Hội nghị lấy ý kiến Đề án xây dựng “Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tỉnh Thừa Thiên Huế” và phổ biến các chính sách kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, được Trung tâm Truyền thông và Hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, đã chỉ ra nhiều khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin một số chủ trương của tỉnh
Nhiều chính sách hỗ trợ
Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh có nhiều chính sách, chương trình, hoạt động tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần tạo việc làm, tăng năng suất, thu nhập cho người lao động, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) qua nhiều hình thức, như: Tài chính, tín dụng; chính sách ưu đãi và hỗ trợ về đầu tư, pháp lý, lao động, khoa học và công nghệ, khởi nghiệp. Các chương trình hỗ trợ trong lĩnh vực công thương như: hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển thị trường đặc sản Huế, giai đoạn 2016 – 2020, chương trình khuyến công, hỗ trợ phát triển xuất khẩu và hỗ trợ các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, góp phần nâng cao nhận thức và sự quan tâm đối với công tác hỗ trợ phát triển DNVVN của địa phương, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Theo ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các chương trình trên thật sự khá hiệu quả. Tuy nhiên, theo phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp, vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, giữa kỳ vọng và yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp liên tục có các phản ánh, kiến nghị liên quan tới thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, sự mâu thuẫn, không rõ ràng giữa các quy định pháp lý, chưa tiếp cận với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước.
Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đã được triển khai ở nhiều cấp nhưng vẫn còn liên quan đến nhiều sở, ngành nên việc giải quyết hồ sơ vẫn còn chậm. Việc tiếp cận nguồn lực cho sản xuất kinh doanh như: tín dụng, đất đai, thị trường đầu ra, hỗ trợ thành lập mới doanh nghiệp… vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian và chi phí. Số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, giải thể vẫn còn nhiều.
Theo kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, PCI Thừa Thiên Huế xếp hạng 30/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, giảm 1 bậc so với năm 2017 nhưng nằm trong “nhóm khá” của cả nước (so với “nhóm trung bình” như năm trước), đặc biệt chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp xếp hạng thứ 55/63 tỉnh, thành (đạt 5,88 điểm), chỉ số đào tạo lao động xếp hạng thứ 35/63 tỉnh thành.
Việc tăng cường các dịch vụ, hoạt động hỗ trợ DNVVN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
Doanh nghiệp phải là trung tâm
Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư 7 tháng đầu năm cho thấy, kinh tế – xã hội tỉnh nhà có những bước phát triển, thu ngân sách vượt so cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu vượt 10%. Ngay cả các doanh nghiệp rất nhỏ cũng đóng góp nhiều trong hoạt động xuất khẩu, ngân sách. Riêng lĩnh vực doanh nghiệp, 7 tháng đầu năm có 705 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 4.600 tỷ đồng, số doanh nghiệp hoạt động trở lại 162 doanh nghiệp.
Ông Hoàng Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, tất cả các hoạt động hỗ trợ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, hay khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đều xoay quanh doanh nghiệp. Việc truyền cảm hứng, kinh nghiệm… phải được thực hiện bởi nhưng doanh nghiệp đã trải qua nhiều khó khăn và định hình thương hiệu trên thị trường. Từ đó, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp định hướng, khai thác hiệu quả các ý tưởng khởi nghiệp, chính sách phát triển phù hợp.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn ở mức độ rất thấp, khó tiếp cận. Nhu cầu về vốn, công nghệ, quản trị… là những nhu cầu lớn, khá bức thiết đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp. Các chính sách hỗ trợ nên tập trung sâu vào những lĩnh vực này. Ngoài ra, các hội, hiệp hội cũng cần hoạch định lại hướng đi, thể hiện vai trò làm cầu nối, hỗ trợ thông tin, đưa chính sách đến với doanh nghiệp.
Thay vì chỉ tập trung tổ chức giới thiệu sản phẩm theo kênh hội chợ, tỉnh có thể hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh tham gia các tuần hàng đặc sản tại hệ thống cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp chưa thật sự hiệu quả với nguồn vốn thấp, thủ tục phức tạp…
Ông Nguyễn Văn Phượng, Giám đốc Cơ sở Trà Cung đình Đức Phượng bộc bạch, quá trình hoạt động, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp có rất nhiều lỗi sai. Nếu đã xác định Nhà nước hết mình hỗ trợ doanh nghiệp thì các cơ quan chức năng liên quan, các đoàn kiểm tra liên ngành khi thanh tra, kiểm tra chỉ nên chỉ ra những cái sai của doanh nghiệp. Từ đó, hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục cụ thể, nếu chây ì, lỗi chồng lỗi… mới xử lý vi phạm, chứ không nên nhìn chăm chăm vào những sai phạm đó để xử phạt vi phạm. Nếu nhận được được sự hỗ trợ như vậy từ cơ quan chức năng, doanh nghiệp Huế sẽ có những bứt phá trong thời gian tới.
Giám đốc Công ty CP Du lịch DMZ Lê Xuân Phương trăn trở, xã hội đang ngày càng có những bước tiến quan trọng trong công nghệ, nhất là hoạt động du lịch. Lượng khách đến Huế ngày một đông, tuy nhiên hiện nay các doanh nghiệp lữ hành, du lịch vẫn chưa có kênh thông tin nào đánh giá được lượng khách, nhu cầu, sở thích, mục đích của du khách khi lựa chọn 1 điểm đến.
Tỉnh và các sở, ngành liên quan cần nghiên cứu xây dựng phần mềm khảo sát điểm đến của du khách nhằm xây dựng các chiến lược marketing, xúc tiến quảng bá hoạt động cụ thể, tạo động lực trong ngành du lịch nói riêng và kinh tế xã hội địa phương nói chung…
Tại hội nghị, đại diện Viện Nghiên cứu và Phát triển, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội doanh nghiệp khẳng định, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thời gian tới sẽ đi vào cụ thể hóa hơn. Thay vì những hỗ trợ chung chung, tỉnh sẽ tập trung đầu tư cho các chương trình đào tạo, hỗ trợ những gì doanh nghiệp thật sự cần.
Các doanh nghiệp lớn trên địa bàn cũng có thể tài trợ các ý tưởng khởi nghiệp trực tiếp cho sinh viên các trường hoặc thông qua các chương trình vườn ươm doanh nghiệp thay vì chỉ tài trợ học bổng như cách làm thông thường. Doanh nghiệp cũng nên đẩy mạnh tìm kiếm thông tin hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực quản lý, khả năng tiếp cận thông tin, đặc biệt là các thông tin hỗ trợ doanh nghiệp từ các lớp đào tạo, tập huấn hỗ trợ DNVVN. Nếu không tự mình tìm kiếm thông tin, các doanh nghiệp có thể tham gia vào các hiệp hội, liên kết thành lập các hiệp hội nghề nghiệp để mở rộng mối quan hệ, giao lưu giữa các doanh nhân để chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh và cùng nhau phát triển.
Doãn Quan