Thời gian gần đây nhiều tỉnh thành trên cả nước xuất hiện dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng đến mức phải công bố dịch, vậy bệnh sốt xuất huyết ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người và cách phòng tránh?
Trước hết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti. Bệnh thường xuất hiện dưới hai dạng biểu hiện sốt dengue và sốt xuất huyết dengue, xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam bệnh xảy ra ở hầu hết các tỉnh, xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa.
Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết
– Bệnh sốt xuất huyết được xem là loại bệnh nguy hiểu vì: Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.
Bệnh sốt xuất huyết thường có các biểu hiện sau:
Bệnh nhẹ: thường là thể sốt dengue, chủ yếu bị ở người lớn, khu vực thành thị, những nơi mật độ dân số cao, ít khi dẫn đến tử vong như: sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt kèm theo đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu và phát ban.
Bệnh nặng: thường là thể sốt xuất huyết dengue, chủ yếu là trẻ em mắc phải với tỷ lệ tử vong khá cao từ 30 – 40%. Với các dấu hiệu nhận biết như sau: xuất huyết bằng các chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, ói ra máu, đi cầu phân đen do bị xuất huyết nội tạng hoặc đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng do xuất huyết nội tạng gây mất máu làm giảm huyết áp… nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết chúng ta cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để khám, điều trị. Nếu bị nhẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách: nằm nghỉ ngơi, cho uống nhiều nước, có thể cho uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt. Cho ăn nhẹ: cháo, súp, sữa, dùng thuốc hạ sốt, chườm mát và đặc biệt là theo dõi liên tục, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng hơn như li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều thì đưa ngay đến các cơ sở y tế.
Bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm và có nhiều biến chứng nhưng cách duy nhất để hạn chế vẫn là phòng tránh. Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy bằng cách: thả cá hoặc mê zô vào tất cả các vật chứa nước trong nhà (bể, giếng, chum, vại, lu, khạp…) để diệt bọ gậy, thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến, bỏ muối vào bát kê chân chạn …và đặc biệt khi xảy ra dịch cần tăng cường các biện pháp chống dịch, làm giảm nhanh mật độ muỗi trong cộng đồng bằng cách phun hóa chất diệt muỗi vào không gian.
Cẩm Lai