Nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Liên cầu khuẩn lợn là loại vi khuẩn gây bệnh cho người và lợn, đây là bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó có lợn và người là chủ yếu. Bệnh tăng mạnh trong mùa nắng nóng và có nguy cơ trở thành dịch nếu không có biện pháp phòng tránh, điều trị. Bệnh có thể lây từ lợn sang người và gây tử vong.

 

Nguyên nhân

Tác nhân gây bệnh là do Streptococcus suis (S.suis) gây ra ở lợn và có khả năng lây lan sang người. Ổ chứa S.suis là lợn nhà, lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim, có thể lây truyền qua gián, chuột, ruồi,…

Môi trường đóng vai trò quan trọng trong quá trình truyền bệnh. S.suis típ 2 thường gây bệnh ở người, dễ mắc nhất là những người làm việc trong môi trường liên quan đến lợn. Cách lây qua đường tiêu hóa là chủ yếu.

Nguyên nhân nhiễm bệnh chủ yếu là do tiếp xúc, sử dụng các chế phẩm từ thịt heo thiếu an toàn, nhiều trường hợp nhiễm bệnh không rõ nguyên nhân.

Từ đường ăn uống: Khi ăn các sản phẩm từ lợn mà chưa được nấu chín như tiết canh, lòng, nem, cháo lòng lợn bị bệnh liên cầu, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh.

Nếu lợn nhiễm khuẩn (kể cả lợn bệnh và lợn lành mang trùng không phát bệnh), trong máu và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn.

Đường tiếp xúc, giết mổ, chăm sóc: Những người có các vết thương, sây sát ở da nhưng lại tiếp súc với máu, dịch tiết,… của lợn bị bệnh liên cầu, giết mổ lợn, vận chuyển thịt, máu lợn bệnh. Vi khuẩn cũng xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương rách da nhỏ, vết trầy xước, lở niêm mạc chân răng,… Bình thường loại vi khuẩn này có sẵn trong cổ họng, đường tiêu hóa, đường hô hấp, sinh dục của lợn. Khi chúng mắc bệnh – nhất là bệnh tai xanh, hệ miễn dịch suy giảm và đây là dịp cho loại vi khuẩn này có cơ hội phát triển mạnh.

Triệu chứng lâm sàng

Bệnh do liên cầu khuẩn lợn gây ra diễn biến đột ngột nhanh chóng, người bệnh có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Người bị bệnh liên cầu khuẩn từ lợn thường mắc ở ba thể.

– Cấp tính: bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết, sốt cao, xuất huyết và hoại tử toàn thân, suy tuần hoàn, suy hô hấp, suy chức năng gan, thận,… và tử vong rất nhanh.

– Viêm màng não: bệnh nhân sốt cao, đau đầu, nôn mửa và hôn mê, nếu không điều trị sớm bệnh nhân sẽ có di chứng thần kinh như ngớ ngẩn, mất trí nhớ, liệt.

– Kết hợp cả hai (cấp tính & viêm màng não): Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được điều trị sớm. Bệnh nguy hiểm bởi có diễn biến nhanh, chỉ trong vòng 12-24 giờ đã có thể rất nguy hiểm, bệnh nhân rơi vào sốc do nhiễm trùng huyết.

Lưu ý phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện viêm màng não và có tiếp xúc với lợn bị bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời nhằm giảm tỷ lệ tử vong do biến chứng gây ra.

Điều trị

Điều trị kháng sinh đặc hiệu Penicilline liều cao: uống, tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch, thường phải điều trị trên 10 ngày. Có thể dùng các kháng sinh khác cũng hiệu quả như: Ampicilline, Erythromycine hoặc nhóm Cephalosporine.

Điều trị triệu chứng và áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực.

Lọc máu nếu có điều kiện.

Dự phòng

Để phòng tránh được bệnh liên cầu khuẩn lợn, người tiếp xúc với lợn, nhất là lợn bệnh cần thực hiện vệ sinh cá nhân (trang bị bảo hộ lao động, rửa tay chân sau khi tiếp xúc…).

Thịt lợn phải được nấu chín trước khi sử dụng, tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt lợn còn sống, gỏi thịt lợn.

Sau khi dùng thịt hoặc tiếp xúc với lợn, nếu thấy có triệu chứng sốt cao, nhức đầu, nôn nhiều, đau họng, cần nhập viện ngay. Khi giết mổ hoặc tiêu hủy lợn nhiễm bệnh phải sử dụng đồ bảo hộ. Tuyệt đối không ăn thịt lợn nhiễm bệnh, thịt chưa nấu chín. Vi khuẩn liên cầu lợn có thể sống 2 tuần trong các chất thải của lợn ngoài môi trường và chỉ chết ở nhiệt độ cao hoặc trong chất sát khuẩn.

Theo các chuyên gia, để phòng bệnh, người chăn nuôi cần tẩy trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đeo găng tay, ăn uống, giết mổ, chế biến cần đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, những người có vết thương hở, bệnh ngoài da không nên tiếp xúc với lợn hoặc tham gia giết mổ, chế biến. Người tiêu dùng chỉ nên mua thịt lợn ở nơi tin cậy, có đóng dấu kiểm dịch.

Tuyệt đối không ăn thịt lợn và nội tạng lợn chưa nấu chín kỹ, tiết canh, nem chua, nem chạo. Không ăn thịt lợn bệnh hay lợn đã chết. Giữ vệ sinh và ăn chín là cách tốt nhất để phòng bệnh liên cầu lợn ở người. Nghi ngờ mắc bệnh, phải đến ngay cơ sở y tế để được điều trị.

Đối với việc phòng ngừa dịch bệnh

Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh.

Không mua, bán lợn bệnh, không ăn thịt lợn không rõ nguồn gốc, không ăn tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín. Chỉ nên mua thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch.

Người chăn nuôi nên chọn con giống rõ nguồn gốc, thực hiện vệ sinh phòng bệnh, khử trùng tiêu độc, tiêm phòng các loại vắc-xin theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Người có tổn thương ở tay, chân, bệnh ngoài da… không được giết mổ lợn. Phải trang bị đồ bảo hộ lao động tối thiểu khi giết mổ lợn như găng tay, khẩu trang. Sau khi giết mổ lợn phải rửa chân, tay bằng xà phòng.

Nhân viên y tế cần tuyên truyền để người dân không hoang mang trước các thông tin về dịch bệnh.

Ts.Bs. Nguyễn Đức Hoàng

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email