Thở khí công dưỡng sinh

Con người đều phải trải qua quá trình tự nhiên: sinh ra, lớn lên, trưởng thành, tráng kiện, lão hóa và chết. Trong quá trình sống, đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt với bệnh tật, thì phải phát huy và lợi dụng cơ nang của thân thể để chiến thắng mọi trở ngại của thiên nhiên, để thích nghi với sự biến đổi khôn lường của thiên nhiên, dần dần tìm hiểu được tầm quan trọng của việc chống lại sự tấn công của bệnh tật bằng tự bảo vệ, nâng cao khả năng tự rèn luyện để bảo vệ và đề phòng bệnh và chữa bệnh; có thể giúp cho con người kéo dài tuổi thọ, làm cho quá trình suy thoái già lão đến chậm, tăng cường sức đề kháng và bồi bổ sức lực.

 

Khí công là một từ lần đầu tiên thấy ở trong “Tôn giáo tịnh minh lục” bằng câu: “Khí công xiển vi”. Trong Văn Hiến trước thời Tấn, Đạo gia gọi là “Thổ nạp”, “Luyện đan”; Nho gia gọi là “Tu thân”, “Chính tâm”; Đạo Phật gọi là: “Tham thiền”, “Chỉ quan”: Y gia gọi là: “Đạo dẫn”, “Nhiếp sinh”.

Đời Hán, Vương Song trong Luận Hoành – Tư luận thiên đã chỉ rõ: “Dưỡng sinh tư ninh, thích thời tắc tiết, bế minh tắc thương, ái tình tư bảo, thích phụ dược vật dẫn đạo, thứ di tính mệnh khả diên, kỳ tất bất lão”. Nghĩa là: “Biết dưỡng sinh thì khỏe mạnh, biết thích nghi với thời tiết thì cơ thể dược điều hòa, sinh dục điều độ là biết bảo vệ tinh khí, lấy thuốc để dẫn đạo, để bổ sung khi cần thiết, nhất định sẽ kéo dài tuổi thọ, tất nhiên sẽ không già.”

Sinh mệnh con người có liên hệ rất chặt chẽ với vận động. Theo Trang Tử: “Người biết học đạo dẫn, biết dưỡng hình là những mặt rất tốt để Bành Tổ sống lâu, thở ra hít vào, thải cái cũ đi nhận cái mới vào, có sức khỏe như gấu, dẻo dai như chim, tức là sống được lâu”. Còn Tuân Tử trong Thiên luận biện thì: “Luôn vận động thì quanh năm không ốm còn ít vận động thì

quanh năm khó mà trọn vẹn”.

Thời kỳ Đông hán, Hoa Đà nhà y học nổi tiếng đã sáng tạo ra “Ngũ cầm hí” bắt chước các động tác của hổ, hươu, gấu, hầu, hạc để vận động như là bài võ dưỡng sinh cổ truyền đầu tiên. Sau này các nhà dưỡng sinh căn cứ trên cơ sở này, biến tạo nhiều phương pháp dưỡng sinh để phục vụ cho sức khỏe của con người.

Dưỡng sinh lấy nguyên lý âm dương, ngũ hành làm căn bản. Lấy mấu chốt là động tĩnh kết hợp, hình và ý theo nhau và thống nhất ba mặt: giữ ý (điều tâm), điều hòa hơi thở (điều tức), và vận động cơ thể (điều thân). Nghĩa là võ dưỡng sinh là sự phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động ý thức, kiểm soát hơi thở và vận động cơ thể.

Từ những nội dung cơ bản chỉ đạo trên, trong dưỡng sinh công có ba cột trụ cơ bản là: điều tâm, điều tức và điều thân.

– Điều tâm chủ yếu là tập trung tư tưởng, là hoạt động cao độ của trí não, trong đó có ức chế là dùng để xóa bỏ tạp niệm và vọng niêm.

– Điều tức là phương pháp kiểm soát hơi thở, dùng hô hấp để khí qua mũi cùng với không khí đi vào cơ thể để tạo ra năng lượng sinh học cho cơ thể hấp thụ.

– Điều thân là điều hòa tư thế,

động tác cho phù hợp với phương pháp tập luyện và thể trạng.

Ba cột trụ trên có sự liên hệ mật thiết và hổ tương lẫn nhau: điều tức để điều tâm, điều thân giúp cơ thể thư giãn giúp cho điều tức dễ dàng phát tác hiệu lực của mình. Từ đó, yêu cầu cơ bản của phép tập thở dưỡng sinh là:

– Thư giãn cơ thể, không vọng động.

– Tập trung tư tưởng để ngoại cảnh không chi phối tâm trí, hướng vào nội tâm, không vọng ý, loại bỏ tạp niệm.

– Thở êm nhẹ thoải mái, xử dụng cơ hoành.

Các yêu cầu trên có mối liên hệ tương hổ: có tập trung tư tưởng mới kiểm soát được hơi thở, có thư giãn, yên lặng mới thở được êm dịu, có yên lặng mới tập trung được tư tưởng, có thở êm, xử dụng cơ hoành mới có thư giãn thật sự.

Não người thường phát ra 5 loại sóng:

* Bêta có bước sóng từ 12 đến 25 Hz bức xạ trong trạng thái bình thường.

* Alpha có bước sóng từ 8 đến 12Hz bức xạ trong khi nhắm mắt hoăc ngủ.

* Têta có bước sóng từ 4 đến 8Hz và Đenta có bước sóng từ 1 đến 4 Hz bức xạ trong trường hợp vô thức.

* Gamma có bước sóng nhỏ hơn 1Hz bức xạ trong trường hợp vô thức hoàn toàn.

Trong trạng thái não bức xạ ở tần số càng thấp thì cơ thể càng thu nhận được nhiều năng lượng bên ngoài hơn.

Thở là dùng ý thức thay đổi tần số, biên độ và các giai đoạn của hơi thở theo nhu cầu của cơ thể

Sự thở vừa có tính tự động vừa có thể theo ý muốn. Tự động vì thở là một phản xạ mà trung tâm thở vào và thở ra nằm ở hành tủy, sát bên trung tâm chỉ huy tim. Theo ý muốn vì bằng ý chí có thể thở dài hay ngắn, thở nhanh hay chậm, thở nông hay sâu hoặc ngừng thở.

Thở gồm ba sự kiện: một là thông khí phổi để trao đổi không khí giữa phế nang và khí trời. Hai là có sự khuyếch tán CO2 và O2 giữa phế nang và máu. Ba là chuyển vận CO2 và O2 từ máu đến tế bào để có sự trao đổi qua lại.

Hiện nay có nhiều cách thở dưỡng sinh tùy theo từng trường phái, theo từng yêu cầu như: Chỉ công là luyện phát khí qua đầu ngón tay để đánh địch trong trường phái khí công võ thuật như: Nhất dương chỉ, Đàn chỉ thần công, Điểm thạch công,… Như điều tức trong Yoga nhấn mạnh đến việc kéo dài sự ngừng thở và qua đó để tập thở bằng da và các du già có thể chôn sống một thời gian nào đó,….

Trong thở dưỡng sinh có nhiều cách thở, ngoài những cá biệt trong từng cách thở của từng môn phái có một cách thở chung nhất và thông dụng nhất là thở phình bụng hay thở âm dương, thở hai giai đoạn, thở hai thì, sổ tức, thở tụ khí đan điền….

Phương pháp thở phình bụng như sau:

1) Giai đoạn thở vào: Lim dim mắt, thư giãn, hít vào từ từ, êm nhẹ phình bụng dưới ra, dùng ý tưởng tượng dòng năng lượng bên ngoài được hút vào cơ thể chúng ta theo số đếm đã quy định tùy theo sức của mình khi đủ số thì thóp hậu môn lại. Thóp hậu môn là để tưởng tượng khí đã xuống hết bụng dưới (hay tụ khí đan điền) ngoài ra để tránh thoát khí ra ngoài và vận động được cơ ở hậu môn để nâng cao sinh lực cho nhóm cơ này.

2) Giai đoạn thở ra: từ từ thở ra chậm nhẹ, cũng không dùng sức mà để hơi thở tự động thoát ra, dùng ý thức kìm hãm lại không cho thở mau, chú ý lắng nghe hơi thở.

Đến đây là chấm dứt một nhịp thở. Ban đầu nên đếm số từ ít tới nhiều ví dụ : Hít vào đếm 12345, thóp hậu môn, thở ra đếm 12345. Sau đó tùy theo sức thở của mình mà tăng số đếm lên. Thưc hiện nhiều nhịp thở tùy theo nhu cầu, nhưng càng nhiều càng tốt.

Thở dưỡng sinh đối với cơ thể có các tác dụng sau

Theo đông y sự thở có hai chức năng:

Một là, khí của phổi kiểm soát toàn bộ khí của các cơ quan khác. Lúc thở vào, phổi đưa khí xuống thận. Lúc thở ra, phổi khuyếch tán khí ra ngoài thành vệ khí. Hai là, phổi làm chức năng thanh khiết khí trước khi đưa xuống thận và ra ngoài da. Thở dưỡng sinh nhờ thở đều, thở sâu, có nhịp độ nên tăng cường được hai chức năng trên.

Khi thở dưỡng sinh, cơ hoành di động mạnh so với thở tự nhiên làm tăng thông khí phổi và làm tăng áp lực cũng như nồng độ CO2 trong phế nang và huyết mạch. Nồng độ CO2 tăng ở mức độ vừa phải sẽ gây hưng phấn cho trung tâm hô hấp.

Thở dưỡng sinh có kiểm soát là gián tiếp kiểm soát hệ thần kinh thực vật vì thở vào làm hưng phấn giao cảm và ức chế đối giao cảm, còn thở ra thì ngược lại. Từ đó có thể điều chỉnh sự mất quân bình giữa hai hệ và những rối loạn chức năng của nội tạng.

Trong thở dưỡng sinh khi thở bụng có xử dụng cơ hoành sẽ có tác động làm giảm tần suất lượng tim và nhịp tim trong giai đoạn thở vào, đồng thời làm giãn mạch ngoại biên nên có tác dụng tốt trong hạ huyết áp.

Như vậy, thở dưỡng sinh có tác dụng tốt đến sức khỏe.

Phương pháp thở âm dương hay thở phình bụng rất đơn giản lại dễ tập, tập ở đâu cũng được, đang đi, đứng, nằm, ngồi, đang làm việc bỏ ra vài phút thư giãn thở hít năm mười cái có thể đem lại sảng khoái cho chúng ta để tiếp tục được công việc một cách hưng phấn hơn.

PGS.TS.BS Nguyễn Hải Thủy, Giảng viên Khoa Nội tiết trường ĐH Y Khoa Huế trong lời giới thiệu cho cuốn “Võ Đang khí công cao cấp, Chu sa chưởng công phu, Kiện thân dưỡng sinh trường thọ” của BS Lê văn Vĩnh và TS.BS Lê Hành biên soạn xuất bản năm 2006 đã viết: “…Bản thân tôi cũng đã áp dụng, thường xuyên tập luyện bài “ Cường cân kiện tủy” vào buối sáng với thời lượng tuy ngắn nhưng đạt hiệu quả cao trong cải thiện trí lực và thể lực…

Bài viết xin được kết thúc với lời thiệu bài võ dưỡng sinh trong “Ngọa hổ dưỡng sinh công” của Võ Ta Bạch Hổ Phái:

Chánh niệm thảnh thơi

Chuyển hóa nỗi lo

Khí huyết lưu hành

Nội lực tự sinh

Thân tâm an lạc.”

CN. Đoàn Phú

 

Kiểm tra lại