Gần đây, Thủ tướng chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các cơ quan liên quan nhanh chóng dự thảo văn bản thay thế cho quyết định 22/2002/QĐ-TTg về tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Nhân dịp này, chúng tôi muốn làm rõ thêm các khái niệm tư vấn, phản biện và giám định, cũng như các khái niệm tư vấn, phản biện và giám định xã hội mà không phải ai cũng đã hiểu đúng.
Trước hết là khái niệm Tư vấn. Trong “Từ điển tiếng Việt” (…) chữ tư vấn được định nghĩa là “Phát biểu ý kiến về những vấn đề được hỏi đến, nhưng không có quyền quyết định”. Trong “Từ điển tiếng Anh” (…) chữ consultation được định nghĩa là “The act, process of consulting” nghĩa là “Hành động, quá trình tư vấn”.
Điều 5, Nghị định 87/2002/NĐ-CP ngày 05/11/02 về hoạt động tư vấn chuyên nghiệp định nghĩa: “… là hoạt động thu thập, xử lý thông tin, vận dụng kiến thức chuyên môn, phát hiện vấn đề, đề xuất giải pháp, phương án, lập dự án và giám sát, đánh giá do các tổ chức chuyên môn, cá nhân người Việt Nam thực hiện độc lập, khách quan theo yêu cầu của người sử dụng tư vấn.”
Qua các định nghĩa trong các loại từ điển và trong văn bản quy phạm pháp luật được trích dẫn ở trên, tư vấn được hiểu là hoạt động:
- Thu thập, xử lý thông tin, tư liệu;
- Phát hiện vấn đề;
- Đề xuất giải pháp, phương án;
- Lập dự án;
- Giám sát; đánh giá; …
do tổ chức chuyên môn hoặc cá nhân chuyên gia thực hiện theo yêu cầu của người sử dụng tư vấn. Hay nói khác đi, tư vấn là hoạt động trợ giúp về tri thức, kinh nghiệm khi:
- Cung cấp/xử lý/tổng hợp thông tin, tư liệu;
- Phân tích, đánh giá;
- Đề xuất các giải pháp, phương án, kiến nghị;
- Đề xuất, xây dựng, thẩm định đề án, dự án;
do tổ chức chuyên môn, cá nhân chuyên gia thực hiện theo yêu cầu của người sử dụng tư vấn. Thí dụ như các hoạt động lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho một dự án, lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho một dự án, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của một dự án, giám sát quá trình thực hiện một dự án hay đánh giá kết quả thực hiện một dự án.
Khái niệm Phản biện được định nghĩa trong “Từ điển tiếng Việt” là “Đánh giá chất lượng một công trình khoa học khi công trình được đưa ra bảo vệ trước hội đồng khoa học”. Thuật ngữ phản biện được diễn đạt bằng một từ Hán – Việt, vì vậy, để hiểu rõ hơn, chúng ta thử tìm từ nguyên của nó trong từ điển Hán Việt. Trong từ điển này phản có nghĩa là trái, ngược, còn biện là xét để phân biệt rõ ràng, vì vậy phản biện được hiểu là “xét từ phía ngược lại (khách quan, ở một góc nhìn khác) để phân biệt rõ ràng”. Các cụ nhà ta vẫn thường nói “Cờ ngoài, bài trong” để phản ánh sự thật hiển nhiên là người ngoài cuộc thường sáng suốt hơn. Cần khẳng định rằng phản biện không phải là phản đối mà là xem xét vấn đề ở một góc nhìn khác, góc nhìn khoa học.
Chúng ta có thể hiểu rõ hơn khái niệm phản biện qua các thí dụ: Uỷ viên phản biện trong hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ; Phản biện kín của tạp chí.
Khái niệm giám định được định nghĩa trong “Từ điển tiếng Việt”: “Xem xét và kết luận về một sự vật hay hiện tượng mà cơ quan nhà nước cần tìm hiểu và xác định”. Trong từ điển Hán – Việt giám định là “Xem xét để quyết định”, còn trong từ điển tiếng Anh Make an expertise (giám định) có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa 2b là “Ý kiến về mặt chuyên môn” và nghĩa 3 “Sự giám định”. Theo nghị định 11/2005/NĐ-CP quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ thì giám định công nghệ được định nghĩa: “Giám định công nghệ là hoạt động xem xét, đánh giá tính khả thi và sự phù hợp của công nghệ được lựa chọn so với chính sách phát triển công nghệ của Nhà nước và mục tiêu, nội dung hợp đồng chuyển giao công nghệ, dự án đầu tư”. Thí dụ như: giám định y khoa, giám định giống lúa mới, giám định công nghệ (sau đầu tư), giám định công trình (đã xây dựng xong).
Với các định nghĩa ở trên, có thể thấy rằng các khái niệm tư vấn, phản biện và giám định giống nhau về bản chất hoạt động, nhưng tư vấn có nghĩa phổ quát hơn, bao gồm cả phản biện và giám định, hay nói khác đi hoạt động phản biện và giám định cũng là hoạt động tư vấn.
Tuy nhiên, các thuật ngữ này có những sắc thái ngữ nghĩa khác nhau. Thông thường, người ta phân biệt như sau. Tư vấn có nghĩa chung là cung cấp thông tin, phân tích, đánh giá, kiến nghị phương án, giải pháp trong việc đề xuất, xây dựng, thẩm định hoặc xét duyệt dự án, đề án, chương trình. Nghĩa hẹp của chữ tư vấn là đề xuất, xây dựng, thẩm định và xét duyệt dự án, đề án, chương trình. Phản biện cũng là cung cấp thông tin, phân tích, đánh giá, đóng góp ý kiến (giống như tư vấn) về tính khả thi, về sự phù hợp giữa các hoạt động, các đầu ra, đầu vào với mục tiêu của một dự án, một bản thiết kế, một đề xuất, một công trình khoa học đã được xây dựng. Giám định cũng là trợ giúp kiến thức, kinh nghiệm (về bản chất là tư vấn) khi dự án đã được phê duyệt, được tổ chức thực hiện, theo dõi xem người ta làm như thế có đúng với dự án được phê duyệt không, hoặc qua quá trình thực hiện để đánh giá chất lượng dự án.
Tổng hợp các phân tích trên, có thể hiểu bản dự thảo sửa đổi quyết định 22/2002/QĐ-TTg đưa ra các định nghĩa tư vấn, phản biện và giám định ở Điều 1 “Những khái niệm và quy định chung” như sau:
- Tư vấn là hoạt động trợ giúp về tri thức, kinh nghiệm, cung cấp thông tin, tư liệu cùng các ý kiến phân tích, đánh giá và kíên nghị trong việc đề xuất, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt dự án.
- Phản biện là hoạt động cung cấp thông tin, tư liệu cùng các ý kiến phân tích, đánh giá tính khả thi và các kiến nghị về sự phù hợp của nội dung đề án với mục tiêu và các điều kiện ràng buộc ban đầu hoặc thực trạng đặt ra.
- Giám định là hoạt động giám sát việc thực hiện đề án, đưa ra các ý kiến phân tích, đánh giá và kiến nghị kịp thời về việc tổ chức thực hiện mục tiêu, nội dung hoặc chất lượng đặt ra.
Tư vấn là tư vấn nội bộ nếu người tư vấn ở trong cùng một tổ chức với người sử dụng tư vấn, họ có mặt thường xuyên, không có hợp đồng tư vấn: các yêu cầu, điều kiện và đầu ra được xác định đại khái. Trong trường hợp tư vấn nội bộ, người tư vấn còn phải làm nhiều việc khác, chịu nhiều sức ép, không thể và không cần toàn tâm toàn ý.
Ngược lại với tư vấn nội bộ là tư vấn độc lập. Thực hiện tư vấn độc lập là người ở ngoài tổ chức, có mặt có thời hạn, có hợp đồng tư vấn chặt chẽ: các yêu cầu, đầu vào, đầu ra rõ ràng. Những người làm tư vấn độc lập chỉ có nghĩa vụ hoàn thành hợp đồng, toàn tâm, toàn ý cho công việc.
Tư vấn, phản biện, giám định xã hội, trước hết, khác với tư vấn, phản biện, giám định nội bộ và cũng khác với giám định (thẩm định) nhà nước (là thủ tục bắt buộc do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện). Tư vấn, phản biện và giám định xã hội là tư vấn, phản biện và giám định độc lập. Độc lập là không phụ thuộc. Không phụ thuộc vào người hoặc tổ chức sử dụng tư vấn, về hành chính và về tài chính. Tư vấn, phản biện và giám định xã hội tồn tại đồng thời với tư vấn nội bộ, phản biện và giám định nhà nước và không phải là hoạt động nghề nghiệp.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước giao cho Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật không phải là tổ chức tư vấn chuyên nghiệp. Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật làm tư vấn, phản biện và giám định xã hội là đại diện cho xã hội, nói tiếng nói của xã hội, vì trách nhiệm đối với xã hội, vì lợi ích cho xã hội và không vì mục đích lợi nhuận.
Khoản 5, Điều 1, quyết định 22/2002/QĐ-TTg ghi rõ: “Tính chất của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật và các hội thành viên là không vì lợi nhuận, không phải là hoạt động nghề nghiệp, là sự thể hiện trách nhiệm của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tham gia đóng góp trí tuệ vào các hoạt động của nhà nước”
Ban dự thảo sửa đổi quyết định 22/2002/QĐ-TTg đưa ra định nghĩa tư vấn, phản biện và giám định xã hội tại khoản 4 Điều 1 như sau. “Tư vấn xã hội, phản biện biện xã hội và giám định xã hội là hoạt động tư vấn, phản biện, giám định của các tổ chức chính trị – xã hội, chính trị – xã hội – nghề nghiệp, xã hội nghề nghiệp, mang tính xã hội, phản ánh ý kiến và sự quan tâm của xã hội về một vấn đề (hoặc nội dung) cụ thể.”
Riêng tôi, tôi muốn đưa vào định nghĩa ngắn hơn một chút: “Tư vấn, phản biện, giám định xã hội là hoạt động tư vấn, phản biện, giám định của xã hội, do một tổ chức có tính xã hội, vì trách nhiệm đối với xã hội, đại diện cho xã hội thực hiện, không vì lợi nhuận, không phải là hoạt động nghề nghiệp.”
Đỗ Nam