Nơi ươm mầm hạnh phúc cho các cặp vợ chồng hiếm muộn

Hàng trăm cặp vợ chồng hiếm muộn không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà còn ở nhiều tỉnh, thành miền Trung đã có được niềm hạnh phúc lớn lao được làm cha làm mẹ nhờ sự nhiệt tình và tâm huyết của đội ngũ các y bác sĩ và nhân viên Trung tâm nội tiết sinh sản và vô sinh (TTNTSS&VS) – Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế.

“Lĩnh vực điều trị vô sinh mang tính nhân văn. Những cặp vợ chồng đang mong muốn có con phải chịu nhiều áp lực rất nặng nề. Việc điều trị vô sinh vừa là niềm vui vừa là trách nhiệm, phải nghĩ việc đem lại hạnh phúc cho bệnh nhân chính là mục đích công việc của mình”, TS.BS.Lê Minh Tâm, Phó Trưởng TTNTSS&VS – Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế nói.

Quá mừng, quá hạnh phúc!

Trong ngôi nhà nhỏ của vợ chồng chị Thuỳ D. (Đông Hà, Quảng Trị) luôn vang lên tiếng cười của cậu con trai 16 tháng tuổi. Đây là đứa con mà vợ chồng chị đã chờ đợi tới 6 năm trời. Lấy nhau 6 năm, chị D. và chồng đã 34 tuổi mà vẫn chưa có con. “Ba mẹ chồng cũng muộn con, ông bà lấy nhau 5 năm sau mới có con nên mình cũng ráng chờ đợi nhưng 6 năm mà vẫn chưa có con thì quá lâu”, – chị D. kể. “Vợ chồng mình đã đi chữa nhiều nơi ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội nhưng không có kết quả. Nghe một người quen giới thiệu TTNTSS&VS – Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, tháng 10.2011 vợ chồng mình đến khám, được gặp bác sĩ Tâm, thấy bác rất nhiệt tình, thường xuyên động viên nên mình cảm thấy tinh thần thoải mái, đỡ căng thẳng. Sau 3 tháng được chữa trị bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo thì mình có tin vui. Thiệt là quá mừng, quá hạnh phúc, ơn bác sĩ vợ chồng mình nhớ mãi!”, chị D. xúc động nói.

Một trường hợp khác tưởng chừng đã hết hy vọng nhưng với sự giúp đỡ của các bác sĩ TTNTSS&VS – Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, họ đã đạt được mong muốn có con của mình ở độ tuổi 40. Đó là trường hợp của vợ chồng chị Phạm Thị H. ở Đà Nẵng. Đứa con đầu 12 tuổi và thời gian mong có thêm đứa thứ hai đã 5 năm nhưng vẫn chưa có tin vui. “Nghe mọi người giới thiệu điều trị ở Huế vừa gần lại hiệu quả rất tốt nên mình quyết định ra Huế”, H. nói. Khó có thể tả niềm vui lại được làm mẹ sau nhiều năm chờ đợi và hy vọng. “Biết tin mình có thai, gia đình hai bên đều rất mừng, các anh chị em đồng nghiệp cũng mừng cho vợ chồng mình”, chị H. không giấu nổi niềm vui. TS.BS.Lê Minh Tâm cho biết: “Chị H. bị giảm dự trữ buồng trứng và đã bị cắt một bên buồng trứng do khối u. Sau một thời gian thăm dò và áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo không thành công, cuối năm 2013 chúng tôi đã chuyển sang điều trị bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và ngay chu kỳ điều trị đầu tiên chị đã có thai”.

Cũng bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, các bác sĩ của TTNTSS&VS – Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế đã giúp vợ chồng chị Hoàng Thị Minh U. (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) có được con đầu lòng sau 5 năm rưỡi chờ đợi. “Gần 6 năm lấy nhau mà chưa có con nên vợ chồng em rất sốt ruột”, chị U. nhớ lại. Tưởng đã hết hy vọng thì giấc mơ làm mẹ giờ của chị U. đã trở thành hiện thực sau một tháng điều trị bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. “Mừng dễ sợ luôn chị ơi! Khi biết tin có thai, em run ngồi không vững, vui không biết răng mà tả! Em thấy mình may mắn quá!”, chị U. cười thật tươi.

Niềm vui và những trăn trở…

“Giai đoạn đầu tiên thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, khi có kết quả bệnh nhân đã đậu thai cả phòng ôm nhau nhảy vì mừng, bệnh nhân mừng 1 thì bác sĩ mừng 10!”, ThS.BS Nguyễn Thị Diễm Thư, một trong 3 bác sĩ điều trị chính ở TT nói. “Đem lại niềm vui cho các cặp vợ chồng hiếm muộn chính là niềm hạnh phúc, niềm vui của các bác sĩ điều trị vô sinh.

Công việc này không vất vả nhưng áp lực về tình cảm: nếu điều trị thành công cho bệnh nhân, bác sĩ tất nhiên là rất vui rồi; ngược lại có trường hợp không thành công, bệnh nhân buồn nhưng bác sĩ có khi còn buồn hơn”, bác sĩ Thư tâm sự.

TS.BS. Lê Minh Tâm, Phó trưởng TTNTSS&VS – Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế cho biết, trung bình mỗi tháng trung tâm điều trị cho 50 cặp vợ chồng. Tỉ lệ thành công đối với thụ tinh nhân tạo (kích thích buồng trứng và bơm tinh trùng vào tử cung) ở trung tâm là 18%, còn đối với thụ tinh trong ống nghiệm là 39%. Vào cuối năm 2013, 7 trong tổng số 18 trường hợp trong đợt đầu tiên điều trị theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã thành công. Đây là một thành công lớn của một trung tâm mới hoạt động so với các trung tâm điều trị vô sinh trong nước và trên thế giới tỷ lệ thành công cũng chỉ dao động từ 30-40%. Đặc biệt trong những trường hợp thành công, không có trường hợp nào đa thai do trung tâm luôn giới hạn số phôi chuyển. Trong khi ở những trung tâm khác, để đạt được tỷ lệ có thai cao, tỷ lệ đa thai có thể đến 30%.

Để có được những thành công hôm nay, Ban lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y Dược Huế, đặc biệt là Giám đốc Bệnh viện – GS.TS.BS Cao Ngọc Thành cùng tập thể cán bộ của trung tâm đã mất nhiều năm chuẩn bị. Triển khai kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm khá phức tạp về mặt kỹ thuật và rất tốn kém nhưng quan trọng hơn cả là vấn đề con người.

“Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cần có sự phối hợp của những khoa và đơn vị liên quan như: chẩn đoán di truyền, xét nghiệm sinh hoá và nội tiết, khoa gây mê hồi sức, khoa nam học, khoa phụ sản, đơn vị sàng lọc trước sinh… Một thuận lợi cho hoạt động TTNTSS&VS – Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế là các khoa liên quan tại Bệnh viện Trường đã phát triển rất mạnh với đội ngũ nhân sự giỏi – TS.BS.Lê Minh Tâm cho hay. Tuy triển khai muộn hơn vài năm so với một số trung tâm khác trong nước, nhưng đây là thời điểm chín muồi tại Bệnh viện Trường khi toàn bộ nhân sự của trung tâm có thể tự chủ mọi việc từ đầu đến cuối, từ thiết kế cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, thiết lập và quản trị chất lượng lab và xây dựng các quy trình điều trị và vận hành trung tâm”. Một thuận lợi khác là trung tâm có mối quan hệ quốc tế rộng rãi với các nước Bắc Âu, Hoa Kỳ… nên thường xuyên có các chuyên gia đến đây để tham gia công tác điều trị, giúp trung tâm luôn cập nhật những vấn đề mới trong điều trị vô sinh.

Trò chuyện với các y bác sĩ ở TTNTSS&VS – Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, tôi nhận thấy bên cạnh sự nhiệt tình và tâm huyết rất lớn đối với bệnh nhân, các bác sĩ ở đây vẫn còn rất nhiều trăn trở. Theo TS.Tâm, điều trị vô sinh thường mất vài tháng, có khi thời gian tính bằng năm nên người bác sĩ phải cân nhắc suy nghĩ rất nhiều trong các quyết định. Chi phí thuốc men cao là trở ngại lớn của điều trị vô sinh. Một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tính chung phải tốn khoảng 40-50 triệu đồng với tỷ lệ thành công khoảng 40%. “Người ta mất nhiều thời gian theo dõi điều trị, chi phí một số tiền rất lớn và đặt nhiều niềm tin vào công việc của mình thì những trường hợp không thành công thật sự rất áy náy, khiến mình băn khoăn mãi. Ở Việt Nam, người bệnh vô sinh không được bảo hiểm chi trả, khó khăn về kinh tế cũng là một áp lực lớn cho bản thân họ và cũng cho cả bác sĩ”, TS. Tâm trăn trở.

Có những trường hợp đã đi điều trị ở nhiều nơi khác như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội bằng các kỹ thuật cao nhưng không thành công, nhưng sau khi đến trung tâm được khám chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đã thành công. Trường hợp của chị D. ở Quảng Trị là một ví dụ. “Quan điểm của chúng tôi là không lạm dụng kỹ thuật cao gây nên tốn kém không đáng có. Hơn nữa việc áp dụng kỹ thuật cao càng khiến bệnh nhân thêm căng thẳng hơn. Chúng tôi duy trì hoạt động trong mối quan hệ thân thiện giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Điều trị vô sinh nói riêng và hoạt động của cơ sở y tế nói chung, chất lượng điều trị tốt nhất không phải thể hiện ở số bệnh nhân đông đúc mà ở trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại, các y bác sĩ biết lắng nghe, cảm thông và kết quả thành công với chi phí hợp lý nhất”, GS.TS.BS Cao Ngọc Thành cho biết.

Dù có nhiều áp lực trong công việc nhưng bác sĩ chuyên khoa về vô sinh vẫn luôn phải nhẹ nhàng và hết sức tế nhị trong nhiều trường hợp. “Vấn đề vô sinh thật ra không hoàn toàn là một bệnh lý mà đôi khi chỉ là những rối loạn chức năng. Nếu các vấn đề tâm lý không thuận lợi thì việc điều trị sẽ gặp khó khăn. Những trường hợp hai vợ chồng không cùng hợp tác với nhau trong điều trị, bác sĩ phải tế nhị, tư vấn giải thích đầy đủ cho cả hai vợ chồng thống nhất. Nhiều cặp vợ chồng sau khi được chữa trị thành công đã có con và sống rất hạnh phúc. Với người phụ nữ bình thường trong giây phút trở thành người mẹ đã cảm thấy thiêng liêng thì với những người vô sinh, sau những năm tháng dài chờ đợi, thời điểm sinh con là lúc hạnh phúc vỡ òa và hầu hết không thể cầm được nước mắt. Những giọt nước mắt hạnh phúc chính là động lực cho công việc chúng tôi”, TS.BS. Lê Minh Tâm chia sẻ.

GS.TS.BS Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Giám đốc Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế – một trong những chuyên gia đầu ngành về vô sinh ở Việt Nam, cho biết: “Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục phát triển những kỹ thuật mới, hiện đại và rất hiệu quả để đem lại thành công đối với những cặp vợ chồng vô sinh. Đặc biệt là kỹ thuật chẩn đoán di truyền trước làm tổ (để phát hiện những phôi bất thường về di truyền) – một trong những kỹ thuật rất mới ở Việt Nam và xu hướng chung của thế giới nhằm nâng cao chất lượng phôi chuyển, tăng tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm.

Với các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại như kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm, tiêm tinh trùng vào bào tương trứng, trữ lạnh tinh trùng, trữ lạnh phôi, thụ tinh ống nghiệm với tinh trùng trích từ tinh hoàn, mào tinh, hỗ trợ phôi thoát màng, nuôi phôi đến giai đoạn phôi nang… TTNTSS&VS-Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế đã chữa trị thành công và giúp các cặp vợ chồng vô sinh đỡ tốn chi phí và mất nhiều thời gian đi lại để chữa trị tại những TT vô sinh lớn ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Đỗ Ngọc

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email