Chỉ thị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola

Bệnh do vi rút Ebola (bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm (bệnh truyền nhiễm nhóm A) có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao. Người bệnh có triệu chứng sốt cao kéo dài, đau đầu, đau cơ vùng bụng và ngực, viêm họng, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy cấp, xuất huyết da niêm mạc (dấu hiệu dây thắt, ban xuất huyết hoặc dát sần, chảy máu cam) và xuất huyết phủ tạng (nôn, ỉa ra máu…). Thể nặng điển hình thường có tổn thương gan, suy thận, viêm tổ chức não; có thể biến chứng suy đa phủ tạng, tràn dịch màng phổi và sốc. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với dụng cụ bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh.

Hiện nay, dịch bệnh đã bùng phát trở lại tại 04 quốc gia vùng Tây Phi là: Guinera, Leberia, Sierra Leone và Nigeria. Từ tháng 12/2013 đến ngày 06 tháng 8 năm 2014 đã ghi nhận tổng cộng 1.779 trường hợp mắc, trong đó có 961 trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đưa ra các khuyến cáo nhằm hạn chế việc lây lan của vi rút Ebola.

Cho đến nay, bệnh do vi rút Ebola vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và phương pháp điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, dịch bệnh có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc với người mắc bệnh và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.

Theo thông báo của Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh do vi rút Ebola, song cần phải khẩn trương thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của dịch bệnh do vi rút Ebola vào Việt Nam; đồng thời chủ động ứng phó có hiệu quả nhất, ít thiệt hại nhất khi dịch bệnh xảy ra.

Thực hiện Công điện số 1392/CĐ-TTg ngày 09 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola, ngày 12/8/2014, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-UBND yêu cầu:

– Chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm y tế thành phố, thị xã và các huyện chủ trì, phối hợp với chính quyền các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình để kịp thời triển khai các hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết do vi rút Ebola.

– Tăng cường giám sát và phát hiện ca bệnh tại các cửa khẩu Quốc tế, giám sát chặt chẽ tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Ebola.

– Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu, điều trị và giường bệnh để kịp thời phục vụ bệnh nhân trong trường hợp xảy ra dịch.

– Khẩn trương tổ chức tập huấn về công tác giám sát, xử lý dịch, thu dung điều trị; đánh giá tình hình triển khai công tác phòng, chống sốt xuất huyết do vi rút Ebola trên địa bàn trong thời gian qua.

– Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các hoạt động công tác phòng chống dịch tại các đơn vị y tế địa phương.

– Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; kịp thời cung cấp thông tin về phòng, chống dịch sốt xuất huyết do vi rút Ebola cho các cơ quan thông tấn báo chí khi có dịch.

– Tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp. Trực tiếp chỉ đạo và giám sát UBND các xã, phường phối hợp với ngành y tế và các ngành liên quan triển khai các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết do vi rút Ebola.

– Thực hiện quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh Thừa Thiên Huế qua các cửa khẩu trên địa bàn, phối hợp các ngành liên quan nắm số lao động tại các nước Tây Phi và trở về địa phương, theo dõi sức khỏe và ngăn ngừa có hiệu quả sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

– Có phương án cách ly, thu dung và điều trị bệnh nhân, bảo đảm không để lây lan dịch bệnh cho cán bộ y tế và cho cộng đồng, hạn chế thấp nhất số tử vong. Bảo đảm cấp đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, kinh phí cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

– Huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch và tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

ĐINH VĂN CHUNG

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email