Bệnh viện Trung Ương Huế Cơ sở 2 vừa tiến hành ghép thành công giác mạc của người Mỹ cho 5 bệnh nhân Thừa Thiên Huế.
Ê kíp tiến hành các công đoạn ghép giác mạc cho bệnh nhân
Trước đó, vào trưa ngày 2/6, bác sỹ Edward Charles Kondrot – một bác sỹ nhãn khoa thuộc thành viên Hội nhãn khoa Hawaii và tổ chức See International (Hoa Kỳ) đã trao một món quà đặc biệt gồm 10 chiếc giác mạc của những người Mỹ đã qua đời cuối tháng 5 vừa qua cho Bệnh viện Trung ương Huế (5 chiếc) và Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia (5 chiếc).
Bác sỹ Kondrot và bà Ly Kondrot (vợ ông) thường đi làm thiện nguyện khắp nơi trên thế giới. Ông bà thường tới các quốc gia nghèo để thực hiện các chương trình mổ mắt/ghép giác mạc miễn phí cho các bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em.
Mỗi lần thực hiện các chương trình thiện nguyện, ông sẽ thông báo trước với Ngân hàng Mắt tại Mỹ. Ngân hàng Mắt tiếp nhận đề xuất của bác sỹ và sẽ gửi các giác mạc bao gồm đầy đủ hồ sơ tới nhà ông trước chuyến bay, thông thường họ sẽ gửi cho ông từ 2 -3 giác mạc để đem đi ghép.
Tuy nhiên, lần này ông rất ngạc nhiên khi Ngân hàng Mắt gửi tới cho ông 10 giác mạc – đây là số giác mạc lớn nhất mà bác sỹ từng nhận được khi đi tới các quốc gia. Ngân hàng Mắt nói với ông rằng “Việt Nam rất thiếu giác mạc nên chúng tôi dành 10 chiếc cho chương trình này”.
Trước đó, từ ngày 16/5-18/5, Khoa Mắt – Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 đã khám mắt miễn phí cho 500 người và đã chọn được 5 bệnh nhân phù hợp để ghép giác mạc. Các bệnh nhân ghép giác mạc sẽ được hỗ trợ một phần chi phí phẫu thuật.
Qua quá trình trao đổi và chuẩn bị kĩ lưỡng giữa BSCKII Phạm Như Vĩnh Tuyên, Trưởng khoa Mắt – Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 và bác sĩ Kondrot, với sự tài trợ của Hội nhãn khoa Hawaii (Haiwaiian Eye Foundation) và Tổ chức SEE (SEE International), sáng ngày 3/6, các bệnh nhân đã được phẫu thuật tại Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2.
Cụ thể, trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nam 42 tuổi đến từ Phú Bình (thành phố Huế). Sau khi mắt phải bị bỏng vì nhiệt cách đây 2 năm, bệnh nhân có sẹo trắng ở giác mạc, thị lực giảm còn dưới 1/10.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nam 34 tuổi đến từ huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế). Sau khi bị viêm giác mạc do Herpes cách đây hơn 6 năm, bệnh nhân đã điều trị nội khoa. Tuy nhiên, để lại sẹo trắng ở giác mạc, dính mống mắt ở mặt sau giác mạc, thị lực giảm còn dưới 1/10.
Trường hợp thứ ba là bệnh nhân nam 42 tuổi đến từ huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế). Hai mắt bị mờ dần cách đây 20 năm không rõ nguyên nhân, sau đó người này đi khám và phát hiện loạn dưỡng giác mạc cả 2 mắt, thị lực 2 mắt hiện tại dưới 1/10.
Trường hợp thứ tư, bệnh nhân nam, 52 tuổi đến từ Phú Vang (Thừa Thiên Huế). Người này có mắt phải bị viêm giác mạc cách 3 năm, điều trị nội khoa đã ổn định, tuy nhiên để lại sẹo trắng ở giác mạc, thị lực mắt phải hiện tại dưới 1/10.
Trường hợp thứ năm, bệnh nhân nam, 54 tuổi ở tại huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế). Mắt trái sau khi điều trị viêm giác mạc thì có sẹo trắng ở giác mạc, thị lực mắt trái hiện tại chỉ nhận biết được sáng tối.
Hiện nay, ghép giác mạc đang là giải pháp duy nhất cho những người bệnh không may bị thương tích hoặc bệnh lý về mắt khi điều trị nội khoa đã thất bại. Tuy nhiên, với số lượng giác mạc hiến tặng rất ít nên hiện có rất nhiều bệnh nhân phải chờ đợi để được nhìn thấy ánh sáng.
GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung Ương Huế cho biết: “Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ thêm nhiều thiết bị hiện đại để giúp cho Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 phát triển mạnh về chuyên môn kỹ thuật cũng như chất lượng điều trị bệnh nhân. Phẫu thuật ghép giác mạc là kỹ thuật cao trong các phương pháp điều trị bệnh lý về mắt mang lại hy vọng cho các bệnh nhân mắc các bệnh lý về giác mạc”.
Cũng theo GS.TS Phạm Như Hiệp, hiện nay, nhu cầu ghép giác mạc của bệnh nhân trong nước rất lớn. Tuy nhiên, nguồn giác mạc hiến tặng lại quá hiếm. Mặt khác, mỗi ca ghép giác mạc có chi phí cao lên đến vài trăm triệu đồng, với những gia đình có thu nhập thấp, người bệnh rất khó tìm lại được ánh sáng.
“Vì vậy, Bệnh viện sẽ cố gắng kết hợp với các tổ chức từ thiện để có thể hỗ trợ tối đa cho nhiều bệnh nhân phải ghép giác mạc. Tại Bệnh viện Trung ương Huế, kỹ thuật này đã được triển khai cách đây 30 năm và nay đã phát triển thêm tại Cơ sở 2. Đây là tin vui đối với người dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận, là một bước tiến mới trong công cuộc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, giúp mang lại ánh sáng cho các bệnh nhân mắc các bệnh về giác mạc”, GS. TS Phạm Như Hiệp cho biết thêm.
Minh Hải