Ba đề tài tham dự triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ tại Nhật Bản

Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ tại Nhật Bản diễn ra từ ngày 25/7/2017 đến ngày 31/7/2017 tại thành phố Nagoya do viện Viện sáng kiến sáng chế Nhật Bản – một tổ chức khoa học uy tín, nổi tiếng đã đăng cai tổ chức Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ (IEYI 2017) với sự hợp tác và hỗ trợ của các cơ quan hữu quan của Nhật Bản như Ủy ban nhân dân thành phố Nagoya, Viện sáng kiến sáng chế Aichi, Bộ Giáo dục, Bộ Văn hóa – Thể thao – Khoa học công nghệ, Văn phòng tại Nhật Bản của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới…

 

Đoàn Việt Nam tham dự triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ tại Nhật Bản

Tham gia Triển lãm có 144 công trình sáng tạo của tuổi trẻ dưới 19 tuổi đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm: Việt Nam, Nhật Bản, Italya, Nga, Ấn độ, Trung quốc, Đài Loan, Hồng Kong, Ma cao, Malaxia, Indonexia, Philipin. Singapor, Myanma, Thái Lan. Việt Nam tham gia 6 đề tài 01 giải Đặc biệt, 05 giải Nhất: Thừa Thiên Huế (3 đề tài), Hải Dương, Quảng Ninh, thành phố Đà Nẵng (mỗi địa phương 01 đề tài).

Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ (IEYI) là hoạt động giới thiệu các công trình sáng tạo kỹ thuật dành cho các nhà sáng tạo trẻ trên thế giới. Tại đây, các nhà sáng tạo trẻ giới thiệu công trình sáng tạo của mình và được chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, học hỏi về những xu hướng công nghệ mới để phát triển sáng kiến, sáng chế của mình. Triển lãm được tổ chức lần đầu tiền tại Nhật Bản vào năm 2004 và được các nước, các tổ chức quốc tế luân phiên tổ chức hàng năm tại các nước và vùng lãnh thổ tham gia.

Ban giám khảo của Triển lãm đã lựa chon các công trình tiêu biểu, xuất sắc để trao giải thưởng trong 5 lĩnh vực. Kết quả Việt Nam đã dành một Huy chương Bạc và một Huy chương Đồng của Ban Tổ chức Triển lãm và 5 giải do các nước tham gia trao tặng. Trong đó, Huy chương Bạc, Huy chương Đồng thuộc về Thừa Thiên Huế và một Bằng khen dành cho công trình xuất sắc nhất của Bộ Giáo dục Thái Lan. Ba nhóm tác giả đã được UBND tỉnh tuyên dương tại buổi Lễ tuyen dương các học sinh đạt giải quốc tế năm 2017.

 

UBND tỉnh tổ chức Lễ tuyên dương học sinh đạt giải quốc tế năm 2017

Cụ thể các đề tài:

Đề tài “Thiết bị định vị bầu trời và tích hợp tri thức phục vụ giáo dục và nghiên cứu thiên văn học” của nhóm tác giả Đặng Hoàng San, Huỳnh Tăng Tuấn, Nguyễn Hoàng Minh Trường THPT chuyên Quốc Học và Hoàng Tiến Hải Đăng, Nguyễn Minh Luân trường THPT Nguyễn Huệ, tham gia Cuộc thi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IX, năm 2016 và đạt giải Khuyến khích. Đề tài là một trong hai đề tài đạt giải Khuyến khích được Ban tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh lựa chọn tham dự Cuộc thi toàn quốc lần thứ 12, năm 2016 và đạt giải Nhất. Đề tài đoạt Huy chương bạc tại triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ tại Nhật Bản năm 2017.

Sản phẩm được tạo nên bởi cơ khí, điện, điện tử và các phần mềm tin học nhằm phục vụ tốt hơn trong việc phổ cập các tri thức thiên văn học có hệ thống, nhanh hơn, trực quan hơn và thú vị hơn. Vì vậy, sản phẩm được phát triển “một cánh tay ROBOT” tích hợp máy laser tán xạ mạnh kết hợp với phần mềm giả lập bầu trời trên máy tính để định vị đến bất kì vật thể nào trên bầu trời với độ chính xác từng giây góc. Ta có thể chọn 1 vật thể tùy thích trên máy tính và cánh tay robot sẽ điều hướng tia laser tạo thành một cột sáng hướng thẳng đến thiên thể đó trên bầu trời đêm. Cánh tay ROBOT còn cho phép điều hướng tia laser đến hàng triệu thiên thể khác nhau, ngay cả những thiên thể mà mắt thường không thể nhìn thấy, điều này cho phép dễ dàng hơn trong việc sử dụng các dụng cụ như kính thiên văn cổ điển hay ống nhòm định vị chính xác đến các vật thể mở nhạt cần quan sát.

Đề tài “Chế tạo hệ thông nhật động pin năng lượng mặt trời theo hệ tọa độ xích đạo thiên cầu” của nhóm tác giả Đặng Hoàng San, Trần Hữu Nhật Huy, Huỳnh Tăng Tuấn, Đặng Văn Hùng Trường THPT chuyên Quốc Học, tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng (Cuộc thi) tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IX, năm 2016 đạt giải Nhất và được chọn tham dự Cuộc thi toàn quốc lần thứ 12, năm 2016. Đề tài được Hội đồng giám khảo đánh giá cao về tính mới, tính sáng tạo, khả năng ứng dụng vào thực tế và được Ban tổ chức trao giải Đặc biệt Cuộc thi toàn quốc. Đề tài được chọn tham dự triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ năm 2017 tại Nhật bản và được trao Huy chương đồng.

Hệ thống mô phỏng được hoạt động theo hệ tọa độ xích đạo trời và hoạt động xác định dựa trên 4 trục căn bản: Trục phương vị; trục độ cao; trục xích kinh; trục xích vĩ, điều chỉnh xích vĩ của thiên thể (xem như cố định trong một khoảng thời gian rất dài và ta có thể tự điều chỉnh theo mùa).

Chu trình hoạt động của hệ thống: Khi Mặt Trời mọc và bắt đầu lệch góc ánh sáng ở quang trở 1 lớn hơn quang trở 2 gây ra chênh lệch điện áp, mạch điều khiển xuất lệnh cho động cơ quay hệ thống theo chiều từ đông sang tây, bám theo mặt trời. Khi ánh sáng giữa 2 quang trở cân bằng, mạch điều khiển ngắt hệ thống, đến lúc Mặt Trời lệch một góc nhỏ nhất định, ánh sáng giữa 2 quang trở chênh lệch, hệ thống khởi động bám theo Mặt Trời, khi đã hướng chính xác thì lại ngắt. Khi Mặt Trời lặn, tấm pin chạm vào công tắc hành trình 2, mạch điều khiển ngắt hệ thống, lúc trời tối hoàn toàn, mạch điều khiển điều chỉnh hệ thống về vị trí ban đầu, chạm công tắc hành trình 1, hệ thống ngưng hoạt động chờ đến bình minh để lặp lại chu kỳ. Trong trường hợp bị bóng râm hoặc ánh sáng Mặt Trăng, nếu như lượng ánh sáng không đủ nuôi hệ nhật động thì hệ thống sẽ ngắt để tránh hao phí. Nếu trong khi trời râm hoặc ánh sáng Mặt Trăng tồn tại một nguồn sáng đủ nuôi hệ nhật động và dư ra một lượng để sử dụng thì hệ thống tự hướng về phía sáng nhất. Nguồn nuôi của hệ thống chính là điện lấy từ acquy được dùng pin Mặt Trời để sạc (điện tự cấp).

Đề tài “Bếp năng lượng mặt trời từ màn hình tivi” của nhóm tác giả Lê Thị Quỳnh Như, Phạm Minh Trang Trường THCS Tố Hữu, thành phố Huế, tham gia Cuộc thi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IX, năm 2016 và đạt giải Ba. Đề tài được chọn tham dự Cuộc thi toàn quốc lần thứ 12, năm 2016 và đạt giải Nhất. Đề tài “Bếp năng lượng mặt trời từ màn hình tivi” được chọn tham dự triển lãm Quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ tại Nhật Bản và được Bộ Giáo dục Thái Lan trao Bằng khen dành cho công trình xuất sắc nhất.

Bếp sử dụng 02 màn hình tivi làm thấu kính hội tụ. Khi đặt bếp ngoài trời, điều chỉnh bếp sao cho mặt thấu kính hội tụ hướng về phía mặt trời, lúc này toàn bộ năng lượng ánh sáng mặt trời sẽ được thấu kính hội tụ tập trung tại tiêu điểm của nó, hộp giữ nhiệt có tấm thu nhiệt bằng nhôm ở đáy hộp nằm đúng ngay vị trí tiêu điểm của thấu kính hội tụ, lúc này toàn bộ năng lượng của ánh sáng được tấm nhôm hấp thụ và nhiệt năng của tấm nhôm tăng lên, nhiệt năng này lại được truyền sang nồi nhôm và nấu chín thức ăn. Tấm thủy tinh trên mặt bếp để cho ánh sáng vào trong và khi ánh sáng đã biến thành sức nóng rồi thì tấm thủy tinh không cho sức nóng thoát ra. Đó chính là hiệu ứng nhà kính nhằm giữ lại sức nóng trong bếp. Không khí bên trong được cách ly kỹ với không khí bên ngoài để hiệu năng giữ nhiệt cao. Điều này khiến bếp có được nhiệt độ cao trong các ngày trời lạnh hoặc trời gió không kém các ngày trời trong, nắng nóng. Và cũng khiến cho bếp tiếp tục đun bình thường, đồ ăn vẫn chín nếu bếp đã nóng mà có mây kéo đến che trong hai ba mươi phút.

Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế được UBND tỉnh giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh là cơ quan thường trực phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Tỉnh Đoàn, Sở Tài chính, Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh tổ chức hàng năm nhằm tạo ra là hoạt động trí tuệ, thúc đẩy phong trào thi đua sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ trở thành nhà sáng chế tương lại.

Đinh Chung

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email