Những chính sách có hiệu lực từ tháng 03/2015

Tháng 03/2015 rất nhiều chính sách mới thuộc các lĩnh vực Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng; Thuế-Phí-Lệ phí; Công nghiệp; Chứng khoán; Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề; Chính sách xã hội.. có hiệu lực thi hành. Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế xin giới thiệu đến độc giả.

Theo Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử chỉ được phép phát hành 01 Ví điện tử cho 01 tài khoản thanh toán của khách hàng tại 01 ngân hàng từ ngày 01/03/2015.

Cũng theo Thông tư này, việc nạp tiền vào Ví điện tử, rút tiền ra khỏi Ví điện tử của khách hàng phải được thực hiện thông qua tài khoản thanh toán; đặc biệt, nghiêm cấm việc tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng Ví điện tử, trả lãi trên số dư Ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên Ví điện tử.

Đối với các tổ chức phi ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện thí điểm cung ứng một hoặc một số dịch vụ như: Dịch vụ chuyển mạch tài chính; bù trừ điện tử; cổng thanh toán điện tử; hỗ trợ thu hộ, chi hộ; hỗ trợ chuyển tiền điện tử và dịch vụ Ví điện tử sẽ được xem xét cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán từ ngày 01/03/2015. Sau 09 tháng kể từ ngày này, các văn bản, giấy tờ đã cấp về việc cho phép thí điểm cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán sẽ chính thức hết hiệu lực.

Để được hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các tổ chức nêu trên phải xây dựng, thực hiện quy định nội bộ và tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về các nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử; thực hiện các yêu cầu đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng; an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử; đồng thời, phải tuân thủ các quy định về việc lập, sử dụng, bảo quản, lưu trữ chứng từ điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2015.

Ngày 29/01/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 09/2015/TT-BTC hướng dẫn giao dịch tài chính của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt.

Tại Thông tư này, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác. Khi thực hiện các giao dịch này, doanh nghiệp chỉ được sử dụng hình thức thanh toán bằng Séc; thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền và các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt khác phù hợp với quy định hiện hành.

Tương tự, hình thức thanh toán bằng Séc; thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền… cũng được áp dụng với các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng khi thực hiện các giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng khi thực hiện giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau bằng tài sản, đối trừ công nợ, chuyển giao nghĩa vụ nợ thực hiện theo pháp luật về doanh nghiệp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/03/2015.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 10/2015/TT-BTC ngày 29/01/2015 quy định chi tiết thi hành Quyết định số 54/2014/QĐ-TTg ngày 19/09/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn thuế nhập khẩu đối với linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp sản phẩm trang thiết bị y tế cần được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo.

Linh kiện được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm kể từ ngày dự án bắt đầu sản xuất, lắp ráp phải là các chi tiết điện tử, chi tiết bán dẫn, chi tiết cơ khí nhập khẩu để lắp ráp hoàn chỉnh sản phẩm và phải thuộc loại trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế cần được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo như: Hệ thống chụp mạch; máy siêu âm, máy siêu âm doppler xuyên sọ; máy theo dõi sản khoa; hệ thống nội soi chẩn đoán; máy đo lưu huyết não; máy thở và hệ thống nội soi phẫu thuật…

Trong đó, việc xác định linh kiện thuộc loại trong nước chưa sản xuất được thực hiện theo Thông tư số 04/2012/TT-BKHĐT ngày 13/08/2012; việc xác định thời hạn được miễn thuế nhập khẩu 05 năm kể từ ngày dự án bắt đầu sản xuất thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 15 Điều 100 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/09/2013 quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2015.

Ngày 20/01/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 04/2015/QĐ-TTg quy định về quản lý an toàn trong hoạt động dầu khí, trong đó yêu cầu nhà thầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài điều hành các hoạt động dầu khí ban hành quy định cấp phép làm việc bằng văn bản cho các công việc sinh lửa, làm việc trên cao, trong không gian hạn chế, ra vào khu vực nguy hiểm, các công việc ở các vị trí có thể rơi xuống nước và các công việc nguy hiểm khác, đảm bảo áp dụng các biện pháp phù hợp và có sự giám sát liên tục để tránh xảy ra sự cố, tai nạn.

Đồng thời, cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân nêu trên khám sức khỏe cho người lao động mới khi tuyển dụng và định kỳ trong quá trình làm việc nhằm theo dõi tình trạng sức khỏe, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm người lao động có sức khỏe phù hợp với công việc; phát hiện bệnh nghề nghiệp đối với người lao động làm việc trong điều kiện có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp; lập và lưu giữ hồ sơ sức khỏe, quản lý bệnh nghề nghiệp cho đến khi người lao động thôi việc, nghỉ hưu hoặc khi chuyển đến cơ sở lao động khác.

Về ứng cứu khẩn cấp, Thủ tướng quy định, tổ chức, cá nhân phải xây dựng và duy trì hệ thống ứng cứu khẩn cấp để các biện pháp ứng cứu cần thiết được tiến hành có hiệu quả khi xảy ra các sự cố, tai nạn gây nguy hại cho người, môi trường hoặc tài sản; bên cạnh đó, việc luyện tập và diễn tập xử lý các tình huống khẩn cấp tại các công trình phải được tiến hành thường xuyên; kết quả luyện tập, diễn tập phải được đánh giá và ghi chép để hoàn thiện kế hoạch ứng cứu khẩn cấp…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/03/2015.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 05/2015/TT-BTC ngày 15/01/2015 hướng dẫn hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, cho phép Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước; các tổ chức tín dụng, bảo hiểm tham gia thị trường trái phiếu do Sở Giao dịch chứng khoán tổ chức, Trung tâm Lưu ký các nước và các đối tượng khác sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận được mở tài khoản trực tiếp tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD).

Về mở tài khoản lưu ký chứng khoán, Thông tư quy định, thành viên lưu ký phải mở tài khoản lưu ký chứng khoán tại VSD để thực hiện các giao dịch đối với chứng khoán lưu ký tại VSD; trong đó, mỗi thành viên chỉ được mở 01 tài khoản lưu ký chứng khoán tại VSD và không được mở tại thành viên lưu ký khác trừ khi mở tài khoản tại thành viên lập quỹ để thực hiện giao dịch hoán đổi với quỹ hoán đổi danh mục…

Cũng theo Thông tư này, các giao dịch thiếu tiền, thiếu chứng khoán sẽ được VSD tách riêng để lùi thời hạn thanh toán; thời hạn lùi tối đa là 03 ngày làm việc, kể từ ngày làm việc liền kề trước ngày thanh toán của giao dịch thiếu tiền chứng khoán. Thành viên lưu ký có giao dịch bị lùi thời hạn thanh toán có trách nhiệm bồi thường cho tổ chức, cá nhân có giao dịch đối ứng liên quan theo mức 5% giá trị giao dịch lùi thanh toán cho mỗi ngày lùi thanh toán.

Trường hợp đã áp dụng cơ chế lùi thời hạn thanh toán nhưng vẫn không có đủ tiền, chứng khoán để thanh toán giao dịch, VSD có quyền loại bỏ không thanh toán giao dịch chứng khoán đó. Khi đó, thành viên lưu ký phải bồi thường cho tổ chức, cá nhân có giao dịch đối ứng liên quan theo mức 20% giá trị không thanh toán.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2015.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra Thông tư số 01/2015/TT-BGDĐT ngày 15/01/2015 ban hành Điều lệ trường cao đẳng, quy định người trúng tuyển để làm giảng viên trường cao đẳng phải thực hiện chế độ tập sự 12 tháng; thời gian tập sự phải được quy định trong hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động.

Đối với người đã thực hiện giảng dạy ở trường đại học hoặc cao đẳng tối thiểu 12 tháng sẽ được miễn thực hiện chế độ tập sự; trường hợp người đã có bằng tiến sĩ, đã tham gia giảng dạy trong thời gian làm nghiên cứu sinh sẽ được hiệu trưởng xem xét rút ngắn thời gian tập sự.

Về hiệu trưởng trường cao đẳng công lập, Thông tư quy định, việc bổ nhiệm hiệu trưởng được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành; độ tuổi bổ nhiệm nhiệm kỳ đầu của hiệu trưởng tối đa là 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ. Tương tự, độ tuổi giữ chức hiệu trưởng trường cao đẳng tư thục cũng bị hạn chế, tối đa không quá 75 tuổi với nam và 70 tuổi đối với nữ.

Cũng theo Thông tư này, trường cao đẳng được tự chủ trong việc xây dựng và ban hành chương trình đào tạo. Trong đó, chương trình đào tạo theo hình thức giáo dục chính quy phải đáp ứng các quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực của người học sau tốt nghiệp; đảm bảo tính thống nhất kiến thức giữa các môn học trong toàn bộ chương trình đào tạo và phải được tổ chức đánh giá định kỳ, điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với thực tiễn, sự phát triển của ngành và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động… Đặc biệt, trường cao đẳng tư thục hoạt động không vì lợi nhuận sẽ được miễn, giảm thuế; ưu tiên giao đất, cho thuê đất.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/03/2015.

Theo Thông tư số 22/2014/TT-BTTTT ngày 22/12/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quy hoạch kho số viễn thông, mã vùng điện thoại cố định của 59 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước sẽ chính thức được thay đổi.

Cụ thể, mã vùng điện thoại cố định tại Hà Nội được đổi từ 4 thành 24; mã vùng điện thoại cố định tại TP. HCM được đổi từ 8 thành 28; Đà Nẵng có mã vùng điện thoại cố định mới là 236; mã vùng mới tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Sơn La và Cần Thơ lần lượt là 225, 203, 212 và 292… Riêng đối với các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Phú Thọ và Vĩnh Phúc, mã vùng điện thoại cố định không đổi, vẫn là 210 đối với Phú Thọ, 211 đối với Vĩnh Phúc, 218 với Hòa Bình và 219 với Hà Giang. Bên cạnh đó, Thông tư cũng ban hành thêm 18 mã số dự phòng, bao gồm các mã 200, 201, 202, 223, 224…

Về số dịch vụ mạng viễn thông cố định mặt đất, Thông tư quy định, số dịch vụ khẩn cấp có độ dài 03 chữ số, là số dịch vụ toàn quốc, có cấu trúc cụ thể như sau: 112 là số dịch vụ gọi tìm kiếm, cứu nạn; 113 là số dịch vụ gọi công an, 114 là số gọi cứu hỏa, 115 là số dịch vụ gọi cấp cứu y tế. Số dịch vụ hỗ trợ khách hàng bắt buộc cũng có độ dài 03 chữ số, là số dùng chung và có cấu trúc như sau: 101 là số dịch vụ đăng ký đàm thoại trong nước qua điện thoại viên; 110 là số dịch vụ đăng ký đàm thoại quốc tế qua điện thoại viên; 116 là số dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao điện thoại mạng viễn thông cố định mặt đất và 119 là số dịch vụ báo hỏng số máy điện thoại cố định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2015.

Ngày 07/01/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 01/2015/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16/02/2009 về việc phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020, quyết định phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình trên cơ sở tham gia của tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển hạ tầng kỹ thuật phát thanh, truyền hình, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo sự quản lý thống nhất, có hiệu quả của Nhà nước; thay vì chỉ doanh nghiệp Nhà nước hoặc công ty cổ phần mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối tham gia như trước đây.

Về dịch vụ phát sóng quảng bá, Quyết định sửa đổi nhấn mạnh, các doanh nghiệp đã có Giấy phép cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất, truyền hình cáp triển khai phủ sóng, cung cấp dịch vụ ở địa phương nào thì bắt buộc phải bố trí, sắp xếp dung lượng theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông để truyền tải các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của Nhà nước.

Trước đó, ngày 16/02/2009, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 với các mục tiêu chính như: Từng bước triển khai lộ trình số hóa mạng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất phù hợp với điều kiện thực tế về thiết bị thu truyền hình số của người dân trên từng địa bàn cụ thể; ngừng việc sử dụng công nghệ truyền hình cáp tương tự trước năm 2020 để chuyển hoàn toàn sang công nghệ số với 100% các mạng cáp dọc các tuyến đường, phố chính tại trung tâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ngầm hóa và công nghệ số sẽ được áp dụng rộng rãi trong truyền dẫn, phát sóng phát thanh…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2015.

Theo Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 do Chính phủ ban hành quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, bệnh viện Phụ sản Trung ương; bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh sẽ được thực hiện ngay kỹ thuật mang thai hộ. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác được áp dụng kỹ thuật này phải có ít nhất 01 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm trong năm tối thiểu là 300 ca…

Để được áp dụng biện pháp kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải nộp hồ sơ đề nghị thẩm định và ra quyết định công nhận được thực hiện kỹ thuật này, gửi tới Bộ Y tế. Những cơ sở đã được công nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì được tiếp tục hoạt động mà không phải làm thủ tục công nhận lại. Sau 01 năm triển khai thực hiện Nghị định này, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quyết định bổ sung cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế công nhận kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định cụ thể về trách nhiệm tư vấn của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ. Theo đó, cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ sẽ được tư vấn về các phương án khác ngoài việc mang thai hộ hoặc xin con nuôi; tỷ lệ thành công của kỹ thuật có thể rất thấp nếu người vợ trên 35 tuổi; chi phí điều trị cao; người mang thai hộ có thể sẽ muốn giữ đứa bé sau khi sinh… Đồng thời, người mang thai hộ cũng sẽ được tư vấn về nguy cơ, tai biến có thể xảy ra khi mang thai; cảm giác mất mát, mặc cảm sau khi trao lại con cho cặp vợ chồng nhờ mang thai…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2015; bãi bỏ Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12/02/2003.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 02/2015/QĐ-TTg ngày 07/01/2015 quy định chế độ bồi dưỡng đi biển đối với kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư và người thực hiện nhiệm vụ kiểm ngư.

Cụ thể, kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư, công chức, viên chức và người lao động các đơn vị thuộc Cục Kiểm ngư, người được cấp có thẩm quyền cử biệt phái, điều động tham gia thực hiện nhiệm vụ kiểm ngư trên biển; người được cơ quan, đơn vị cử tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ trên tàu kiểm ngư sẽ được hỗ trợ với mức 150.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển thực hiện nhiệm vụ.

Cục Kiểm ngư và các cơ quan, đơn vị cử cán bộ tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ trên tàu kiểm ngư có trách nhiệm chi trả chế độ bồi dưỡng cho các đối tượng nêu trên.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2015.

Theo Nghị định số 121/2014/NĐ-CP ngày 24/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết về một số điều của Công ước Lao động hàng hải năm 2006 về chế độ lao động của thuyền viên làm việc trên tàu biển, thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam hoặc tàu biển nước ngoài hoạt động tại cảng biển Việt Nam được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, Tết, hưởng nguyên lương; đồng thời, nghiêm cấm mọi thỏa thuận để thuyền viên không được nghỉ hàng năm. Trong đó, số ngày nghỉ hàng năm được tính tối thiểu 2,5 ngày cho mỗi tháng làm việc (tương đương 30 ngày mỗi năm); ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương không tính vào số ngày nghỉ hàng năm.

Về thời giờ làm việc và nghỉ ngơi, Chính phủ quy định, thời giờ làm việc được bố trí theo ca và duy trì 24 giờ liên tục trong ngày, kể cả ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ, Tết. Thời giờ nghỉ ngơi tối thiểu là 10 giờ trong khoảng thời gian 24 giờ bất kỳ và 77 giờ trong 07 ngày bất kỳ; số giờ nghỉ ngơi trong khoảng thời gian 24 giờ có thể được chia tối đa thành 02 giai đoạn, một trong hai giai đoạn đó ít nhất phải kéo dài 06 giờ và khoảng thời gian giữa hai giai đoạn nghỉ liên tiếp không được quá 14 giờ. Trường hợp khẩn cấp đối với an ninh, an toàn của tàu, người, hàng hóa trên tàu, giúp đỡ tàu khác hoặc cứu người bị nạn trên biển, thuyền trưởng có quyền yêu cầu thuyền viên làm bất kỳ thời điểm nào; sau khi hoàn thành nhiệm vụ khẩn cấp, thuyền viên đó sẽ được bố trí nghỉ ngơi đủ thời gian theo quy định.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng có quy định chi tiết về việc chăm sóc sức khỏe cho thuyền viên trên tàu và trên bờ. Theo đó, thuyền viên phải được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, kịp thời và miễn phí trong thời gian làm việc trên tàu biển và tại cảng nước ngoài khi tàu ghé vào. Đồng thời, chủ tàu cũng phải bố trí ít nhất 01 bác sĩ nếu trên tàu có từ 100 người trở lên và thực hiện chuyến đi quốc tế dài hơn 03 ngày. Đối với tàu biển có dưới 100 người, không có bác sĩ, phải bố trí ít nhất 01 thuyền viên chịu trách nhiệm chăm sóc y tế và quản lý thuốc hoặc 01 thuyền viên có khả năng sơ cứu y tế…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2015.

Theo Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn cho người lao động.

Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng, người sử dụng lao động có thể trả lương chậm hơn so với thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng nhưng tối đa không quá 01 tháng. Bên cạnh đó, nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động, Nghị định cũng khẳng định, nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên, người lao động sẽ được trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương; trường hợp không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Theo đó, người lao động hưởng lương theo thời gian sẽ được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động quy định hoặc khi làm ngoài thời giờ làm việc bình thường để làm thêm số lượng, khối lượng sản phẩm, công việc ngoài số lượng, khối lượng theo định mức đã thỏa thuận. Trong đó, tiền lương làm thêm giờ vào ngày thường ít nhất bằng 150% tiền lương thực trả theo công việc đang làm; đối với ngày nghỉ hàng tuần và ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, tiền lương ít nhất bằng 200% và 300%, chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với lao động hưởng lương theo ngày…

Nghị định cũng cho phép người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng để chăm sóc con, vợ hoặc chồng; cha, mẹ hai bên nội, ngoại khi ốm đau, tai nạn. Đặc biệt, người tham gia cuộc đình công không đúng trình tự, thủ tục sẽ không được trả lương và các quyền lợi khác trong thời gian tham gia đình công. Riêng với lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công vẫn được trả lương ngừng việc và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2015.

Theo Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH ngày 12/01/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định mức lương đối với chuyên gia tư vấn trong nước làm cơ sở dự toán gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn áp dụng hình thức hợp đồng theo thời gian sử dụng vốn Nhà nước, mức lương đối với chuyên gia tư vấn trong nước sẽ tăng đáng kể từ ngày 01/03/2015.

Trong đó, mức lương theo tháng áp dụng đối với chuyên gia tư vấn trong nước làm việc đủ thời gian theo tháng sẽ tăng thêm 15 triệu đồng/tháng lên tối đa 40 triệu đồng/tháng đối với chuyên gia tư vấn có bằng đại học đúng chuyên ngành tư vấn, có từ 15 năm kinh nghiệm trở lên; chuyên gia tư vấn có bằng thạc sĩ trở lên đúng chuyên ngành tư vấn, có từ 08 năm kinh nghiệm trở lên và chuyên gia tư vấn đảm nhiệm chức danh trưởng nhóm tư vấn hoặc chủ trì tổ chức, điều hành gói thầu tư vấn.

Đối với chuyên gia tư vấn có bằng đại học đúng chuyên ngành, có từ 10 đến dưới 15 năm kinh nghiệm; chuyên gia tư vấn có bằng thạc sĩ trở lên đúng chuyên ngành tư vấn, có từ 05 đến dưới 08 năm kinh nghiệm và chuyên gia tư vấn đảm nhiệm chức danh chủ trì triển khai một hoặc một số hạng mục thuộc gói thầu tư vấn, mức lương tăng 10 triệu đồng/tháng, từ tối đa 20 triệu đồng/tháng lên 30 triệu đồng/tháng. Tương tự, mức lương đối với chuyên gia tư vấn có bằng đại học đúng chuyên ngành, có từ 05 đến dưới 10 năm kinh nghiệm; chuyên gia tư vấn có bằng thạc sĩ trở lên, có từ 03 đến dưới 05 năm kinh nghiệm và chuyên gia tư vấn có bằng đại học đúng chuyên ngành, có dưới 05 năm kinh nghiệm; chuyên gia tư vấn có bằng thạc sĩ trở lên, có từ dưới 03 năm kinh nghiệm cũng tăng thêm 10 triệu đồng/tháng lên tối đa 20 triệu đồng/tháng và 15 triệu đồng/tháng.

Thông tư này thay thế Thông tư số 18/2010/TT-BLĐTBXH ngày 10/06/2010 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2015.

Đây là nội dung quy định tại Nghị định số 09/2015/NĐ-CP ngày 22/01/2015 của Chính phủ về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc.

Theo đó, các đối tượng được tăng thêm 8% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng từ ngày 01/01/2015 bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998, đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng và người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 04/08/2000, Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06/05/2010; cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20/06/1975, Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981; quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06/05/2010 và công an nhân dân, quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân, đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011…

Trước đó, tại Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 được thông qua ngày 10/11/2014, Quốc hội cũng đã thống nhất điều chỉnh tăng 8% lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống từ ngày 01/01/2015.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/03/2015.

Ngày 02/02/2015, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 05/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng theo Nghị định số 09/2015/NĐ-CP ngày 22/01/2015 của Chính phủ.

Theo đó, từ ngày 01/01/2015, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; cán bộ xã, phường, thị trấn; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hàng tháng; quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu trước ngày 01/01/2015… sẽ tăng với hệ số 1,08 so với lương hưu, trợ cấp tháng 12/2014.

Trước đó, ngày 22/01/2015, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 09/2015/NĐ-CP, quyết định điều chỉnh tăng thêm 8% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/03/2015.

Người lao động bị tai nạn lao động suy giảm khả năng lao động từ 5% – 10% được bồi thường ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương; trường hợp suy giảm từ 81% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mức bồi thường ít nhất bằng 30 tháng tiền lương là nội dung quy định tại Thông tư số 04/2015/TT-BLĐTBXH ngày 02/02/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Ngoài tiền bồi thường, người lao động bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết còn được hưởng trợ cấp tai nạn lao động nếu nguyên nhân xảy ra tai nạn hoàn toàn do lỗi của chính người bị nạn theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động hoặc tai nạn xảy ra khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hay ngược lại, tại địa điểm, thời gian hợp lý. Trong đó, mức trợ cấp tối thiểu bằng 12 tháng tiền lương đối với lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc chết do tai nạn lao động; ít nhất bằng 0,6 tháng tiền lương nếu

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email