Ứng dụng tế bào gốc tủy xương trong điều trị chậm liền xương và khớp giả

Hiện nay, việc điều trị chậm liền xương hay khớp giả sau gãy xương vẫn còn là một thách thức lơn đối với ngành phẫu thuật chấn thương chỉnh hình và tạo hình trong việc bảo tồn đoạn chi. Ghép xương tự thân là qui tắc vàng cho điều trị các ổ khuyết xương ở các bệnh lý trên. Tuy nhiên vẫn còn tỉ lệ không liền xương sau ghép xương hay đòi hỏi phải ghép xương bổ sung nhiều lần, thậm chí phải ghép xương vi phẩu. Ngoài ra, việc lấy xương ghép tự thân từ xương cánh chậu có thể gây ra các biến chứng như: nhiễm trùng, tụ máu vết mổ…Trước tình hình đó, TS.BS Lê Thừa Trung Hậu và các nhà khoa học tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình – Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trung Ương Huế đã thực hiện đề tài “Ứng dụng tế bào gốc tủy xương trong điều trị chậm liền xương và khớp giả”.

 

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu thực nghiệm trên thỏ để đánh giá hiệu quả sử dụng tế bào gốc tủy xương trong điều trị hổng xương. Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí chuyên ngành quốc tế. Từ kết quả này, các nhà khoa học tiến hành hai nghiên cứu ứng dụng đối với các trường hợp gãy xương khó liền xương.

Nghiên cứu thứ nhất: Phẩu thuật can thiệp ít xâm lấn bơm tế bào gốc tủy xương qua da dưới hướng dẫn màng hình tăng sáng cho các trường hợp chậm liền xương và khớp giả đã được cố định xương vững chắc. Khoảng 350 ml máu tủy xương được lấy từ xương cánh chậu của bệnh nhân được xử lý tách chiết và cô đặc tại phòng thí nghiệm trong điều kiện vô trùng tuyệt đối cho ra 8 ml tế bào gốc tủy xương. Lương tế bào này được phân tích để xác định tế bào sống, mật độ tế bào và sự vô khuẩn trước khi đưa trở lại cơ thể bệnh nhân. Tế bào gốc được bơm tiêm trực tiếp vào ổ gãy không liền xương dưới hướng dẫn màng hình tăng sáng. Các nhà khoa học đã tiến hành bơm tế bào gốc cho 12 bệnh nhân. Kết quả tất cả bệnh nhân đều liền xương sau thời gian 3 tháng.

Nhiên cứu thứ hai: Ghép tế bào gốc tủy xương trong điều trị chậm liền xương và khớp giả ổ gãy xương chưa được cố định vững chắc. Quá trình tách chiếc và cô đặc tế bào gốc tủy xương như nghiên cứu trước. Ổ gãy xương được cố định lại vững chắc bằng các phương tiện nẹp khóa hay đinh chốt nội tủy sau khi lấy bỏ toàn bộ tổ chức xơ không có máu nuôi tại ổ gãy. Các nhà khoa học đã ghép tế bào gốc cho 18 bệnh nhân có sử dụng kết hợp với ghép xương xốp đồng loại để làm khung nền cho các tế bào gốc bám và phát triển. Có 17 bệnh nhân liền xương sau ghép, 01 bệnh nhân gãy nẹp, sau 01 năm phải cố định lại ổ gãy. Tỷ lệ này là tương tự khi so sánh kết quả của nhóm đối chứng điều trị theo phương pháp cổ điển với ghép xương xốp đơn thuần, nhưng thời gian liền xương sớm hơn.

Kết quả nghiên cứu ứng dụng của các nhà khoa học cho thấy hiệu quả bước đầu của ứng dụng tế bào gốc tủy xương tự thân trong điều trị các gãy xương khó liền xương như chậm liền xương hay khớp giả.

Đây là một nghiên cứu đầu tiên về ứng dụng tế bào gốc tủy xương có cô đặc trong điều trị chậm liền xương, khớp giả và mất đoạn xương đối với toàn bộ các vị trí gãy xương trên cơ thể. Áp dụng mới này không những giúp làm tăng tỷ lệ liền xương mà còn mở ra triển vọng tạo ra qui trình điều trị phối hợp thay thế xương bị thiếu và khuyết trong khớp giả hoặc khuyết hổng xương. Quy trình này cho phép không cần phải lấy một lượng lớn xương ghép tự thân, giúp làm giảm phẫu thuật lấy xương ghép, giảm biến chứng tại chỗ. Đặc biệt có ý nghĩa trong những trường hợp không thể lấy đủ xương tự thân trên bệnh nhân.

Quy trình ứng dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị các bệnh lý khớp giả và khuyết hổng xương là quy trình mới và kỹ thuật tiên tiến đang bắt đầutriển khai thử nghiệm và ứng dụng trên thế giới. Kết quả nghiên cứu đã được triển khai áp dụng tại Bệnh viện Trung Ương Huế và có khả năng ứng dụng tại tất cả bệnh viện các địa phương trên toàn quốc. Kết quả nghiên cứu này giúp giảm chi phí điều trị, giảm nguy cơ bệnh nhân bị tàn phế, giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội.

Đề tài này đã được Ban Tổ chức Giải thưởng Sáng Tạo Khoa học Công nghệ Tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VIII trao giải nhất lĩnh vực Y Dược.

Trần Giải

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email