Chủ trương xã hội hoá nghề rừng để người dân gắn kết bảo vệ rừng và có thể sống được nhờ rừng, từ đó phát triển kinh tế lâm nghiệp là chủ trương đúng đắn nhằm thúc đẩy vùng nông thôn miền núi phát triển. Tuy nhiên trên thực tế, rừng tự nhiên chưa đem lại một nguồn thu nào thật đáng kể cho người dân.
Xã hội hoá ngành lâm nghiệp là một trong những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Với phương châm làm cho mỗi cánh rừng đều có chủ, xóa đói giảm nghèo cho người dân miền núi và người dân có thể sống được từ rừng, nhiều chính sách đã được Nhà nước ban hành. Trong đó, chính sách giao đất giao rừng cho các chủ thể khác nhau để cùng bảo vệ, hưởng lợi đã được thực hiện hơn 30 năm qua.
Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, đến nay, cả nước đã giao hơn 11,361 triệu ha rừng, chiếm 80,8% tổng diện tích rừng và chiếm 69,3% tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp (16,4 triệu ha). Còn tính đến 31/12/2015, đã có hơn 3,145 triệu hộ gia đình và hơn 1,110 triệu cộng đồng được giao quản lý rừng. Trong đó, riêng rừng tự nhiên có 1.398.187 hộ gia đình và hơn 1,062 triệu cộng đồng được giao quản lý.
Từ chính sách đúng đắn đó, Nhà nước đã huy động được rất nhiều chủ thể trong xã hội tham gia bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt và hiệu quả nhất là sự tham gia của những người dân miền núi đang sống gần rừng và phụ thuộc vào rừng.
Chính sách giao đất, giao rừng phát huy được hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng, hạn chế được tình trạng suy giảm diện tích rừng và tăng chất lượng rừng.
Cùng với đó, Nhà nước cũng đã huy động được một nguồn lực tài chính rất lớn để hỗ trợ người dân quản lý bảo vệ rừng thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Chính sách này đã tạo một nguồn động lực giúp người dân tăng cường thực hiện công tác bảo vệ rừng tự nhiên sau nhiều năm nhận rừng.
Tuy nhiên, nguồn tài chính đó đóng góp một phần rất nhỏ, chỉ đủ để trang trải chi phí phát sinh trong quá trình bảo vệ rừng của những người dân.
Lấy ví dụ, tại thôn Dỗi, xã Thượng Lộ (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) có 78 hộ được giao 500 ha. Hằng năm, cả thôn được chi trả 98 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Như vậy tính bình quân mỗi hộ chỉ được hơn 1 triệu đồng/năm.
Tại thôn A Ho, xã A Roàng, (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế), nhóm hộ của anh Blúp Phú chỉ được chi trả 10,6 triệu cho 82,9 ha rừng tự nhiên được giao. Tính bình quân mỗi hộ chỉ nhận được 294.000 đồng/năm.
Chủ trương xã hội hoá nghề rừng ngoài phương châm rừng có chủ và được bảo vệ tốt hơn thì điều quan trọng không kém là người dân có thể sống được nhờ rừng, từ đó phát triển kinh tế lâm nghiệp như là một ngành mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển ở vùng nông thôn miền núi.
Tuy nhiên điều này gần như chưa thành hiện thực sau hơn 30 năm thực hiện giao đất giao rừng. Nguyên nhân là vì rừng tự nhiên hầu như chưa đem lại một nguồn thu nào đáng kể cho người dân.
Nhiều quy định khiến người dân còn gặp khó khăn
Ngoài được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng, trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 quy định rất nhiều quyền của người dân để phát triển kinh tế từ rừng được giao. Tuy nhiên, khi áp dụng các quy định đó vào việc bảo vệ và sản xuất rừng của người dân thì còn nhiều khó khăn.
Quy định đầu tiên và cần thiết nhất cho người dân miền núi và sống phụ thuộc vào rừng đầu tiên phải kể đến là quyền khai thác lâm sản, có thể là gỗ hoặc lâm sản ngoài gỗ như măng, tre, lá, mật ong… Khai thác gỗ có thể để phục vụ cho cuộc sống hằng ngày hoặc bán để có thêm thu nhập (không áp dụng chủ rừng là cộng đồng dân cư thôn).
Luật khiến người dân khu vực miền núi gặp khó khăn.Chẳng hạn, theo quy định tại Thông tư 35/2011 hướng dẫn thực hiện khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ ngày 20/5/2011 của Bộ NN&PTNT thì muốn khai thác gỗ, trữ lượng rừng phải đạt tối thiểu là 150 m3/ha đối với rừng lá rộng thường xanh.
Đối với khai thác gỗ phục vụ nhu cầu hằng năm thì đối tượng được xác định theo phương án khai thác phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt….
Như vậy, để được khai thác thì cộng đồng và hộ gia đình phải thực hiện rất nhiều thủ tục và hầu như với trình độ của người dân, việc này không thể thực hiện được.
Theo kết quả nghiên cứu của Mạng lưới đất rừng (FORLAND) năm 2015 từ 25 cộng đồng và 180 hộ gia đình (ở các tỉnh Yên Bái, Kiên Giang, Lâm Đồng, Bình Định) thì chưa có chủ rừng nào được cấp phép khai thác theo đúng quy định.
Còn trong bối cảnh đóng cửa rừng như hiện nay thì việc khai thác gỗ gia dụng của cộng đồng, hộ gia đình càng khó khăn hơn.
Điều 12, Quyết định 49/2016/QĐ-TTg ngày 1/11/2016 về ban hành quy chế rừng sản xuất quy định đối tượng rừng được khai thác phục vụ nhu cầu thiết yếu tại chỗ của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn phải có trữ lượng giàu và trung bình (tức là trên 100 m3/ha theo quy định tại Thông tư 34/2009/TT-BNNPTNT).
Với lượng tăng trưởng bình quân là 2 m3/ha/năm thì người dân phải mất ít nhất 20-30 năm mới có thể khai thác. Còn theo quy định tại Quyết định 2242/2014/QĐ-TTg thì nghiêm cấm hộ gia đình và cá nhân khai thác gỗ để buôn bán. Như vậy, gần như người dân rất khó được sử dụng gỗ, nguồn giá trị lớn nhất từ rừng cho phát triển kinh tế hoặc sử dụng cho gia đình.
Một quyền khác cũng được pháp luật công nhận là được hưởng thành quả lao động và kết quả đầu tư trên diện tích rừng được giao. Tuy nhiên, với quan niệm “rừng tự nhiên là tài nguyên” như hiện tại thì hầu như không người dân nào dám đầu tư để phát triển rừng.
Với quan điểm đó, các chính sách của Nhà nước ban hành hầu như là muốn bảo vệ tài nguyên (như hạn chế khai thác, đóng cửa rừng, quản lý rừng bền vững…) hơn là tạo điều kiện cho người dân được xác lập quyền tài sản trên rừng được giao.
Có thể so sánh các quy định liên quan đến rừng trồng và rừng tự nhiên để thấy động lực phát triển rừng tự nhiên hầu như là không có. Đối với rừng trồng, toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc và khai thác đều do chủ rừng tự quyết định. Tuy nhiên, khi đầu tư để trồng cây rừng vào rừng tự nhiên thì khi khai thác, phải bảo đảm rừng đủ trữ lượng, xin cấp phép khai thác theo đúng trình tự. Bên cạnh đó, thời gian đầu tư và hưởng lợi ở rừng tự nhiên phải gấp 5-6 lần so với thời gian đầu tư và hưởng lợi từ rừng trồng. Do đó, việc người dân tự đầu tư phát triển rừng tự nhiên vẫn còn bỏ ngỏ.
Theo ông Lương Phê, Trưởng Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn 3, xã Hương Lộc (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế), việc đầu tư trồng cây bản địa vào rừng tự nhiên để khai thác sau này gặp rất nhiều khó khăn. Nếu cây đó do cộng đồng trồng trên đất lâm nghiệp thì do cộng đồng tự quyết việc khai thác, nhưng ở đây lại trồng vào rừng tự nhiên, đến khi cây lớn thì không có cơ sở nào để xác định cây nào do người dân trồng, cây nào tự mọc. Hơn nữa, thủ tục xin phép khai thác cây ở rừng tự nhiên cũng khó khăn hơn nhiều so với rừng trồng.
Với những bất cập nêu trên, thiết nghĩ cơ quan thẩm quyền cần có chính sách đột phá để người dân an tâm và có động lực trong bảo vệ, phát triển rừng được giao. Một mặt có thể bảo toàn vốn rừng và phát triển rừng, mặt khác cũng tạo được nguồn kinh tế ổn định cho người dân nhận rừng.
Trọng Trí