Chuyển đổi số và tình hình thực hiện ở tỉnh Thừa Thiên Huế

Tác giả: Trần Như Đăng Tuyên

Trên thế giới, chuyển đổi số bắt đầu được nói đến vào khoảng năm 2015, phổ biến từ năm 2017. Ở Việt Nam, khái niệm này được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2018. Tháng 6/2020, Thủ tướng phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Kể từ đó, hàng loạt chính sách mới được ban hành và 2020 được xem là năm khởi đầu trên con đường chuyển đổi số quốc gia.

Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Một số khái niệm

Tin học hóa:  Tin học hóa, hay còn gọi là ứng dụng công nghệ thông tin, là việc số hóa quy trình nghiệp vụ đã có. Thông thường, tin học hóa không làm thay đổi quy trình đã có hoặc mô hình hoạt động đã có. Khi tin học hóa ở mức cao, dẫn đến thay đổi quy trình hoặc thay đổi mô hình hoạt động, thì gọi là chuyển đổi số.

Chuyển đổi số: Là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Sự khác nhau căn bản giữa chuyển đổi số và tin học hóa: Tin học hóa, hay ứng dụng công nghệ thông tin, là số hóa quy trình đã có, theo mô hình hoạt động đã có, để cung cấp dịch vụ đã có. Chuyển đổi số là số hóa toàn bộ cả một tổ chức. Chuyển đổi số là thay đổi quy trình mới, mô hình tổ chức mới, phương thức cung cấp dịch vụ hoặc cung cấp dịch vụ mới.

Sự khác nhau căn bản giữa chuyển đổi số với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là gì?

Chuyển đổi số là chuyển đổi mô hình hoạt động dựa trên công nghệ số, dữ liệu số. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là tạo ra giá trị mới dựa trên các đột phá về nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ.

Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư về bản chất là một, là giống nhau.

Khái quát tình hình chuyển đổi số ở Việt Nam

Ở nước ta, chuyển đổi số gắn liền với sự phát triển của các tổ chức, doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tháng 6/2020, Thủ tướng phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Kể từ đó, hàng loạt chính sách mới được ban hành và 2020 được xem là năm khởi đầu trên con đường chuyển đổi số quốc gia.

Chuyển đổi số ở Việt Nam bắt đầu từ tầm nhìn của doanh nghiệp

Một trong những dấu ấn quan trọng là từ 01/7/2021, Bộ Công an đã xây dựng, triển khai thành công Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chính thức đưa vào vận hành. Tính đến đầu tháng 10, hệ thống đã cấp hơn 71,7 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước sớm ứng dụng định danh điện tử và phổ cập danh tính số trên thế giới.

Trong lĩnh vực thanh toán điện tử, sau hơn một năm triển khai thí điểm, tính đến hết tháng 8, tổng số người đăng ký và sử dụng tài khoản Mobile Money đạt gần 2,2 triệu người. Trong đó, số lượng người dùng tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa… đạt hơn 1,5 triệu người, chiếm gần 70%.

Tại hội thảo Tăng tốc chuyển đổi số, diễn ra ngày 09/10 ở Hà Nội, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia – Bộ TT&TT, cho biết công cuộc chuyển đổi số đã đạt kết quả quan trọng trên cả ba trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Cụ thể, về Chính phủ số, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được cung cấp cho người dân, doanh nghiệp đã đạt hơn 97,3%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 67,8% và tỷ lệ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến là 43,2%. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 10,41%, tăng so với mức 9,6% hồi cuối 2021. Số lượt người dùng hàng tháng trên các nền tảng số di động Việt Nam đã tăng hơn 100 triệu lượt so với cùng kỳ năm 2021.

Tình hình chuyển đổi số tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Không phải là địa phương mạnh tiềm lực ngân sách nhưng việc lựa chọn mô hình phù hợp xu thế phát triển, cùng với sự nỗ lực quyết tâm của chính quyền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã từng bước kiến tạo nên mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh điển hình, lấy người dân làm trung tâm.

Qua hơn 20 năm triển khai kể từ giai đoạn đầu công cuộc tin học hóa, Thừa Thiên Huế đã đạt nhiều kết quả khích lệ và tổng kết được nhiều kinh nghiệm quý trong chuyển đổi số. Đặc biệt, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, đến nay, Thừa Thiên Huế hoàn thành 100% chỉ tiêu giai đoạn 2019-2020 và trên 70% các chỉ tiêu phát triển chính quyền điện tử giai đoạn 2021-2025.

Về xã hội số, Thừa Thiên Huế đã chọn mô hình phù hợp, đó là dịch vụ thông minh và nền tảng Hue S, với sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp, người dân. Nền tảng Hue S đến nay thu hút 10 tập đoàn, doanh nghiệp tham gia tích hợp hơn 15 dịch vụ số, 800 nghìn lượt tải ứng dụng, bình quân mỗi người sử dụng 35 phút/ngày và từ năm 2017 đến nay đã có trên 17 triệu lượt truy cập. Hue S đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ, do đó thu hút số lượng rất lớn người dân tham gia. Đây cũng là niềm tự hào của địa phương trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số.

Hue S “trái tim” của chuyển đổi số tại Thừa Thiên Huế

Có được các kết quả tích cực về chuyển đổi số, tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện được các điểm: Sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh từ nhiều năm nay về chuyển đổi số; thực hiện nguyên tắc bắt buộc trước, tự nguyện sau, đây là cách tiếp cận mang tính toàn dân trong công tác chuyển đổi số cần nhân rộng; triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số một cách đồng bộ và xuyên suốt 3 cấp tỉnh – huyện –xã; triển khai một nền tảng do chính quyền quản lý (Hue S) tích hợp nhiều ứng dụng, nhiều đối tác.

Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 12/11/2021 về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu đến năm 2030:

Xây dựng đô thị thông minh trở thành mô hình phổ biến trong điều hành, vận hành hệ thống quản lý nhà nước và xã hội trên địa bàn tỉnh; chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực trở thành phương thức cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Chuyển đổi số trở thành nền tảng để phát huy đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường của Thừa Thiên Huế; đưa ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng để phát triển bền vững Thừa Thiên Huế trong giai đoạn mới.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi đầu trong sử dụng nền tảng chuyển đổi số

Phát triển các doanh nghiệp có nguồn lực về công nghệ số trên địa bàn tỉnh nhằm tạo môi trường cho sự phát triển của kinh tế số, từng bước tạo thị trường sản phẩm khoa học – công nghệ và là trung tâm chuyển giao khoa học – công nghệ của quốc gia.

Giải pháp cho các tổ chức chính trị, xã hội là: Phát huy vai trò của người đứng đầu trong triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số gắn với mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu quả điều hành, quản lý;  mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, đơn vị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân đối với công tác chuyển đổi số; đồng thời, nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn thông tin cho người dân khi tham gia chuyển đổi số.

Tỉnh Thừa Thiên Huế xác định chuyển đổi số là bước đột phá để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đây chính là cơ sở để các cơ quan, địa phương, tổ chức hội đẩy mạnh chuyển đổi số trong triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà./.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email