“Cha đẻ” của kỹ thuật mang tên Dr LUONG’S TECHNIQUE

Ðến nay, kỹ thuật “nội soi phẫu thuật bệnh lý tuyến giáp” do PGS, TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư sáng tạo và làm chủ được đánh giá cao trên thế giới. Do đó, không chỉ các bác sĩ ở các bệnh viện trong nước mà còn rất nhiều bác sĩ ở các nước sang Việt Nam để học và được chuyển giao kỹ thuật mang tên chính ông, Dr LUONG’S TECHNIQUE.

Sự ra đời và phát triển của kỹ thuật mổ nội soi đã giúp những người thầy thuốc ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực để trị bệnh, cứu người. Dù phát triển sau nhưng đến nay các bác sĩ Việt Nam đã ứng dụng kỹ thuật mổ nội soi vào nhiều lĩnh vực, như: phẫu thuật ổ bụng, lồng ngực, xương khớp… Trong đó, kỹ thuật “Nội soi phẫu thuật bệnh lý tuyến giáp” do PGS, TS Trần Ngọc Lương sáng tạo đã được tôn vinh là những thành tựu y học Việt Nam nổi bật; năm 2014 đoạt Giải nhất Giải thưởng nhân tài đất Việt… Kỹ thuật này được các bác sĩ trên thế giới đặt theo tên của người sáng tạo ra nó, kỹ thuật Dr LUONG’S TECHNIQUE. PGS, TS Trần Ngọc Lương được tôn vinh là bác sĩ có bàn tay vàng vì ông là người đầu tiên thực hiện kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp tại Việt Nam và ở khu vực Ðông – Nam Á.

Sáng kiến của PGS, TS Trần Ngọc Lương mang lại niềm vui cho những người bị những bệnh tuyến giáp, như: bướu cổ, basedow, bướu nhân một thùy, bướu đa nhân hai thùy, ung thư tuyến giáp. Trong y học, những căn bệnh về tuyến giáp rất khó phẫu thuật bằng nội soi vì tuyến giáp không nằm trong khoang có sẵn như khoang ngực, khoang bụng, mà nằm ở cổ. Muốn phẫu thuật nội soi được cần phải tạo khoang ở cổ. Khó hơn nữa, tuyến giáp nằm cạnh các cấu trúc rất quan trọng như bó mạch cánh, khí quản và dây thần kinh quặt ngược, rồi đến tuyến cân giáp trạng (điều hòa chuyển hóa can-xi trong cơ thể). Sau rất nhiều năm nghiên cứu và học hỏi, PGS, TS Trần Ngọc Lương sáng tạo phương pháp dùng khí CO2 để tạo khoang quanh tuyến giáp, gọi là khoang làm việc sau khi bóc tách các thành phần dưới da. Kỹ thuật này đơn giản, dễ làm, lại tận dụng được tác dụng tách, lóc tổ chức xốp của khí CO2 làm cho trường phẫu thuật rõ ràng hơn, các mạch máu và tổ chức nhìn rõ hơn cho nên thực hiện đốt, cắt cũng dễ dàng và an toàn hơn. Phương pháp tạo khoang bằng khí CO2 và việc tiếp cận tuyến giáp từ đường bên giúp cho việc xử lý các thương tổn bên trong bảo đảm, phẫu thuật an toàn, ít chảy máu.

Ðáng chú ý, với phương pháp mổ mở (cũ) vết sẹo thường dài tám đến 12 cm ở cổ người bệnh, thì phương pháp mổ nội soi tuyến giáp chỉ còn hai vết sẹo nhỏ khoảng một cm ở nách và ngực. Ðồng thời với kỹ thuật mới, việc thao tác ca mổ dễ dàng hơn và an toàn cho người bệnh; Có thể phẫu thuật được những u bướu lớn; thời gian nằm viện rút ngắn còn hai, ba ngày. Không cần đến những thiết bị mổ nội soi phức tạp. Mỗi ca mổ cắt thùy thường chỉ kéo dài khoảng 30 phút, bảo đảm an toàn, hiệu quả, thẩm mỹ. Phẫu thuật nội soi không để lại vết sẹo ở cổ cho nên người bệnh hoàn toàn có thể tự tin hơn trong giao tiếp, hòa nhập cuộc sống và trở lại công việc mà không bị mặc cảm về hình thức.

Phẫu thuật tuyến giáp bằng kỹ thuật nội soi đã mở ra một hướng mới trong việc điều trị các bệnh lý về tuyến giáp. Thống kê cho thấy, từ năm 2003 đến 2014 tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư đã có khoảng 3.500 người bệnh được mổ bằng kỹ thuật này, được chỉ định áp dụng cho các bệnh của tuyến giáp: Bướu đơn nhân, bệnh Basedow, ung thư tuyến giáp, kể cả nạo hạch trong ung thư. Ðáng chú ý, trường hợp ung thư tuyến giáp (thể nhú) nếu được mổ sớm và dùng i-ốt phóng xạ hỗ trợ thì tỷ lệ sống thêm 15 đến 20 năm hoặc khỏi hẳn lên đến hơn 80%. Không chỉ an toàn, hiệu quả, chi phí một ca mổ bằng kỹ thuật này chỉ bằng một phần năm, một phần mười các nước trong khu vực.

Ðến nay kỹ thuật “nội soi phẫu thuật bệnh lý tuyến giáp” đã được PGS, TS Trần Ngọc Lương chuyển giao cho khoảng 150 bác sĩ của hơn mười bệnh viện trong nước. PGS, TS Trần Ngọc Lương cũng liên tục được mời sang nhiều nước để thuyết trình, mổ thị phạm, và giảng bài về kỹ thuật này. Ðã có khoảng 220 giáo sư, bác sĩ của các nước: Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin, Ấn Ðộ, Bồ Ðào Nha, Thái-lan… sang Việt Nam học tập, nhận chuyển giao kỹ thuật Dr LUONG’S TECHNIQUE. Ngoài ra PGS, TS Trần Ngọc Lương còn 22 lần trực tiếp đi chuyển giao kỹ thuật này tại các nước. Thành công đó, không chỉ làm vẻ vang cho người sáng tạo ra nó mà còn khẳng định vị thế của y học Việt Nam với các nước trên thế giới có nền y học phát triển.

MINH THANH (nhandan.com.vn)

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email