Sự phát triển của y học khoa học trong thế kỷ 19

Tác giả: Thủy Tiên dịch

Việc miêu tả lịch sử y học trở nên khó khăn hơn vào thế kỷ 19. Những khám phá ngày càng nhân lên và số lượng các bác sĩ lỗi lạc nhiều đến nỗi lịch sử có thể trở thành một loạt các tiểu sử cá nhân. Tuy nhiên, có thể nhận biết được các xu hướng chính trong tư duy y học hiện đại.

  1. Sinh lý học

Vào đầu thế kỷ 19, cấu trúc cơ thể con người gần như đã được biết đến đầy đủ nhờ vào các phương pháp mới trong việc sử dụng kính hiển vi và phương pháp bổ sung các vi chất thông qua tiêm chích. Ngay cả cấu trúc vi mô của cơ thể cũng đã được hiểu rõ. Nhưng không kém quan trọng so với kiến thức về cấu trúc cơ thể là sự hiểu biết về các quá trình sinh lý, đang được làm sáng tỏ nhanh chóng, đặc biệt là ở Đức. Tại đây, sinh lý học đã trở thành một khoa học riêng biệt dưới sự hướng dẫn của Johannes Müller, một giáo sư tại Bonn và sau đó tại Đại học Berlin. Là một người làm việc năng nổ và một giảng viên đầy cảm hứng, ông đã mô tả những khám phá của mình trong cuốn giáo trình nổi tiếng, Handbuch der Physiologie des Menschen (“Sổ tay Sinh lý học Con người”), được xuất bản vào thập kỷ 1830.

Trong số các học trò nổi tiếng của Müller có Hermann von Helmholtz, người đã thực hiện những khám phá quan trọng liên quan đến thị giác, thính giác và đã phát minh ra kính soi đáy mắt. Rudolf Virchow, một trong những nhà khoa học y học vĩ đại của thế kỷ, thành tựu xuất sắc của ông với quan niệm rằng tế bào là trung tâm của mọi biến đổi bệnh học. Công trình của Virchow, Die Cellularpathologie, được xuất bản vào năm 1858, đã đánh đổ quan điểm lỗi thời rằng bệnh tật là do sự mất cân đối của bốn chất trong cơ thể.

Tại Pháp, nhà sinh lý học sáng giá nhất của thời kỳ đó là Claude Bernard, người đã đạt được nhiều khám phá quan trọng nhờ vào các thí nghiệm được lập kế hoạch cẩn thận. Các nghiên cứu của ông đã làm rõ vai trò của tuyến tụy trong quá trình tiêu hóa, tiết lộ sự hiện diện của glikogen trong gan và giải thích sự co và giãn của mạch máu được kiểm soát bởi các dây thần kinh vận mạch như thế nào. Ông đề xuất khái niệm về môi trường bên trong – cân bằng hóa học bên trong và xung quanh các tế bào – và tầm quan trọng của việc duy trì tính ổn định của môi trường này. Cuốn sách Introduction à l’étude de la médecine expérimentale (1865; Giới Thiệu về Nghiên Cứu Y Học Thực Nghiệm) của ông vẫn đáng để học hỏi cho tất cả những người tham gia nghiên cứu.

Bức tượng của Claude Bernard trước Collège de France, Paris (parisrues.com)

  1. Xác minh lý thuyết vi khuẩn

Có lẽ tiến bộ y học vượt trội nhất trong thế kỷ 19, chắc chắn là thành tựu nổi bật nhất, là sự chứng minh thuyết phục rằng một số bệnh, cũng như sự nhiễm trùng của các vết thương phẫu thuật, do các vi sinh vật nhỏ bé trực tiếp gây ra. Khám phá này đã thay đổi toàn bộ diện mạo của bệnh lý và gây ra một cuộc cách mạng hoàn toàn trong việc thực hành phẫu thuật.

Ý tưởng cho rằng bệnh tật là do các hạt không thể nhận biết xâm nhập vào cơ thể đã có từ xa xưa. Ý tưởng này được nhà tri thức La Mã Marcus Terentius Varro viết vào năm 100 TCN, Girolamo Fracastoro viết vào năm 1546, Athanasius Kircher và Pierre Borel đưa ra ý tưởng tương tự vào khoảng một thế kỷ sau đó, và Francesco Redi, người đã viết cuốn sách “Osservazioni intorno agli animali viventi che si trovano negli animali viventi” (“Quan sát về Động vật Sống Tồn Tại Bên Trong Động Vật Sống Khác”) vào năm 1684, trong sách này ông cố gắng bác bỏ ý tưởng về sự phát sinh tự nhiên. Ông đã nhấn mạnh rằng mọi thứ đều phải có một nguồn gốc hoặc một nguồn tạo thành ban đầu, và chỉ có sự sống mới tạo ra sự sống. Một nhà tiên phong trong lĩnh vực này vào thế kỷ 19, được xem là người sáng lập ra lý thuyết nhiễm ký sinh trùng, là Agostino Bassi ở Ý, ông đã chứng minh rằng loại bệnh ảnh hưởng đến tằm là do một loại nấm gây bệnh, và bệnh này có thể được tiêu diệt bằng các chất hoá học.

Thí nghiệm bác bỏ ý tưởng về sự phát sinh tự nhiên. Nguồn: Britannica

Công lao chính cho việc thành lập ngành khoa học về vi khuẩn học phải thuộc về nhà hóa học người Pháp Louis Pasteur. Chính Pasteur, thông qua một loạt thí nghiệm tài tình, đã chứng minh rằng quá trình lên men của rượu và làm chua sữa là do các vi sinh vật sống gây ra. Điều này đã dẫn đến quá trình tiệt trùng sữa và giải quyết các vấn đề về nông nghiệp và công nghiệp cũng như vấn đề về bệnh tật của động vật và con người. Ông đã thành công trong việc sử dụng tiêm chủng để ngăn ngừa bệnh than ở cừu và bò, dịch tả gia cầm ở gà, và cuối cùng là bệnh dại ở người và chó. Thành công này đã dẫn đến việc thành lập rộng rãi các viện Pasteur sau này.

Từ Pasteur, Joseph Lister đã rút ra những khái niệm giúp ông áp dụng nguyên tắc sát trùng vào phẫu thuật. Vào năm 1865, Lister, một giáo sư phẫu thuật tại Đại học Glasgow, đã bắt đầu áp dụng một rào chắn kháng khuẩn là axit carbolic, được đặt giữa vết thương và môi trường chứa vi khuẩn. Từ đó số ca nhiễm trùng và tử vong đã giảm đáng kể, và công trình tiên phong của ông đã dẫn đến các kỹ thuật khử trùng môi trường phẫu thuật được tinh chỉnh hơn.

Các tiến bộ trong lĩnh vực sản khoa đã được thực hiện bởi những cá nhân như Alexander Gordon ở Aberdeen, Scotland, Oliver Wendell Holmes ở Boston, và Ignaz Semmelweis làm việc ở Vienna (Viên) và Pest (Budapest), người đã đề xuất khử trùng tay và quần áo của hộ sinh và sinh viên y khoa tham gia trong việc sinh nở. Những biện pháp này đã giúp giảm đáng kể các trường hợp sốt hậu sản, một căn bệnh do vi khuẩn gây ra đối với phụ nữ sau khi sinh.

Một nhà tiên phong khác trong lĩnh vực vi khuẩn học là bác sĩ người Đức Robert Koch, người đã chỉ ra cách nuôi cấy, phân lập và kiểm tra vi khuẩn trong phòng thí nghiệm. Là một nhà nghiên cứu tỉ mỉ, Koch đã phát hiện ra các vi khuẩn gây bệnh lao vào năm 1882, và bệnh tả vào năm 1883. Đến cuối thế kỷ này, nhiều vi sinh vật gây bệnh khác đã được xác định.

  1. Những khám phá trong y học lâm sàng và gây mê

Có khả năng là trong khi tập trung nghiên cứu và tìm hiểu về vi khuẩn, có thể bỏ lỡ những nguyên nhân khác cũng có thể gây bệnh. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ đang làm việc theo các hướng khác nhau trong thế kỷ 19. Trong số đó có một nhóm trực thuộc Bệnh viện Guy ở London: Richard Bright, Thomas Addison và Sir. Bright đã đóng góp đáng kể vào kiến thức về bệnh thận, bao gồm cả bệnh Bright, và Addison đã đặt tên của mình cho các rối loạn liên quan đến tuyến thượng thận và máu. Gull, một giáo viên lâm sàng nổi tiếng, đã để lại một di sản về những câu tục ngữ súc tích xứng đáng được xếp hạng cùng với những lời dạy của Hippocrates.

Ở Dublin, Robert Graves và William Stokes đã giới thiệu các phương pháp mới trong chẩn đoán lâm sàng và đào tạo y khoa, trong khi ở Paris, bác sĩ lâm sàng hàng đầu, Pierre-Charles-Alexandre Louis, đã thu hút nhiều sinh viên đến từ Mỹ nhờ khả năng giảng dạy xuất sắc của ông.  Đến đầu thế kỷ 19, Hoa Kỳ đã sẵn sàng trình bày kết quả nghiên cứu và đột phá của riêng mình. Năm 1809, tại một thị trấn nhỏ ở Kentucky, Ephraim McDowell đã táo bạo phẫu thuật cho một phụ nữ mà không cần gây mê hay sát trùng, và đã cắt bỏ thành công một khối u buồng trứng lớn. William Beaumont, khi điều trị vết thương do đạn bắn vào dạ dày, đã đưa ra nhiều quan sát và phát hiện mới được xuất bản vào năm 1833 dưới tên “Thí nghiệm và quan sát về dịch dạ dày và sinh lý học của tiêu hóa”.

Đóng góp nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ cho tiến bộ y tế trong thời kỳ này không thể không kể đến sự ra đời của phương pháp gây mê tổng quát, một thủ thuật không chỉ giúp bệnh nhân thoát khỏi cơn đau đáng sợ khi phẫu thuật mà còn cho phép bác sĩ thực hiện những ca phẫu thuật phức tạp hơn. Những tranh luận xung quanh khám phá này đã làm mất đi phần nào giá trị của nó. Crawford Long, Gardner Colton, Horace Wells và Charles Jackson đều tuyên bố là người đầu tiên khám phá ra phương pháp này; và một số người đã sử dụng khí nitrous oxide (khí cười) trong khi những người khác sử dụng ether, một loại gây tê ít biến đổi hơn. Tuy nhiên, không có nghi ngờ gì rằng đó là William Thomas Green Morton, vào ngày 16 tháng 10 năm 1846, tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston, đã lần đầu tiên chứng minh trước một cuộc họp các bác sĩ về việc sử dụng ether làm thuốc gây mê tổng quát. Tin tức này nhanh chóng lan ra châu Âu và việc gây mê tổng quát nhanh chóng trở nên phổ biến trong phẫu thuật. Tại Edinburgh, giáo sư sản khoa James Young Simpson đã thực hiện thử nghiệm trên chính mình và các trợ lý của mình, hít nhiều loại hơi khác nhau với mục tiêu tìm ra một loại thuốc gây mê hiệu quả. Vào tháng 11 năm 1847, cloroform đã được thử nghiệm hoàn toàn thành công, nhanh chóng được ưa chuộng hơn ether, và trở thành thuốc gây mê được lựa chọn.

William Morton, người đầu tiên sử dụng thuốc gây mê trong phẫu thuật vào năm 1846. Nguồn: SCIENCE SOURCE / SCIENCE PHOTO LIBRARY

  1. Những tiến bộ vào cuối thế kỷ

Trong khi sát trùng và gây mê đặt phẫu thuật lên một nền tảng hoàn toàn mới, những phát triển quan trọng đã diễn ra đồng thời trong nhiều lĩnh vực học khác, chẳng hạn như ký sinh trùng và truyền bệnh. Patrick Manson, một nhà tiên phong người Anh trong lĩnh vực y học nhiệt đới, đã chứng minh ở Trung Quốc vào năm 1877 cách côn trùng có thể mang theo bệnh và cách phôi thai của giun Filaria, loại giun có thể gây bệnh chân voi, được truyền qua muỗi như thế nào. Manson giải thích quan điểm của mình với bác sĩ phẫu thuật quân đội Anh Ronald Ross, người lúc đó đang nghiên cứu bệnh sốt rét. Ross đã phát hiện ra ký sinh trùng sốt rét trong dạ dày muỗi Anopheles vào năm 1897.

Ở Cuba, Carlos Finlay bày tỏ quan điểm vào năm 1881 rằng bệnh sốt vàng da do muỗi Stegomyia fasciata (sau đổi tên thành Aedes aegypti) gây ra. Theo sự dẫn dắt của ông, các nhà nghiên cứu người Mỹ Walter Reed, William Gorgas và những người khác đã có thể đánh bại tai họa sốt vàng da ở Panama và đã làm cho việc hoàn thành kênh đào Panama trở nên khả thi bằng cách giảm tỷ lệ tử vong từ 176 trên 1.000 người xuống còn 6 trên 1.000 người.

Những chiến thắng khác trong y tế dự phòng đã xảy ra sau đó, bởi vì việc duy trì sức khỏe giờ đây đang trở thành một vấn đề quan trọng không kém việc chữa trị bệnh tật, và thế kỷ 20 đã chứng kiến sự phát triển và tiến bộ của các dịch vụ y tế quốc gia trong nhiều quốc gia. Ngoài ra, những tiến bộ ngoạn mục trong chẩn đoán và điều trị theo sau việc phát hiện ra tia X của Wilhelm Conrad Röntgen vào năm 1895, và radium của Pierre và Marie Curie vào năm 1898. Trước khi thế kỷ mới bắt đầu, Sigmund Freud đã mở ra một lĩnh vực quan trọng và đột phá trong y học liên quan đến tâm lý và tâm thần của con người. Sự gia tăng đáng kể về kiến thức khoa học trong thế kỷ 19 đã làm thay đổi và mở rộng cách thực hành y học. Mối quan tâm đến việc duy trì chất lượng dịch vụ đã dẫn đến việc thành lập các tổ chức công cộng và chuyên môn để quản lý các tiêu chuẩn đào tạo và hành nghề y tế.

Wilhelm Conrad Röntgen, nhà vật lý người Đức, đã nhận giải Nobel Vật lý năm 1901 vì khám phá và công bố tia X. Nguồn: picture-alliance/prismaarchivo

Bài trước: https://husta.vn/thoi-ky-khai-sang-cua-y-hoc-truoc-the-ky-18/

Bài sau: https://husta.vn/y-hoc-the-ky-20-benh-truyen-nhiem-va-hoa-tri-mien-dich-hoc/

Nguồn: https://www.britannica.com/science/history-of-medicine/Medicine-in-the-18th-century#ref35662

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email