Qua một năm triển khai thực hiện dự án “Huy động sự tham gia của người dân để bảo vệ môi trường phá Tam Giang” với 3 mục tiêu chính đó là: Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường phá Tam Giang; thúc đẩy việc trao quyền quản lý mặt nước phá Tam Giang cho cộng đồng; hỗ trợ xây dựng xây dựng các mô hình sinh kế bền vững đã góp phần rất lớn cho 2 Quảng Thái, Quảng Lợi trong quản lý cũng như khai thác nguồn lợi thủy sản phá Tam Giang một cách bền vững.
Hai xã Quảng Lợi, Quảng Thái của huyện Quảng Điền có 1.500 ha mặt nước phá Tam Giang với hơn 890 hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Những năm trước đây việc khai thác thủy sản mang tính ồ ạt như lưới lừ, nò sáo dày đặc cùng với các phương tiện huỷ diệt như kích điện, rà điện… đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng làm suy kiệt tài nguyên thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang. Trước thực trạng trên, thông qua sự hỗ trợ của tổ chức PARAFF, năm 2014 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp UBND huyện Quảng Điền triển khai dự án “ Huy động sự tham gia của người dân để bảo vệ môi trường phá Tam Giang”.
Theo đó, để nâng cao nhận thực cho người dân trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Dự án “Huy động sự tham gia của người dân để bảo vệ môi trường phá Tam Giang” đã tổ chức 7 lớp tập huấn về luật Bảo vệ Môi trường và các qui định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tại đây 210 ngư dân ở 2 xã Quảng Thái, Quảng Lợi đã được truyền đạt kỹ về những quy định chi tiết trong luật bảo vệ môi trường, đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của người dân trong đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời dự án cũng đã tiến hành cấp phát 4.000 tờ rơi, 200 poster cho cộng đồng. Cũng trong khuôn khổ nâng cao nhận thức cho cộng đồng, Dự án đã phối hợp Đài Truyền Thanh huyện tổ chức xây dựng và phát sóng 12 chuyên đề phát thanh và truyền hình về bảo vệ môi trường trên sóng đài huyện và Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh. Từ đó nhận thức của người dân trong việc đánh bắt nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang được cải thiện đang kể. Nếu như trước đây ngư dân 2 xã Quảng Thái, Quảng Lợi khai thác nguồn lợi thủy sản theo lối huỷ diệt như kích điện, rà điện hay các ngư cụ cải tiến làm cho môi trường bị ô nhiễm, nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt thì từ sau khi thực hiện dự án, các hình thức đánh bắt trên đã được hạn chế. Họ đã có ý thực trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Để giúp ngư dân chuyển đổi phương thức khai thác thủy sản, dự án đã hỗ trợ kinh phí 106 triệu đồng làm mới 20 lồng cá, và 5 trộ chuôm cho như dân 2 xã Quảng Thái, Quảng Lợi. Chuôm là một trong hai mô hình sinh kế bền vững được dự án xây dựng và hỗ trợ cho 5 chi hội nghề cá của hai xã nghèo Quảng Lợi và Quảng Thái. Trộ chuôm là nơi trú ẩn, sinh đẻ của các loài thủy hải sản trên đầm phá, việc khai thác cũng theo vùng qui hoạch và các qui định, giúp khôi phục cân bằng sinh thái trên đầm phá Tam Giang. Qua quá trình triển khai thực hiện hầu hết các lồng cá, trộ chuôm đều mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với đánh bắt tự nhiên. Đặc biệt, nuôi cá lồng nước lợ là mô hình đầu tiên triển khai trên địa bàn huyện đã cho hiệu quả rất tốt, mở ra một hướng mới đầy triển vọng, giúp ngư dân địa phương cải thiện sinh kế. Không những mạng lại hiệu quả kinh tế, các mô hình còn mang lại hiệu quả rất lớn là thay đổi nhận thức của người dân về khai thác nguồn lợi thủy sản, góp phần cải thiện môi trường trên đầm phá Tam Giang. Ông Nguyễn Bòn – ngư dân thôn Cư Lạc – xã Quảng Lợi tâm sự. “Trước đây do đánh bắt nguồn lợi thủy sản trên phá Tam Giang mang tính ồ ạt, những trộ chuôm do ngư dân triển khai trên phá đều không mang lại hiệu quả, nhưng sau khi có dự án “Huy động sự tham gia của người dân để bảo vệ môi trường phá Tam Giang” công tác quản lý đánh bắt nguồn lợi thủy sản trên phá Tam Giang thuộc địa phận xã Quảng Lợi nói chung thôn Cư Lạc nói riêng tốt hơn, từ đó hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn. Như trộ chuôm gia đình tôi đây thu hoạch chẳng được bao nhiêu, nhưng hiện nay mỗi vụ thu hoạch được trên 5 triệu đồng, mỗi năm 2 vụ trên 10 trriều đồng gấp 3 lần só với đánh bắt tư nhiên.
Thu hoạch cá trong trộ chuôm
Một điểm nhấn của dự án “Huy động sự tham gia của người dân để bảo vệ môi trường phá Tam Giang” là đã hỗ trợ UBND xã Quảng Thái xây dựng phương án trao quyền quản lý mặt nước, trình UBND huyện phê duyệt cấp quyền quản lý khai thác mặt nước cho 2 chi hội nghề cá Lai Hà và Trung Làng. Tháng 7 năm 2014 hai chi hội nghề cá Trung Làng, Lai Hà đã được UBND huyện Quảng Điền trao quyết định giao quyền quản lý và khai thác nguồn lợi thủy sản trên phá Tam Giang với diện tích 500 ha, trong đó Chi hội Trung Làng 300 ha, chi hội Lai hà 200 ha. Đối với dự án “Huy động sự tham gia của người dân bảo vệ môi trường Phá Tam Giang”, người dân đã được tham gia ngay từ khi lên ý tưởng, tham vấn, thảo luận để thực hiện thành công các hoạt động của dự án. Ông Trần Giải – Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Trong những năm qua, việc khai thác thủy sản trên phá Tam Giang đã gây tác hại đến môi trường, làm cạn kiệt nguồn lợi, để giúp ngư dân ổn định cuộc sống, gắn khai thác nguồn lợi thủy sản với bảo vệ môi trường, thông qua sự hỗ trợ của tổ chức PARAFF, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã triển khai dự án với 3 mục tiêu chính đó là nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, thúc đẩy trao quyền quản lý mặt nước cho ngư dân, hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế bền vững cho cộng đồng. Sau 12 tháng triển khai, đến nay cả 3 mục tiêu đã đạt được kết quả như mong đời. Một điểm đáng chú ý là thông qua các lớp tập huấn nhận thức về bảo vệ môi trường trong khai thác nguồn lợi thủy sản của người dân nơi đây được nâng lên, tình trạng đánh bắt theo lối tự phát gây hại đến môi trường đầm phá đã được kiểm soát, hạn chế, nguồn lợi thủy sản dần dần được tái tạo. Đặc biệt môi trường nước khu vực phá Tam Giang được bảo vệ.
Dự án “Huy động sự tham gia của người dân bảo vệ môi trường Phá Tam Giang” triển khai trên địa bàn 2 xã Quảng Thái, Quảng Lợi đã và đang mang lại nhiều kết quả khả quan, được nhà tài trợ đánh giá rất cao. Dự án đã chứng minh được việc trao quyền quản lý mặt nước cho cộng đồng, hỗ trợ về kỹ thuật để xây dựng các mô hình sinh kế, kết hợp với việc nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường và sự tham gia của họ trong quá trình xây dựng và triển khai dự án là những nội dung liên quan, hỗ trợ lần nhau. Đây cũng chính là một phương thức quản lý hiệu quả, góp phần khôi phục và bảo vệ môi trường phá Tam Giang tốt hơn.
Công Cường