Thâm canh tăng năng suất và chất lượng đặc sản Bưởi Thanh Trà Huế

Ở Thừa Thiên Huế có nhiều giống Bưởi đang được trồng như giống Bưởi Bành, Bưởi Thúng, Bưởi nuốm, Bưởi Tàu… và Bưởi Thanh trà. Trong đó cây Bưởi Thanh Trà là cây đặc sản được trồng trên đất phù sa bồi hàng năm ven các dòng sông như sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Truồi…có những vùng nổi tiếng trồng Thanh trà như phường Thuỷ Biều, thành phố Huế, xã Lộc Hoà huyện Phú Lộc, phường Hương Vân, Hương Trà,… Quả Thanh trà thơm ngon có vị đặc trưng riêng biệt và có giá trị dinh dưỡng cao. Ngoài chất lượng ra, do thu hoạch trái vụ so với các loại Bưởi miền Nam nên Thanh trà còn có sức cạnh tranh cao, thị trường lớn. hàng năm Thanh trà cho thu nhập đáng kể đối với người làm vườn, nếu được mùa được giá thu nhập trên 1,5 -2,0 triệu đồng/cây. Năng suất và chất lượng Bưởi Thanh trà được quyết định bởi trình độ thâm canh của nhà vườn nhưng không phải nhà vườn nào cũng hiểu hết về kỹ thuât thâm canh loại cây này.

 

I. NHU CẦU SINH THÁI:

1. Khí hậu:

– Nhiệt độ: Thanh trà có thể trồng và phát triển được trong khoảng nhiệt độ từ 130C – 380C, thích hợp nhất là từ 230C- 290C.

– Ánh sáng: Thanh trà cần ánh sáng cao, vùng trồng Thanh trà phải thoáng, đầy đủ ánh sáng.

– Lượng mưa: Chịu được mưa lụt, nhưng trong điều kiện ngập úng kéo dài (5-7 ngày) rể cây bị thối, lá vàng úa và cây chết.

2. Đất đai:

Cây Thanh trà trồng được trên nhiều loại đất, nhưng để có năng suất cao và chất lượng tốt nhất nên trồng ở những vùng đất phù sa bồi hàng năm, thành phần cơ giới thịt nhẹ, thoát nước, thoáng khí, tầng canh tác dày >1m và độ pH thích hợp 6-6,5.

II. KỸ THUẬT CANH TÁC:

1. Giống: Giống đúng phẩm chất giống và đảm bảo chất lượng là yếu tố nền tảng quan trọng trong sản xuất Bưởi Thanh trà. Sử dụng giống Thanh Trà ghép do các đơn vị có chức năng sản xuất giống cung ứng, cây đầu dòng được bình tuyển và cấp chứng chỉ của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, cây giống đảm bảo chủng loại, yêu cầu chất lượng trước khi đem trồng.

2. Trồng và chăm sóc:

a) Thời vụ: Trồng từ 20 tháng 11 đến 5 tháng 2 năm sau, trong điều kiện thời tiết khí hậu ở Thừa Thiên Huế tốt nhất trồng sau tiết Đông chí đến Lập Xuân.

b) Khoảng cách và mật độ: Tuỳ điều kiện canh tác để bố trí mật độ thích hợp thường trồng với mật độ 240 cây/Ha (6m x 7m), nếu thâm canh tạo hình tạo tán tốt có thể trồng dày hơn với mật độ 500 cây/Ha (5m x 4m).

c) Chuẩn bị đất trồng:

Đào hố trước khi trồng khoảng 1 tháng, kích thước hố đào 60cm x 60cm x 60cm, bón vôi sử lý hố 1kg/ hố, sau đó bón lót 20-30kg phân chuồng + 1kg lân nung chảy/ hố, trộn đều phân lấp hố.

Chú ý:

Khi đào hố nên để đất mặt một bên, đất đáy một bên, khi lấp hố cho lớp đất mặt xuống dưới.

Đất cao đào hố ngang mặt đất và đắp vồng để dễ tưới trong mùa nắng, mùa mưa phá vồng để cây khỏi bị úng nước.

Kích thước liếp rộng 5 – 8 m, chiều dài tuỳ theo kích thước vườn nhưng không nên dài quá 30m.

Quanh vườn nên đào mương thoát nước tránh vườn cây khỏi bị ngập úng, ngăn cản những rễ cây bên ngoài rào ăn vào trong vườn

Đặt cống để điều tiết nước, hàng năm cần sửa sang liếp bằng cách bồi một lớp mỏng bùn và mở rộng mép liếp khi có thể.

d) Trồng cây:

Nên trồng đúng mùa vụ, khi xuống giống nên tỉa bớt lá. Cây giống khi trồng nên đặt thẳng đối với cây tháp hoặc cây chiết có nhánh phân bố đều. Đặt nghiêng đối với cây chiết ít nhánh, giúp các đọt bên mọc lên để tạo tán.

Đào hố nhỏ giữa hố đã chuẩn bị sẳn, đặt cẩn thận bầu cây vào giừa hố mặt đất trong bầu ngang bằng mặt đất tự nhiên,, xé bỏ bao bầu, lấp chặt đất, tưới nước sau khi trồng, dùng rơm rạ, bổi rác tủ quanh gốc chú ý phải cách gốc tối thiểu 15-20cm, tuỳ điều kiện địa hình nếu vùng hạn nên tạo bồn xung quanh để dể tưới, nếu vùng úng nên vun đất xung quanh gốc cây 5-10cm tạo thành mô rùa để thoát nước. Cắm cọc buộc phần thân cây vào cọc, nếu có thể cắm nhiều cọc xung quanh để bảo vệ.

e) Tưới tiêu, làm cỏ:

Khi cây còn nhỏ cần cung cấp đủ nước thường xuyên trong mùa khô. Cây trưởng thành chịu hạn khá nhưng phải cung cấp đủ nước trong giai đoạn phát triển chồi, hoa, trái. Cần đặc biệt tiêu nước trong mùa mưa cho cây. Làm cỏ xung quanh tán cây, nhổ sạch cỏ gốc. Làm cỏ kết hợp với bón phân.

f) Bón phân:

Tuỳ giai đoạn, tình hình sinh trưởng của cây để bón phân

Liều lượng phân bón cho 1 gốc thanh trà như sau:

Năm Số lượng phân
1-3 năm trước khi cho trái – 0,2 – 0,4 kg Urê + 1- 1,5 kg lân nung chảy + 0,1- 0,3 kg kali + 20-30 kg phân chuồng hoai mục

-Phân chuồng, phân lân dùng bón lót trong năm mới trồng, những năm sau nên bón trước mùa mưa

-Năm đầu tiên phân đạm và Kali nên hoà vào nước để tưới, những năm sau bón theo tán cây, nếu cây còn nhỏ phải bón cách gốc ít nhất 1m

Trên 3 năm sau khi cho trái – 0,5 – 2kg Urê + 1,5 – 2,5 kg Lân nung chảy + 0,4 – 0,8 kg kali + 50 – 100kg phân chuồng

– Số lần bón được chia ra như sau:

+Lần 1: trước khi cây ra hoa 1 tháng (khoảng tháng 1 DL): bón 1/3 lượng đạm

+Lần 2: Sau khi đậu trái 6-8 tuần: 1/3 đạm + 1/2 kali

+Lần 3: trước thu hoạch 1,5 tháng: 1/2 kali còn lại

+Lần 4: Sau khi thu hoạch trái bón toàn bộ phân lân, phân chuồng và lượng đạm còn lại.

 

Nếu dùng phân hổn hợp NPK bón với lượng như sau:

– Cây 1 – 3 năm tuổi, bón 1 – 3kg NPK (16 – 16 – 8), 0,5 – 1kg super lân.

– Cây 4 – 6 năm tuổi, bón 4 – 7kg NPK (16 – 16 – 8), 0,5 – 1kg super lân.

– Cây 7 – 9 năm tuổi, bón 8 – 15kg NPK (16 – 16 – 8), 0,5 – 1kg super lân.

Cách bón phân như sau:

– Cây từ 1 – 3 tuổi nên pha vào nước, tưới định kỳ 1 – 2 lần/tháng.

– Cây từ năm thứ 3 trở đi, bón 4 lần/năm, bón theo tán cây với lượng phân bón cho mỗi gốc: Lần 1: Sau khi thu hoạch, bón 10kg phân chuồng kèm 1/3 lượng phân NPK. Lần 2: Trước khi ra hoa 1 tháng, bón 1/3 lượng phân NPK. Lần 3: Sau khi đậu trái 1 tháng, bón 1/3 lượng phân NPK. Lần 4: Trước khi thu hoạch 1 – 2 tháng, bón 1 – 2kg Kali.

g) Tỉa cành, tạo hình, tạo tán:

– Cây con sau trồng cần được tạo hình làm cho bộ khung cành vững chắc cân đối, tán lớn.Việc tạo hình phải tiến hành liên tục để hoàn thành 2-3 năm đầu bằng cách: Cây cao từ 80-90cm tiến hành bấm ngọn, để 2-3 cành cấp I bố trí đều trong không gian. Cành cấp I tạo với thân chính 1 góc 450 cành cấp I dài 50 – 60cm tiến hành bấm ngọn cành cấp I, cứ như vậy thực hiện trên cành cấp II và cấp III, cành cấp III không hạn chế về số lượng và chiều dài, nhưng chú ý tỉa bớt những cành quá dày.

– Cắt tỉa những cành sát mặt đất, cành mọc thẳng trong tán, cành sâu bệnh.

Làm sạch cỏ, thăm vườn thường xuyên, tỉa bỏ các cành vượt, cành sâu bệnh. Tưới dặm nếu nắng gắt, thoát nước khi bị úng. Tỉa bớt hoa quả vào năm chúng ra quá nhiều, làm cho kiệt sức. Thu hoạch tập trung và tăng cường phân bón vào những năm được mùa.

h) Phòng trừ sâu bệnh phổ biến:

– Bệnh thối gốc, chảy mủ: Gây chảy mủ trên gốc, thân, cành phần lớn do nấm Phythopthora spp. Đừng để úng nước, phun Aliette 2,5%, Ridomil 2%.

– Bệnh loét: Triệu chứng gây hại là có vết lõm sâu, lan nhanh do sâu vẽ bùa. Phòng trừ bằng cách vệ sinh vườn, trừ sâu vẽ bùa, khi hoa đậu trái phun thanh phần vôi 1%, làm 3 lần, cách nhau 10 – 15 ngày.

– Sâu vẽ bùa (Phylloenis citrella): Sâu non đục vào lá gây nên những đường ngoằn ngoèo, thường đi chung với bệnh loét gây nên. Phòng trừ bằng cách phun thuốc sớm ngay từ giai đoạn lá còn non bằng các loại thuốc như Padan, Fenbis..

– Bọ xít xanh hại quả (phynchocoris humeralis): Bọ xít chích hút nước quả, làm quả chai sần và rụng. Nên phòng trừ, cấy các ổ kiến vàng vào thân cây, sử dụng Trebon và Applau – Mip.

– Sâu đục thân cành: Sâu đục rỗng thân cành gây chảy mủ, cành chết. Sâu đùn mạt cưa ra ngoài miệng hang. Phòng trừ bằng cách cắt bỏ các cành bị hại nặng trước lúc sâu lột xác thành con trưởng thành, chích thuốc trừ sâu (Pyrinex) vào lỗ đục (có thể rải ít basudin), dùng ruột phanh xe đạp, thép, tay mây luồn vào để bắt ấu trùng.

– Nhện đỏ, vàng, trắng: Gây hại ở mặt dưới của lá và vỏ trái non làm cho vỏ bị sần sùi như cám (đam). Phun phòng bằng các loại thuốc Daniton, Polytrin…

III. Thu hoạch và bảo quản:

Sau khi trồng 3 – 4 năm cây bắt đầu cho thu hoạch, khi vỏ quả chuyển từ xanh đến xanh vàng, vỏ trái láng bóng thì thu hoạch , nên hái vào những ngày khô ráo, không được làm xây xát quả ./.

Thành Chung

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email