Văn hóa và Phát triển

Văn hoá là một phạm trù gắn với lịch sử hình thành và phát triển của nhân loại. Với tư cách là kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất trong quan hệ giữa con người với con người, với thiên nhiên, xã hội, trong nếp sống, đạo đức xã hội, văn hoá nghệ thuật…Văn hoá là nền tảng tinh thần thể hiện tầm cao và chiều sâu về trình độ phát triển của một dân tộc, là một chủ thể thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển toàn diện của văn minh con người và xã hội trong tiến trình lịch sử.

Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa nhân loại là một trong những vấn đề có tính quy luật của quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Đây là một vấn đề rất quan trọng, có ý nghĩa sống còn để xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Kế thừa là một trong những quy luật phủ định của phủ định biểu hiện ra trong tự nhiên, xã hội như là mối liên hệ tất yếu giữa cái cũ và cái mới trong quá trình phát triển. Đối với văn hóa, kế thừa là quy luật in đậm tính đặc thù của nó…Tính đặc thù trong sự phát triển của văn hóa thể hiện các khía cạnh: Con người là trái tim đích thực của văn hóa. Mọi sự vận động và phát triển trong xã hội đều thông qua hoạt động có ý thức của con người. Do đó kế thừa trong sự phát triển của xã hội đã mang trong lòng mình yếu tố văn hóa. Hoạt động của văn hóa là hoạt động nhằm để hiểu biết, khám phá và sáng tạo. Không có hiểu biết, khám phá và sáng tạo thì không có sự phát triển nào cả. Vì vậy, kế thừa trong sự phát triển của văn hóa bao giờ cũng là sự kế thừa một cách sáng tạo. Tính sáng tạo chính là nét đặc thù của văn hóa. Nhu cầu của văn hóa là vô cùng vô tận và mang tính độc đáo. Bởi vì giá trị văn hóa càng đúng, càng mới, càng chân thật thì khám phá càng say mê thú vị. Trong kế thừa, truyền thống đóng vai trò đặc biệt hơn cả. Truyền thống văn hóa là phạm trù của cái thuộc về quá khứ, nói lên những thói quen được hình thành từ lối sống, nếp sống, nếp suy nghĩ, phong tục tập quán và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Truyền thống có cả mặt tích cực lẫn hạn chế. Vì vậy, khi khẳng định kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc có nghĩa là chỉ kế thừa những giá trị tích cực của truyền thống. Lịch sử Việt Nam hàng ngàn năm qua từng chứng kiến vận mệnh của dân tộc nhiều phen đối diện với sóng gió tưởng chừng như không vượt qua nổi. Giặc ngoài và thù trong mưu toan xâm lược dân tộc không chỉ bằng bạo lực mà cả bằng vũ khí đồng hóa ồ ạt, dai dẳng. Trong những thời điểm éo le ấy của lịch sử, văn hóa Việt Nam vẫn giữ vững sức sống và không ngừng phát triển. Quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã tôi luyện và gạn lọc được những di sản văn hóa cao quý bao gồm di sản văn hóa tinh thần và di sản văn hóa vật thể.

Di sản văn hóa tinh thần của dân tộc ta là những giá trị văn hóa bắt nguồn từ tinh thần nhân bản Việt Nam. Đó là dòng sữa nuôi dưỡng tinh thần, tôi luyện bản lĩnh, xây dựng nhân cách người Việt Nam qua các thế hệ. Đó là lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng trong chiến đấu, lòng nhân ái, khoan dung, biểu hiện ở lòng vị tha, “thương người như thể thương thân”, tình cảm cộng đồng sâu sắc và đức tính cần cù lao động, tinh thần tôn sư trọng đạo…

Ngoài những đặc trưng cơ bản đó, văn hóa Việt Nam còn có vốn kiến thức phong phú trong đấu tranh giữ nước và kinh nghiệm dồi dào của nghề trồng lúa nước…

Bên cạnh những giá trị văn hóa cao quý, văn hóa truyền thống Việt Nam cũng bộc lộ những khía cạnh tiêu cực cần phải khắc phục. Đó là lối tư duy nặng về kinh nghiệm, là phép xử thế nặng tình hơn lí, cái tâm linh lấn át cái khoa học, mềm dẻo linh hoạt nhưng thiếu nguyên tắc, tinh xảo, khéo léo nhưng ít sáng tạo; là tâm lý học để làm quan; nói ít đi đôi với làm; trọng lệ làng hơn phép nước.

Kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc trên tầm cao tư tưởng Hồ Chí Minh tức phải chọn lựa những yếu tố tích cực và thích hợp, vận dung vào các hoạt động sáng tạo và xây dựng nền văn hóa mới, khắc phục lối kế thừa giản đơn máy móc. Xây dựng nền văn hóa mới là vấn đề có ý nghĩa trọng đại, bởi vì nền văn hóa mới là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của xã hội mới.

Trong quá trình xây dựng cần nắm vững phương pháp luận Hồ Chí Minh: Đổi mới không phải cái gì cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái cũ mà xấu thì phải bỏ, cái cũ không xấu mà phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý, cái gì cũ mà tốt thì phát triển thêm cho phù hợp, cái gì mới mà hay thì nên làm. Đây chính là sự hội tụ nhuần nhuyễn phép biện chứng duy vật với phép ứng xử khôn ngoan của văn hóa phương đông . Nó không những là quy luật của xây dựng và phát triển văn hóa mà còn là giải pháp thực tế vừa định hướng vừa chỉ đạo tổ chức, thực tiễn, góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề đã và đang đặt ra.

Nền văn hóa mới là nền văn hóa vừa mang tính thời đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ là yếu tố làm nên vẻ đẹp mà còn có ý nghĩa sống còn của cả một dân tộc.

Muốn giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc đòi hỏi chúng ta phải tạo được môi trường văn hóa thật sự lành mạnh; tổ chức sưu tầm, tôn tạo, giữ gìn và phát huy tốt các giá trị văn hóa cổ truyền, đưa nội dung giáo dục văn hóa vào nhà trường một cách hợp lý…Thực hiện tốt những nội dung đó thông qua chính sách nâng cao dân trí và sự hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng tốt văn hóa làng, xã, xây dựng các dự án bảo tồn di sản văn…

Bản sắc văn hóa dân tộc giúp con người nhận ra vẻ đẹp tinh thần sâu xa của dân tộc. Nó thể hiện tầm cao và chiều sâu của mỗi dân tộc, là yếu tố để cho thế giới hiểu rõ bản chất của dân tộc mình. Đại thi hào Ta-go đã từng nói: “Nếu một dân tộc không đem lại cho thế giới một điều gì cả thì đó là một tội lỗi”. Khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc, tìm ra cội nguồn truyền thống không tách rời quá trình hiện đại hóa, quốc tế hóa. Sự phát triển khoa học công nghệ ngày càng cao, sự bùng nổ thông tin càng lan tỏa bao nhiêu thì sự gắn bó giữa truyền thống với hiện đại, dân tộc với quốc tế càng sâu sắc và chặt chẽ bấy nhiêu.

Trên bình diện khác, ta thấy rằng: kế thừa không chỉ là kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn kế thừa những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Do đó, trong tính tất yếu của kế thừa đã bao hàm tính khách quan của giao lưu văn hóa với nước ngoài. Nguyên lí về mối liên hệ phổ biến của triết học Mác-Lênin chỉ ra rằng, một trong những thuộc tính bản chất của thế giới vật chất là sự liên hệ phổ biến của các sự vật, hiện tượng. Mỗi sự vật, hiện tượng trong quá trình tồn tại và phát triển của mình đều có mối liên hệ qua lại, tác động lẫn nhau với sự vật, hiện tượng khác. Từ nguyên lí đó, ta có thể khẳng định rằng: không thể có một nền văn hóa dân tộc thuần nhất. Không có sự vận động và phát triển nào trong sự cô lập và tách biệt hoàn toàn. Giao lưu văn hóa là vấn đề có tính qui luật trong sự vận động và phát triển xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tôn trọng tinh hoa văn hóa các dân tộc trên thế giới, tôn trọng các giá trị nhân loại và cho rằng, sự phát triển cái hay, cái đẹp của văn hóa Việt Nam là để “cùng đi tới chỗ nhân loại”. Quý trọng truyền thống tốt đẹp của dân tộc song Người hoàn toàn không dừng lại ở tư duy thuần túy dân tộc hạn hẹp. Người đặt vấn đề cần phải nghiên cứu toàn diện văn hóa của các dân tộc khác, chỉ có trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hóa của chính mình. Tuy nhiên, giao lưu không phải là học thuộc lòng từng câu, từng chữ rồi đem áp dụng một cách máy móc, không phải vay mượn lu bù để lòe thiên hạ. Ngược lại, tiếp thu cái hay, cái đẹp phải trên cơ sở hiểu biết, nắm vững sâu sắc đặc điểm của dân tộc mình và phải vì mục tiêu tạo nên một nền văn hóa Việt Nam thật sự mang tinh thần thuần túy Việt Nam. Người nói rằng: không chú trọng đặc điểm dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em là phạm sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều. Nhưng nếu quá nhấn mạnh các đặc điểm dân tộc để phủ nhận các giá trị phổ biến của những kinh nghiệm lớn, cơ bản của các nước anh em là sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng của chủ nghĩa xét lại. Phải khắc phục bệnh giáo điều nhưng đồng thời phải đề phòng chủ nghĩa xét lại.

Như vậy, “chăm lo đặc tính của dân tộc mình” hoàn toàn không có nghĩa là đóng cửa, cố thủ. Song cũng không để cho văn hóa dân tộc trở thành mảnh đất “béo bở” của mọi loại văn hóa, mọi kiểu văn hóa khác nhau tự do thao túng.

Mở rộng giao lưu văn hóa với nước ngoài là để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại chứ không phải bất cứ cái gì cũng tiếp thu, phải biết chọn lọc những cái phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa của nước nhà, phù hợp với truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Cái mà ta cần là những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, là những mô hình giáo dục tiên tiến, là những giá trị hướng tới chân, thiện, mỹ của nền văn hóa nghệ thuật của thế giới…

Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại luôn gắn bó hữu cơ với việc giữ gìn bản sắc của văn hóa dân tộc. Đó chính là sự kết hợp song hành, tương hỗ giữa yếu tố dân tộc và yếu tố thời đại để tạo nên sức bật mới của dân tộc trên con đường phát triển. Quá trình mở rộng giao lưu văn hóa với nước ngoài cần phải lưu ý rằng: trong thời đại ngày nay, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa đang diễn ra nóng bỏng, phức tạp, gay go và quyết liệt. Các thế lực phản động quốc tế với âm mưu “diễn biến hòa bình” đang ráo riết phá hoại chúng ta về mặt tư tưởng. Bên cạnh đó, nguy cơ tụt hậu, nạn tham nhũng đang thực sự trở thành những vấn đề bức xúc của đất nước.

Tất cả những điều đó khẳng định tính tất yếu phải tiến hành cuộc đấu tranh chống lại những hiện tượng phản tiến bộ, phản văn hóa, trái với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trái với giá trị cao quí của loài người. Đó chính là cuộc đấu tranh chống lại những quan điểm phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh; đấu tranh chống lối sống chạy theo đồng tiền và những thị hiếu thấp hèn làm băng hoại tâm hồn và phẩm giá con người, cương quyết và triệt để loại trừ nạn tham nhũng nhằm làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, chống lối sống chai lì nhân tính, ích kỷ, thực dụng, xu nịnh, giả dối.

Sự phát triển của văn hóa bao giờ cũng là sự thống nhất giữa truyền thống và hiện đại, giữa yếu tố dân tộc và quốc tế. Bởi vì kế thừa và giao lưu giữa các nền văn hóa là những thuộc tính bền vững tạo nên tính độc lập tương đối trong sự phát triển văn hóa. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để vận dụng tính qui luật ấy một cách đúng đắn, sáng tạo.

ThS. Trần Giải

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email