Sau hàng nghìn thất bại mới có thành công

PGS. TS Lê Thị Luân, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm y tế đã nói như vậy về kết quả của việc bà và các công sự sau 16 năm nghiên cứu mới sản xuất thành công vắc xin Rotavin-M1 phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em.

 

Sau 16 năm nghiên cứu, đến tháng 8/2012, lần đầu tiên vắc xin Rotavin-M1 phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ, sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam, đã được đưa ra thị trường, đánh dấu thành công của PGS-TS Lê Thị Luân cùng cộng sự. Đây cũng là thành tựu to lớn của ngành Y học dự phòng nói riêng và ngành Y tế cả nước nói chung.

Với thành công này, PGS. TS Lê Thị Luân đã vinh dự trở thành một trong hai nhà khoa học nữ của Việt Nam được trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013.

Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Thị Luân về nhà nữ khoa học này.

Thưa PGS, bà có cảm nhận như thế nào khi đoạt giải thưởng Kovalevskaia 2013 – giải thưởng có ý nghĩa quốc tế tôn vinh các tập thể, cá nhân nhà khoa học nữ có công trình nghiên cứu khoa học có giá trị kinh tế – xã hội, được ứng dụng cao trong thực tiễn?

PGS Lê Thị Luân: Đây là giải thưởng lớn nhất trong sự nghiệp của tôi. Tôi đã rất xúc động và bất ngờ khi nhận được giải thưởng cao quý này. Vì từ khi bắt tay gắn bó với đề tài nghiên cứu vắc xin (năm 1999), mong muốn lớn nhất của tôi là tạo được vắc xin phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ, vì thời điểm đó, số trẻ trên cả nước nhập viện do virus Rota gây tiêu chảy rất đông, đặc biệt là vào mùa đông.

Khi biết tin được nhận Giải thưởng, bạn bè và đồng nghiệp đều chia sẻ niềm vui với tôi. Giải thưởng đã ghi nhận thành quả lao động và học tập, nghiên cứu vắc xin suốt mấy chục năm của tôi và những cộng sự, đồng thời là động lực, thúc đẩy nhiều người đi theo con đường nghiên cứu khoa học.

Để có thành công như hiện nay, PGS cùng các cộng sự đã trải qua 16 năm nghiên cứu đề tài. Trong hành trình đó, PGS và cộng sự đã gặp những khó khăn gì?

PGS Lê Thị Luân: Là một nhà khoa học, ai cũng xác định sẽ trải qua nhiều thất bại nhưng phải kiên trì để đi đến thành công.

Khó khăn cơ bản nhất trong đề tài này là phải tạo được hệ thống chủng giống. Giai đoạn này chúng tôi phải mất 4 năm mới thiết lập được, vì đặc tính của virus Rotavin rất khó mọc trên tế bào, nhất là tế bào hiện nay để sử dụng cho vắc xin theo khuyến cáo của WHO.

Trong 2 năm đầu tiên, tôi đã đưa hàng nghìn chủng virus nhân lên tế bào đó nhưng đều không thành công. Mặc dù đã xác định nghiên cứu vắc xin là đề tài rất khó, có khi thành công đến 99% nhưng cuối cùng vẫn là… con số 0, tôi vẫn thấy rất nản.

Tuy nhiên, sau những thất bại đó, tôi đã nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn, tài chính cũng như nguyên liệu của các chuyên gia quốc tế và chúng tôi đã thiết lập được hệ thống chủng giống Rota, nguyên liệu quan trọng nhất cho sản xuất vắc xin Rota tại Việt Nam, sau 4 năm nghiên cứu.

 

Từ thời điểm đề tài được nghiệm thu (năm 2005), PGS đánh giá thế nào về hiệu quả của đề tài với thực tiễn?

PGS Lê Thị Luân: Công trình nghiên cứu này đã được Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ ủng hộ. Những thuyết minh chúng tôi đưa ra cũng đều được Hội đồng đánh giá có tính ứng dụng cao, cập nhật nhiều cái mới. Từ sản phẩm đầu tiên đến cuối cùng đều được Hội đồng phê chuẩn liên tục, kịp tiến độ.

Các chuyên gia đánh giá, đề tài đã xây dựng thành công quy trình công nghệ sản xuất, kiểm định vắc xin Rotavin trên tế bào Vero trong phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn của WHO. Kết quả công trình là bước ngoặt trong ngành vắc xin, lần đầu tiên tại nước ta đã sản xuất thành công vắc xin Rotavin sử dụng hệ thống chủng giống thiết lập trên chủng nội địa với công nghệ quốc tế.

Từ tháng 8/2012, vắc xin này đã được đưa vào sử dụng để phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Đến nay, đã gần 100.000 trẻ trên 60 tỉnh thành được uống vắc xin này và chưa xảy ra sự cố nào. Tổ chức WHO cũng khuyến cáo đưa vắc xin này vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Thưa PGS, sau đề tài này, bà sẽ tiếp tục công trình nghiên cứu nào về vắc xin không?

PGS Lê Thị Luân: Hiện tại chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu vắc xin bại liệt. Đến nay, vắc xin bại liệt đã được thử qua giai đoạn tiền lâm sàng, chuẩn bị lâm sàng thành công sẽ ứng dụng trên người. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang nghiên cứu vắc xin tay – chân -miệng. Tất cả những nghiên cứu này, tôi đều là người phải thiết lập được kế hoạch và quy trình chuẩn của mỗi công trình nghiên cứu, nhằm hướng dẫn đồng nghiệp thực hiện, vì mỗi loại vắc xin sẽ có những đặc tính khác nhau.

Cho đến nay, rất nhiều đồng nghiệp và sinh viên đã tham gia vào những đề tài nghiên cứu trên cùng tôi.

Xin trân trọng cảm ơn PGS!

Công trình nghiên cứu tạo chủng virus Rotavin của PGS.TS Lê Thị Luân (sinh năm 1962) cùng các cộng sự đã giúp Việt Nam chủ động tạo nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vắc xin Rotavin mà không cần phải đợi chuyển giao công nghệ hay nhập ngoại. Vắc xin này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Thành công này cũng khẳng định Việt Nam là nước thứ 2 châu Á và là 1 trong 4 nước trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vắcxin Rota với công nghệ cập nhật quốc tế, đem lại hiệu quả xã hội và kinh tế rất cao.

Theo các chuyên gia y tế, công trình này sẽ giúp giảm gần 7.000 ca tử vong mỗi năm ở trẻ dưới 5 tuổi và giảm khoảng 140.000 lần trẻ phải nhập viện do virus gây tiêu chảy Rotavin.

Hiện nay, song hành cùng vắc xin ngừa tiêu chảy do viruts Rotavin của Việt Nam còn có vắc xin của Bỉ và Mỹ (được cấp phép năm 2005 và 2007). Tuy nhiên, giá thành của vắc xin do PGS Lê Thị Luân và cộng sự chế xuất chỉ bằng 1/3 giá thành thành của 2 vắc xin trên nhưng chất lượng tương đương nhau. Vắc xin Rota có giá thành rẻ hơn là do được sản xuất hoàn toàn trong nước và không phải nhập nguyên liệu đầu vào.

 

 

Thúy Hà – Chinhphu.vn

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email