Triển lãm ra mắt dự án “Tranh khắc gỗ đất nước Việt Nam trên Cửu đỉnh Triều Nguyễn”

Tác giả: Khánh Phong

Sáng ngày 19/3, tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế, đã khai mạc triển lãm ra mắt dự án “Tranh khắc gỗ đất nước Việt Nam trên Cửu đỉnh triều Nguyễn”, đến dự có ông Nguyễn Thiên Bình – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, ông Nguyễn Phước Hải Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, bà Lê Thị Ngọc Viễn – Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế cùng nhóm thực hiện đề tài và các phóng viên báo chí trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thiên Bình phát biểu tại buổi triển lãm

Cửu đỉnh là một trong những di sản văn hóa đặc biệt của triều Nguyễn, năm 2012 đã được Thủ tướng chính phủ ký quyết định xếp hạng là Bảo vật quốc gia. Đó là chín chiếc đỉnh đồng được vua Minh Mạng cho đúc năm 1835, là một biểu tượng về sức mạnh trường tồn của triều đại về sự hưng thịnh của quốc gia Đại Nam.

Điều đặc biệt và độc đáo nhất chính là các hình ảnh mang tính biểu tượng được đúc chạm trên Cửu đỉnh. Mỗi đỉnh đều được đúc nổi hoàn thiện 17 hình ảnh bao gồm các loại hình như thiên văn, linh vật, lãnh hải, sông núi, cầm thú, côn trùng, thảo mộc, kiến trúc, xe kiệu, thuyền bè, vũ khí và các chữ Hán mang tên đỉnh. Tất cả các bức chạm khắc đúc đồng này dường như đã khái quát thành một bách khoa toàn thư về một quốc gia Đại Nam giàu có và cường thịnh dưới thời vua Minh Mạng. Cửu đỉnh được xem là biểu tượng cho sức mạnh của triều đình nhà Nguyễn và là biểu tượng đỉnh cao của văn vật Đại Nam. Sau khi đúc xong vào tháng Giêng năm Đinh Dậu (1837), chín chiếc đỉnh này được thiết trí tại Thế Miếu từ đó cho đến ngày nay.

PGS.TS. Hoạ sĩ Trang Thanh Hiền đại diện nhóm phát biểu trong buổi triển lãm

Từ năm 2022, với mong muốn tôn vinh và phát huy các giá trị di sản nghệ thuật của tiền nhân, nhóm các giảng viên họa sĩ và sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội đã nghiên cứu, lập một dự án nhằm thực hiện một bộ tranh khắc gỗ về đất nước Việt Nam trên Cửu đỉnh. Các bức tranh khắc gỗ này không chỉ là cơ học là sự chuyển thể từ các tác phẩm đúc đồng trên Cửu đỉnh, mà còn hướng tới sự tìm tòi về hình thức biểu đạt mới trong cái nhìn đối thoại thẩm mỹ giữa cái cũ ổn định và cái mới tiếp biến, giữa quá khứ và hiện tại. Hình thức này vừa dựa trên ngôn ngữ nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian (lối cắt mảng, tạo nét), kết hợp với ngôn ngữ của nghệ thuật khắc gỗ hiện đại (cách tạo không gian bằng chính những nét khắc, tạo mache) để tạo nên sự rung cảm khác biệt ở mỗi bức tranh khắc gỗ.

Cắt băng khai mạc triển lãm

Với gần 60 tác phẩm tranh khắc gỗ lấy cảm hứng từ hình mẫu 162 bức đúc đồng trên mỗi đỉnh, nhóm tác giả bao gồm PGS.TS. Họa sĩ Trang Thanh Hiền và các họa sĩ: Trần Mỹ Anh, Vũ Phương Anh, Nguyễn Thu Nga, Trần Quốc Đức, Phạm Ngọc Linh ra mắt trong triển lãm lần này tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế ghi dấu nỗ lực nhằm tiếp nối và quảng bá các giá trị văn hoá truyền thống trong bối cảnh hôm nay.

Họa sĩ Trang Thanh Hiền cho biết: “Dự án này, không chỉ dừng lại ở việc chuyển thể hình mẫu đúc đồng sang thành những bức tranh khắc gỗ, chúng tôi còn hướng đến sự sáng tạo phát triển, nhằm tạo nên và gợi ý những giá trị tiếp cận mới. Những tác phẩm tiếp nối mạch nguồn từ Cửu đỉnh cho thấy một cách nhìn khác với di sản là một phần quan trọng của cuộc triển lãm lần này. Thay vì xem Cửu đỉnh là một di sản văn hóa gắn với một thời đại đã qua, thông qua nghệ thuật tranh khắc gỗ, những người thực hiện dự án mong muốn quảng bá hình ảnh Cửu đỉnh bằng các hình thức mới, nhằm quảng bá một di sản đặc biệt của dòng chảy lịch sử văn hóa Việt Nam”.

Đại diện nhóm trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế

Với việc ra mắt triển làm này cùng những định hướng phát triển của dự án trong thời gian tới, nhóm tác giả hy vọng sẽ góp một phần nhỏ để đồng hành với tiến trình đưa Cửu đỉnh triều Nguyễn đến với mục tiêu trở thành Di sản tư liệu thế giới trong tương lai, mà hiện nay công việc đó đang được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nỗ lực xúc tiến. Thông qua sự ra mắt dự án lần này, nhóm tác giả mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ và đồng hành của các đơn vị, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật để có thêm tiềm lực về vật chất và tinh thần nhằm tiếp tục phát triển dự án ở những nội dung sáng tạo mới, góp phần vào việc phát huy các giá trị di sản văn hoá của dân tộc.

Sản phẩm triển lãm

Triển lãm mở cửa từ ngày 19/3 đến 25/3/2024 tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế, số 15 Lê Lợi, thành phố Huế./.

Kiểm tra lại

Ngày Nước Thế giới 2024: Nước cho hòa bình

Tác giả: Ngày Nước Thế giới năm nay 2024, với chủ đề “Nước cho hòa …