Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị các thiết chế văn học nghệ thuật trong phát triển du lịch ở Thừa Thiên Huế”

Sáng ngày 3.12.2019, tại thành phố Huế đã tổ chức hội thảo “Phát huy giá trị các thiết chế văn học nghệ thuật trong phát triển du lịch”. Đến dự có các đồng chí đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Du lịch tỉnh và các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử trên địa bàn thành phố Huế, Trường Đại học Sư phạm Huế, Trường Đại học Khoa học Huế và các văn nghệ sĩ

Tại Thừa Thiên Huế hiện nay, nhiều thiết chế văn học nghệ thuật đã trở thành “ký ức văn hóa” của nhiều thế hệ cư dân như hệ thống nhà lưu niệm, nhà thờ danh nhân, bảo tàng, thư viện, nhà hát, rạp chiếu phim, khu nghĩa trang văn nghệ sĩ, các vườn tượng, các hiện vật liên quan đến các văn nghệ sĩ nổi tiếng, có nhiều thành tựu làm nên diện mạo văn học nghệ thuật tỉnh nhà.

Giá trị các thiết chế văn học nghệ thuật ở Thừa Thiên Huế chứa nhiều tiềm năng chưa được đánh giá, khai thác đúng mức. Và hiện nay, việc phát huy giá trị các thiết chế văn học nghệ thuật chưa tương xứng tiềm năng. Hàng loạt các thiết chế chưa được khai thác như Không gian Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị; Bảo tàng Văn hóa Huế có rất ít người đến. Hệ thống lăng mộ các nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ hoàn toàn cưa được du lịch Huế chú ý. Các địa chỉ nhà lưu niệm khác như các ngôi nhà của cố họa sĩ Tôn Thất Đào, Trịnh Công Sơn, Vĩnh Phối, Bửu Chỉ…chỉ là những cái tên nhắc để tưởng nhớ những người Huế tài hoa.

Hoạt động du lịch văn học nghệ thuật nếu được tổ chức bài bản, đầu tư công phu sẽ tạo cơ hội tương tác với du khách, từ đó lưu giữ ký ức về danh nhân văn hóa lịch sử, văn học nghệ thuật; giới văn nghệ sĩ có thêm không gian văn hóa để tìm hiểu, sáng tạo; Nhà nước, ngành du lịch thì phát triển được tour du lịch hay, thú vị; xiển dương được công đức, tài năng, nhân cách của các danh nhân xứ Huế.

Hội thảo chú trọng thảo luận các ý kiến đề xuất xây dựng một số thiết chế văn học nghệ thuật mới, đặt tên cho một số công viên như xây dựng không gian văn hóa Nguyễn Du ở khu vực Bàu Vá, Hương Long, thành phố Huế; Dựng bia khắc bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ ở đầu phường Vỹ Dạ quy hoạch các tượng điêu khắc, xác định giá trị của Nhà xuất bản Tinh Hoa để đặt tên cho một công viên bên đường Trần Hưng Đạo…Và lâu dài, cần quy hoạch xây dựng Bảo tàng Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế.

Hội thảo đã nghe các tham luận, ý kiến trình bày sau:

– Lê Vũ Trường Giang: Một số vấn đề về việc phát triển loại hình du lịch tiếp cận văn học nghệ thuật ở Huế hiện nay.

– Sở Du lịch Thừa Thiên Huế: Phát huy giá trị các thiết chế văn học nghệ thuật trong phát triển du lịch ở Thừa Thiên Huế.

– Trần Nguyễn Khánh Phong: Phát triển tuyến tham quan và học tập tại hệ thống Nhà lưu niệm văn nghệ sĩ ở Thừa Thiên Huế.

– Trần Văn Dũng: Bảo tồn di sản phủ đệ của các ông hoàng bà chúa thi sĩ gắn với phát triển du lịch bền vững.

– Tần Hoài Dạ Vũ: Phát huy giá trị văn hóa du lịch, Huế nên xây dựng “Đồi thi nhân” và góc đồi Ngô Kha.

– Nguyễn Khắc Phê: Bảo tàng Văn học Nghệ thuật – Một công trình cần được đưa vào thiết chế văn hóa của Thừa Thiên Huế.

– Mai Văn Hoan: Tái tạo không gian tưởng niệm Nguyễn Du ở Huế.

– Phạm Đăng Nhật Thái: Đề xuất giải pháp phát triển cho tiềm năng du lịch vườn tượng ở Huế và phụ cận.

Hội thảo “Phát huy giá trị các thiết chế văn học nghệ thuật trong phát triển du lịch” nhận được 22 tham luận của các tác giả, tất cả đều trình bày các vấn đề liên quan đến du lịch văn học nghệ thuật ở tỉnh nhà, nhằm chia sẻ, đóng góp ý kiến về việc phát triển loại hình du lịch có phần mới mẻ này. Đồng thời nhằm bước đầu tham mưu cho tỉnh Thừa Thiên Huế những ý tưởng về kết nối thiết chế văn học nghệ thuật với du lịch để xây dựng chiến lược phát triển du lịch, phát triển kinh tế, văn hóa trong tương lai. Cũng như tham khảo ý kiến đề xuất xây dựng một số thiết chế văn học nghệ thuật mới trong bối cảnh văn hóa đương đại.

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email