Nghiên cứu tạo kháng nguyên bám dính tái tổ hợp để sản xuất KIT chẩn đoán và vắc xin phòng bệnh do E.coli gây ra ở lợn

Bệnh do E.coli gây ra ở lợn là một trong những bệnh truyền nhiễm gây nhiều thiệt hại cho ngành chăn nuôi. E.coli có tính kháng nguyên hết sức đa dạng (trên 180 kháng nguyên O và trên 50 kháng nguyên H) nên đến nay chưa có một vắc xin chứa kháng nguyên O và kháng nguyên H nào thực sự có hiệu quả cho mọi nơi, mọi lúc. Trong khi đó E.coli chỉ có một vài loại kháng nguyên bám dính phổ biến. Vì vậy, vắc xin chế từ loại kháng nguyên bám dính sẽ có hiệu quả đối với nhiều chủng E.coli, vì phần lớn các chủng E.coli đều mang yếu tố bám dính, nhiều nhất là kháng nguyên F4 và F18.

 

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã phát triển KIT chẩn đoán và vắc xin dựa trên kháng nguyên bám dính nhưng việc tách chiếc kháng nguyên phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian.

Trước thực trạng đó, nhóm các nhà khoa học gồm: PGS.TS. Đinh Thị Bích Lân, GS.TS. Nguyễn Hoàng Lộc, PGS.TS. Phùng Thăng Long tại Đại học Huế đã nghiên cứu thành công đề tài “Tạo kháng nguyên bám dính tái tổ hợp để sản xuất KIT chẩn đoán và vắc xin phòng bệnh do E.coli gây ra ở lợn”.

Sử dung công nghệ protein tái tổ hợp sẽ cho phép tổng hợp được số lượng lớn các kháng nguyên bám dính tinh khiết, giá thành thấp, chủ động đáp ứng được nhu cầu chế tạo KIT và bào chế vắc xin. Vắc xin tái tổ hợp có tính an toàn cao và độ dài miễn dịch tốt.

Một trong những tồn tại quan trọng hiện nay trong ngành chăn nuôi là chúng ta chưa có điều kiện áp dụng các phương pháp chẩn đoán nhanh nhằm xác định nhanh chóng các yếu tố độc lực của các chủng E.coli gây bệnh, do chúng ta chưa sản xuất các KIT mà hầu hết sử dụng KIT nhập ngoại giá thành cao và không chủ động.

KIT chẩn đoán nhanh dựa trên nguyên lý của phản ứng sắc ký miễn dịch có nhiều ưu điểm là độ nhạy và độ đặc hiệu cao, dễ bảo quản, dễ sử dụng, cho kết quả chẩn đoán nhanh ( 10 đến 15 phút), tiện lợi, giá thành thấp, đáp ứng được yêu cầu chẩn đoán nhanh nhưng chính xác và đặc hiệu. Vì lẽ đó, nghiên cứu và sản xuất các loại KIT chẩn đoán nhanh là việc làm rất có ý nghĩa đối với ngành chăn nuôi.

Nội dung chính của đề tài là: Xác định yếu tố bám dính và kiểm tra một số đặc tính của các chủng E.coli; Nghiên cứu quy trình sản xuất và sản xuất các kháng nguyên bám dính tái tổ hợp; Nghiên cứu xác lập quy trình sản xuất KIT phát hiện nhanh kháng nguyên bám dính F4 của E.coli; Nghiên cứu sản xuất vắc xin tái tổ hợp phòng bệnh do E.coli gây ra ở lợn.

Đây là đề tài nghiên cứu tạo ra KIT chẩn đoán nhanh và vắc xin tái tổ hợp phòng bệnh do E.coli gây ra ở lợn đầu tiên tại Việt Nam. Thực hiện đề tài này, các tác giả cũng rất sáng tạo khi ứng dụng kỹ thuật gene cloning và sắc kí miễn dịch để nghiên cứu, sản xuất kháng nguyên bám dính tái tổ hợp, kháng nguyên thể đặc hiệu, kháng nguyên cộng hợp với hạt vàng nano và KIT phát hiện hanh kháng nguyên bám dính tái tổ hợp. Đề tài này đã mở ra một hướng đi mới có tính khả thi cao trong việc ứng dụng công nghệ cao trong ngành chăn nuôi nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, phục vụ đời sống.

Kết quả nghiên cứu của đề tài cho phép chúng ta chủ động việc sản xuất KIT phát hiện nhanh kháng nguyên bám dính giá thành rẽ hơn, thay thế hàng nhập ngoại, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành chăn nuôi.

Phương pháp chẩn đoán bằng KIT phát hiện nhanh có nhiều ưu thế hơn các phương pháp trước đây. Chẳng hạn phương pháp ELISA và phương pháp PCR, thường mất nhiều thời gian và công sức và bắt buộc phải có thiết bị chuyên dùng, đắt tiền, kỹ thuật viên có trình độ cao… mới có thể thực hiện được. Trong khi đó, que chẩn đoán nhanh có độ nhạy và tính đặc hiệu cao, ít tốn kém, không cần kỹ thuật viên trình độ cao mà vẫn có thể chẩn đoán chính xác.

Vắc xin tái tổ hợp là vắc xin thế hệ mới, sản phẩm của công nghệ gene và công nghệ protein tái tổ hợp, có độ an toàn và tính đặc hiệu, cho hiệu quả cao trong phòng bệnh. Đây là vắc xin đáp ứng các yêu cầu của chương trình sản phẩm quốc gia về vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi. Sử dụng vắc xin tái tổ hợp giúp giảm thiểu sử dụng kháng sinh nên giải quyết được vấn đề gây kháng kháng sinh và tồn dư kháng sinh trong thực phẩm, nâng cao chất lượng thực phẩm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Các sản phẩm của đề tài nghiên cứu đã được sản xuất và thử nghiệm tại tỉnh Thừa Thiên Huế có kết quả tốt, có thể ứng dụng rộng rãi trong toàn quốc.

Trần Giải

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email