Hiện nay, có hơn 2.000 phản ánh được gửi đến Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế, trong số đó, có hơn 70% được xử lý, tạo được sự hài lòng trong nhân dân.
Tạo được sự hài lòng trong nhân dân
Theo tìm hiểu, phản ánh hiện trường là một trong 10 dịch vụ giám sát đô thị thông minh của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên Huế.
Người dân có thể phản ánh, kiến nghị về những bất cập trong đời sống xã hội (như trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường…) với chính quyền bằng smartphone qua ứng dụng di động Hue-S hoặc Cổng thông tin tương tác (https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn), kèm theo hình ảnh, video hiện trường.
Quá trình tiếp nhận, xử lý và kết quả được đăng tải để người dân có thể giám sát quá trình đến khi ra kết quả cuối cùng. Qua đó, người dân có thể giám sát, tương tác và đánh giá mức độ hài lòng đối với kết quả xử lý phản ánh của từng cơ quan.
Đến nay, đã có 88 cơ quan, tổ chức tham gia vào hệ thống. Hầu hết các cơ quan, đơn vị tham gia đều có sự quan tâm xử lý các phản ánh của người dân, trả kết quả đúng hạn và có chất lượng rất tốt được người dân đánh giá hài lòng.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, hiện nay, có hơn 2.000 phản ánh được gửi đến Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế. Trung bình mỗi ngày, có hàng chục phản ánh của người dân được gửi đến hệ thống.
Cũng theo ông Sơn, trong số đó, có hơn 70% được xử lý, tạo được sự hài lòng trong nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 30% phản ánh chờ xử lý vì lực lượng cơ sở còn mỏng, cùng ý thức của một bộ phận người dân còn chưa cao, do khi lực lượng chức năng xử lý xong, họ lại vi phạm.
Để giảm bớt tình trạng quá hạn xử lý các phản ánh, Trung tâm này đã tiến hành đốc thúc bằng các hình thức như tin nhắn SMS, gọi điện trực tiếp cho cán bộ và lãnh đạo đơn vị xử lý để đôn đốc quá trình xử lý. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa được như mong đợi.
Đối với những phản ánh đã có kết quả xử lý nhưng chưa dứt điểm, công dân/tổ chức gửi phản ánh có sự giám sát và phản hồi thông qua hệ thống tương tác bằng hình thức bình luận, trao đổi trên Cổng thông tin tương tác, Trung tâm đã tiến hành liên hệ và yêu cầu đơn vị xử lý vào theo dõi để tương tác với công dân/tổ chức, tăng mức độ hài lòng của người dân đối với hệ thống.
Trước đó, từ tháng 8/2018, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (nay là Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế) đã thí điểm triển khai giải pháp “phản ánh hiện trường”.
Việc triển khai thành công giải pháp “phản ánh hiện trường” là cơ sở để triển khai có hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh khác. Qua đó, đảm bảo hoàn thành mục tiêu Đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2025”.
Thực hiện nghiêm việc xử lý kiến nghị của người dân
Vào ngày 14/8, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh có công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm việc xử lý kiến nghị trên kênh tương tác phản ánh hiện trường thuộc Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh.
Ông Thọ cũng yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Thông tin & Truyền thông thống kê cụ thể vụ việc phản ánh, rà soát để điều chỉnh quy định xử lý phản ánh; cơ chế vận hành của Trung tâm cần được làm rõ để đảm bảo cơ chế vận hành của công cụ này.
Sở Nội vụ khẩn trương đưa vào đánh giá điểm thi đua hàng quý và mức độ hài lòng đối với dịch vụ công ích thông qua việc xử lý ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về giải quyết kiến nghị của người dân.
Trước đó, vào ngày 26/6, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành Công văn số 4120/UBND-CT gửi các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, TP Huế; UBND các xã, phường, thị trấn và các doanh nghiệp, tổ chức tham gia vào hệ thống phản ánh hiện trường yêu cầu thực hiện nghiêm túc Quyết định số 75/2018/QĐ-UBND ngày 29/12/2018 của UBND tỉnh về quy định triển khai hệ thống phản ánh hiện trường.
Đồng thời, khẩn trương có phương án xử lý dứt điểm những ý kiến phản ánh đang thụ lý (chậm trễ thụ lý), phân công nhân sự vào theo dõi để tương tác với người dân nhằm sớm điều chỉnh kết quả công khai, tăng mức độ hài lòng của người dân đối với hệ thống.
Tuấn Hiệp