Những năm gần đây, tại Thừa Thiên Huế, ngành chăn nuôi gà phát triển rất nhanh mang lại lợi nhuận, góp phần cải thiện đời sống cho người nông dân. Tuy nhiên, dịch bệnh trên gà đang diễn biến rất phức tạp, trong đó hội chứng hô hấp (HCHH) gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi.
Để phòng và trị bệnh cho gà, người nuôi thường sử dụng kháng sinh, thậm chí dùng liều cao, không kiểm soát được, dẫn đến tình trạng kháng thuốc và tồn dư kháng sinh trong thịt, trứng gây mất an toàn cho người tiêu dùng. Sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc thảo dược thay thế việc dùng kháng sinh trong chăn nuôi gà là hướng nghiên cứu đang được quan tâm. Trong hai năm 2014 – 2015 nhóm nghiên cứu của trường Đại học Nông Lâm Huế do PGS.TS Nguyễn Đức Hưng chủ trì phối hợp với phân viện Chăn nuôi Nam bộ đã nghiên cứu sử dụng một số chế phẩm có nguồn gốc thảo dược (CPTD) trong nước (CP3,CP4, CP5) trộn vào thức ăn cơ sở (KPCS) nuôi gà thịt và gà đẻ, giảm được việc dùng kháng sinh, mang lại hiệu quả cao và sản phẩm an toàn cho người sử dụng.
Thành phấn CPTD gồm: CP3: xạ can 39,88%, quế 36,61%, dâu tằm 23,51%; CP4: xạ can 42,77%, dâu tằm 25,21%, bọ mắm 32,02%; CP5: xạ can 33,54%, bọ mắm 46,68%, viễn chí 19,78%. Các CPTD trộn đều vào KPCS (trong phòng bệnh) hoặc hòa trong nước uống (trong điều trị bệnh theo liều qui định.
Đề tài có ba nội dung chính là:
-Xác định liều lượng tối ưu nhất của mỗi chế phẩm thảo dược dùng cho gà thịt và gà đẻ từ 3 liều thí nghiệm tương ứng là: CP3: 100 gam, 200 gam, 300 gam; CP4: 105gam, 210 gam, 315 gam và CP5: 160 gam, 320 gam, 480 gam, so với KPCS (không kháng sinh, không sử dụng chế phẩm có nguồn gốc thảo dược).
-Xác định chế phẩm thảo dược tốt nhất và sự phối hợp tối ưu nhất giữa các chế phẩm thảo dược trên gà thịt và gà đẻ.
-Xác định liều lượng chế phẩm thảo dược dùng trong điều trị hội chứng hô hấp trên gà thịt và gà đẻ.
Đây là lần đầu tiên có một đề tài nghiên cứu sử dụng chế phẩm có nguồn gốc thảo dược với nguyên liệu là cây thảo mộc trong nước gồm xạ can, quế, dâu tằm, bọ mắm, viễn chí để sử dụng phòng và trị bệnh trong ngành chăn nuôi gà. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra liều dùng tốt nhất cho mỗi chế phẩm thảo dược khi dùng độc lập hoặc khi dùng hỗn hợp đều cho hiệu quả cao trong phòng và điều trị hội chứng hô hấp ở cả gà thịt và gà đẻ.
Các thí nghiệm thực hiện tại Thừa Thiên Huế với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, khí hậu thay đổi nhiều và dịch bệnh, nhất là các bệnh về đường hô hấp ở gà gây ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi. Kết quả nghiên cứu này cho phép áp dụng rộng rãi cho các tỉnh miền Trung.
Phương thức sử dụng chế phẩm thảo dược trong nghiên cứu là đơn giản, dễ áp dụng trong chăn nuôi nông hộ hoặc chuyển giao cho các cơ sở chế biến thức ăn công nghiệp nuôi gà.
Sử dụng chế phẩm có nguồn gốc thảo dược trong chăn nuôi gà sẽ giảm việc dùng kháng sinh để phòng và trị hội chứng hô hấp trên gà, giảm chi phí sử dụng thuốc và quan trọng hơn là tạo ra sản phẩm chăn nuôi không kháng sinh, an toàn sức khỏe cho người dùng.
Đề tài này được Hội đồng khoa học công nghệ cấp Bộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xếp loại khá và Ban Tổ chức Giải thưởng Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thien Huế đánh giá có tính mới, tính sáng tạo, đáp ứng thực tiễn chăn nuôi hiện nay. Vì vậy, đề tài có khả năng ứng dụng tốt không chỉ trong chăn nuôi gà tại nông hộ, trang trại, mà cả trong ngành sản xuất thức ăn công nghiệp cho chăn nuôi gà.
Huệ Tâm