Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế

Triều Nguyễn (1802 – 1945), triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, đã để lại cho Huế một hệ thống di tích, di sản văn hóa khổng lồ với thành quách, cung điện, lăng miếu…và những di sản văn hóa phi vật thể. Các di tích này không chỉ đạt giá trị đỉnh cao hài hòa trong quy hoạch không gian kiến trúc với thiên nhiên mà còn tinh tế, sáng tạo trong nghệ thuật trang trí “nhất thi, nhất họa”, “nhất tự, nhất họa”.

 

Đây là những áng văn thơ tinh túy nhất được tuyển chọn từ những trước tác của các vị hoàng đế triều Nguyễn. Trên kiến trúc cung đình Huế có gần 3000 ô thơ văn và chừng đó ô họa được chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ, trên pháp lam và đắp ngõa sành sứ. Nội dung thơ văn ở đây khẳng định chủ quyền, độc lập dân tộc; phản ánh một số chính sách của triều Nguyễn, ca ngợi phong cảnh đất nước…Để tìm hiểu giá trị của “bảo tàng”sống động về văn chương này, TS. Phan Thanh Hải và nhóm tác giả gồm: ThS. Nguyễn Phước Hải Trung, ThS. Lê Thị An Hòa, KS. Lê Thị Bích Thi đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”.

Nội dung chính của đề tài gồm: điều tra, thống kê hệ thống thơ văn trên các di tích thuộc quần thể kiến trúc cung đình Huế; số hóa thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; đối chiếu, so sánh thơ văn trên các di tích với các bài ngự chế của các vua triều Nguyễn để tìm ra tác giả; phiên âm, biên dịch sang tiếng Việt.

Đây là một khối lượng thơ văn lớn được khảm chạm trên các kiến trúc chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống. Đề tài này đã nghiên cứu nội dung và nghệ thuật, khẳng định giá trị của khối lượng thơ văn này, đặc biệt là nghệ thuật thư pháp của các nghệ nhân tài ba dưới thời các vua Nguyễn. Để bảo tồn, khai thác một khối lương lớn thơ văn được lưu giữ độc đáo trên các công trình kiến trúc cung đình Huế, các tác giả đã áp dụng hình thức số hóa và lưu trữ điện tử. Từ đó có thể phục vụ cho công tác nghiên cứu một cách rộng rãi. Đây là một giải pháp khoa học công nghệ tối ưu để bảo tồn di sản thi ca trên kiến trúc cung đình Huế trước nguy cơ hư hại do thời tiết khắc nghiệt và thời gian. Kết quả của đề tài nghiên cứu này cung cấp nguồn tư liệu phong phú, bổ sung nguồn tư liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu về lịch sử đất nước dưới thời các vua Nguyễn. Kết quả nghiên cứu này còn cung cấp nguồn tư liệu quí phục vụ cho công tác trùng tu di tích và bảo tồn, phát huy giá trị của thơ văn trên kiến trúc cung đình. Từ kết quả nghiên cứu của đề tài, Ủy ban di sản ký ức thế giới (thuộc UNESCO) đã vinh danh “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” là di sản tư liệu thế giới thuộc khu vực Châu Á Thài Bình Dương. Như vậy, cùng với Quần thể di tích cố đô, Nhã nhạc cung đình, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã làm giàu thêm kho di sản thế giới tại Huế, làm cho văn hóa Huế càng có thêm sức hút và sức lan tỏa. Ban Tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VIII đánh giá cao giá trị khoa học và những đóng góp của đề tài này.

 

Huệ Nhân

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email