh, vị trí bị cắn, số lượng, tình trạng vết cắn và tình hình bệnh dại trong vùng.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:
- Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
- Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:
– Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch; đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.
– Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.
– Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
– Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Đặc biệt đã đến lúc chính quyền các địa phương và cơ quan Thú y cần có biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với các chủ nuôi không tiêm phòng cho chó mèo trong gia đình. Đây là biện pháp dễ thực hiện, không quá tốn kém nhưng hiệu quả sẽ rất cao, góp phần giảm nguy cơ mắc và
tử vong do bệnh dại.