Giải pháp điều khiển tối ưu thông số nhà nuôi chim yến từ xa

Với mong muốn là làm thế nào đề giúp người nuôi chim yến có thể giám sát và điều khiển tối ưu hóa các thông số kỹ thuật nhà nuôi một cách chủ động từ xa, nhóm tác giả Huỳnh Thị Thảo Nhi và Hồ Viết Đức Long trường THPT Chuyên Quốc Học Huế đã nghiên cứu thực hiện thành công giải pháp “Điều khiển thông số nhà yến bằng điện thoại”. Kết quả nghiên cứu bước đầu được ứng dụng mang lại hiệu quả tại một số điểm nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đề tài này đã được trao giải Nhì tại cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ X, năm 2017.

 

Qua nhóm tác giả chia sẻ được biết: Để nâng cao hiệu suất kinh tế trong việc nuôi yến trong nhà thì con người phải thường xuyên kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm, âm thanh… và đặc biệt phải luôn tìm cách tối ưu hoá cơ sở vật chất hệ thống nhà nuôi cho phù hợp với đặc điểm sinh học của yến – loài chim có tiềm năng kinh tế cao. Từ thực trạng tại địa phương và tiềm năng mà công việc nuôi yến có được, chúng em đã kết hợp những kiến thức đã học ở trường về các bộ môn vật lý, tin học, sinh học.. cùng những kiến thức tự tìm hiểu được, nhóm chúng em đã quyết định thực hiện đề tài này và đã đạt được kết quả bước đầu. Đề tài đã khắc phục được các nhược điểm của phương pháp đóng mở cửa bằng tay, đóng mở cửa bằng thiết bị hẹn giờ và biện pháp điều khiển thông số độ ẩm, nhiệt độ bằng cảm biến hiện tại đang được phố biến dùng.

Nguyên lý hoạt động: Giải pháp hệ thống “Điều khiển thông số nhà yến bằng điện thoại” đây là hệ thống điều khiển từ xa sử dụng tín hiệu DTMF thông qua điện thoại di động. Hệ thống DTMF sử dụng 8 tín hiệu tần số khác nhau truyền theo cặp để biểu diễn 16 số, ký hiệu và chữ cái khác nhau. Nhưng với hệ thống này, chúng ta chỉ sử dụng 12 ký tự. Máy phát tín hiệu DTMF đồng thời gửi một tần số từ nhóm cao và một tần số từ nhóm thấp. Cặp tín hiệu này đại diện cho chữ số hoặc ký hiệu thể hiện ở giao điểm của hàng và cột trong bảng. Hệ thống này giúp cho tổng đài biết được người dùng gọi cho số nào.

Vận hành hệ thống: Đầu tiên, chủ nhà sẽ quan sát các thông số: nhiệt độ, độ ẩm,…trên bảng hiện thị tại phòng điều khiển; muốn thay đôi thông số chủ nhà sẽ gọi tới số của điện thoại nằm cố định trong hộp điều khiển. Điện thoại trong hộp điều khiển phải để chế độ trả lời tự động và điện thoại cầm tay phải để loa bàn phím; sau đó, chủ nhà sẽ bấm phím trên điện thoại theo quy ước đã cài đặt trong lúc lập trình hộp điều khiển để thay đổi thông số cũng như đóng mở cửa như mong muốn; mọi hoạt động của cửa cũng như các thiết bị trong nhà yến đều được quan sát và ghi lại thông qua camera và cảm biến.

Em Huỳnh Thị Thảo Nhi cho biết thêm: Với giải pháp này cùng với sóng điện thoại di động được bao phủ hầu hết mọi nơi trên thế giới, chủ nhà nuôi yến có thể điều khiển các thiết bị ở bất kì đâu. Dễ sử dụng, không cần có ứng dụng riêng biệt, giao diện chính là bàn phím quay số trên mọi loại điện thoại. Sử dụng hệ thống truyền động chân Folk. Sử dụng hệ thống do con người điều khiển trực tiếp, giúp khắc phục các nhược điểm về thời tiết khắc nghiệt tại miền Trung nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, từ đó giúp cải thiện hiệu quả kinh tế của nghề nuôi yến. Hệ thống phù hợp với mọi quy mô nhà yến gia đình, công ty; dễ lắp đặt, sửa chữa và sử dụng; kiểm soát toàn diện đàn yến; tiết kiệm chi phí di chuyển từ nơi khác đến nhà yến; nâng cao hiệu suất, chất lượng sản phẩm của các mô hình nuôi yến hiện tại. Đề tài đã áp dụng thành công vào các nhà yến ở Thủy Thanh, Hương Thủy, xã Phú Mỹ, Phú Vang.

Hồ Thành

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email