Thu hút nguồn lực thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo gắn với khai thác tiềm năng các ngành kinh tế – xã hội trọng điểm vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung

Tác giả: Hồ Thắng – Kiều Oanh

Thu hút các nguồn lực, đẩy mạnh liên kết nội vùng, liên vùng trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo để giải quyết các bài toán phát triển lớn của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là một trong những giải pháp chiến lược, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn vùng, từng bước thúc đẩy sự hình thành và phát triển mạnh mẽ các ngành, nghề, lĩnh vực mới. (*)

Phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên kết nội vùng, liên vùng

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là địa bàn có vai trò, vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là về kinh tế biển, nơi đa dạng, phong phú về tài nguyên thiên nhiên, là cửa ngõ kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây với đường hàng hải, hàng không quốc tế, nhiều cảng biển và cảng hàng không lớn. Bên cạnh đó, Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung còn là vùng đất giàu bản sắc dân tộc với nhiều danh lam, thắng cảnh, di sản văn hoá, di tích lịch sử nổi tiếng. Đây là tiềm năng, lợi thế nổi trội để các địa phương trong vùng liên kết, thu hút các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm toàn vùng.

Về định hướng xây dựng và phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đã được thể hiện rõ tại Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 về Phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, định hướng “Xây dựng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, xanh, thông minh; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, có kiến trúc tiêu biểu, giàu bản sắc, xanh, văn minh, hiện đại, thông minh, có khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng và an ninh, là kim chỉ nam cho toàn vùng bứt phá, góp phần xây dựng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung trở thành vùng mạnh từ biển, giàu từ biển, là vùng năng động, sáng tạo phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

6 vùng phát triển theo quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nguồn ảnh: Báo Nhân Dân

Nhằm thu hút nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên kết phát triển kinh tế – xã hội trọng điểm vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung cần thực hiện tốt phương châm “Trọng tâm – Đẩy mạnh – Liên kết” sau:

“Trọng tâm”: Tập trung thực hiện các chương trình, đề tài, dự án KH&CN trọng tâm, trọng điểm để giải quyết bài toán phát triển lớn của khu vực và đất nước.

“Đẩy mạnh”: (1) Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế của vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tập trung phát triển các ngành kinh tế biển; phát triển các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có khả năng phát triển của vùng như các lĩnh vực: Công nghiệp, Dịch vụ, Nông, lâm nghiệp và thủy sản… dựa vào ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. (2) Đẩy mạnh hình thành và phát triển các ngành, nghề, lĩnh vực mới như công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip; dịch vụ tài chính, thương mại, logistic. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; hình thành các trung tâm nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ mới như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng sạch… góp phần tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới.

“Liên kết”: (1) Liên kết các đối tác quốc tế, các nhà đầu tư chiến lược, các quỹ đầu tư trong hỗ trợ các nguồn lực thực hiện hoạt động nghiên cứu và ứng dụng và chuyển giao KH&CN, các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; (2) Liên kết, kết nối và phát triển thị trường KH&CN của vùng với thị trường KH&CN trong nước và quốc tế; (3) Liên kết các ngành, doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN, cơ sở nghiên cứu, trường đại học trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung trong tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, chuyển giao công nghệ và thương mại hoá các kết quả nghiên cứu nhằm giải quyết các bài toán lớn của vùng và đất nước.

Quan trọng hơn là, bản thân mỗi địa phương cần định vị và xác định các ngành kinh tế – xã hội trọng điểm dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để ưu tiên phát triển. Đặt mối quan hệ của doanh nghiệp, địa phương trong mối quan hệ của vùng và liên vùng, kết nối thu hút nguồn lực trong và ngoài nước. Đầu tư, xây dựng và phát triển hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo vùng, ngành, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển, tích hợp hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo với các khu công nghệ cao, các tổ chức KH&CN, viện nghiên cứu, các quỹ đầu tư trong tổ chức thực hiện, là nơi nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao các công nghệ mới và giải đề các bài toán phát triển triển kinh tế – xã hội của vùng và của quốc gia.

Giải pháp thu hút nguồn lực thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo gắn với khai thác tiềm năng các ngành kinh tế – xã hội trọng điểm từ thực tiễn Thừa Thiên Huế

Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn phát huy tiềm năng, lợi thế, tận dụng tốt thời cơ đẩy mạnh phát triển theo hướng mô hình đô thị trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; gắn với các hành lang Bắc – Nam và hành lang kinh tế, hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng. Để trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thì một trong các nhiệm vụ trọng tâm địa phương cần tập trung là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại, thông minh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông, hạ tầng số đảm bảo sự hài hoà giữa kiến trúc với thiên nhiên và đặc thù của Huế trong việc thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, gắn với các hành lang kinh tế, đảm bảo phù hợp với quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia. Song song đó, địa phương đã phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò, vị thế là đô thị trung tâm, là trung tâm văn hoá, du lịch; trung tâm y tế; trung tâm khoa học công nghệ và trung tâm giáo dục và đào tạo của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, cấp quốc gia, cấp khu vực Đông Nam Á và quốc tế.

Theo Quyết định số 1745/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã nhấn mạnh phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế đó là: “Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, bền vững, trong đó dịch vụ đóng vai trò chủ đạo với du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, dịch vụ cảng biển, dịch vụ hậu cần và vận tải, đào tạo nguồn nhân lực là nồng cốt; chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là đột phá; công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng”.

 Từ định hướng trên, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo vào trong các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội của tỉnh sẽ là nhân tố quyết định đến năng lực cạnh tranh của địa phương và doanh nghiệp. Do đó, địa phương đã tập trung các nguồn lực đặt hàng các đề tài nghiên cứu, dự án KH&CN, triển khai đồng loạt các chương trình, đề án hướng vào các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo là những giải pháp quan trọng để thực hiện đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, tăng năng suất lao động.

Cụ thể, trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp: tỉnh tập trung xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN nhằm đổi mới, cải tiến các biện pháp canh tác gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa. Lĩnh vực khoa học xã hội: Tập trung hỗ trợ tạo lập, khai thác, quản lý và phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đặc thù, có tiềm năng phát triển của địa phương. Đối với lĩnh vực khoa học kỹ thuật: Tập trung nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KHCN phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh. Đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên: Tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, nâng cao năng lực dự báo, phòng, tránh thiên tai, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và lĩnh vực khoa học y – dược: Tập trung nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân; nghiên cứu, lựa chọn các loài dược liệu tiềm năng để phát triển, tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc và hướng đến thương mại hóa sản phẩm,…)

Song song đó, nhằm khai thác và phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên bản địa, tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tỉnh Thừa Thiên Huế luôn duy trì và tổ chức thường niên các Cuộc thi, Giải thưởng như: Cuộc thi về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế; Giải thưởng Cố đô về KH&CN; Giải thưởng sáng tạo nữ Cố đô; Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh… gắn với bảo hộ và khai thác quyền SHTT. Qua đó, khuyến khích các nhà khoa học, các nhân, tổ chức, doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, tạo ra các sáng chế, các giải pháp công nghệ, tham gia tích cực vào quá trình cung cấp các giải pháp công nghệ, các mô hình đổi mới sáng tạo để giải quyết các bài toán đặt hàng từ thực tiễn địa phương và khu vực.

 Thừa Thiên Huế – Địa phương nỗ lực trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo

Cùng với tiềm năng về tài nguyên bản địa, văn hoá, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, bên cạnh có đội ngũ nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao so với toàn vùng. Đây là những lợi thế để tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy mạnh hoạt khởi nghiệp sáng tạo, thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn, doanh nghiệp đến khai phá, phát triển các ngành kinh tế – xã hội trọng điểm tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định số 1938/QĐ-UBND về Phê duyệt Đề án Cố đô khởi nghiệp, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trong đó định hướng rõ những quan điểm, giải pháp phát triển hệ sinh thái Cố đô khởi nghiệp cho đến việc ban hành, kiến tạo các chính sách, môi trường hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khởi nghiệp, Tỉnh ủy đã quan tâm, ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH&CN lớn của miền Trung và của cả nước. HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết 21/2020/NQ-HĐND Quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và Nghị quyết 22/2020/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2030. Đến nay có thể khẳng định rằng, hệ sinh thái Cố đô khởi nghiệp đã có đầy đủ những điều kiện cơ sở pháp lý để ngày càng phát triển và hoàn thiện.

Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế còn tận dụng và tranh thủ những nguồn lực hỗ trợ của quốc gia trong triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ nâng cao năng lực của địa phương trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” của Thủ tướng Chính phủ. Thông qua các hoạt động này, địa phương đã tiệm cận được những quan điểm, định hướng chung trong chiến lược xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, minh chứng cho thấy, hệ sinh thái cố đô khởi nghiệp bước đầu đã giải quyết được các bài toán đặt hàng của chính quyền, các bài toán của nền kinh tế.

Có thể thấy, sự phát triển rõ nét nhất của hệ sinh thái Cố đô khởi nghiệp trong những năm qua chính là đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ứng dụng có chiều sâu các mô hình đổi mới sáng tạo trong giải quyết vấn đề môi trường, phát triển xanh và bền vững. Đẩy mạnh hơn việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào các hoạt động dịch vụ về lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, kinh doanh tại địa bàn tỉnh. Ngoài ra, những lĩnh vực cung cấp giải pháp, dịch vụ hệ sinh thái đô thị thông minh như: thanh toán, tài chính, bán hàng, logistics cũng đã được tăng cường ứng dụng.

Nhằm tạo sự đột phá, thu hút nguồn lực thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo gắn với khai thác tiềm năng các ngành kinh tế – xã hội trọng điểm, tỉnh Thừa Thiên Huế đề ra một số giải pháp sau:

Thứ nhất, định vị các ngành kinh tế xã hội trọng điểm dựa trên tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương

Các cấp ủy, chính quyền cần xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo dựa trên tiềm năng thế mạnh của từng ngành, từng địa phương.

Tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo với hình thức, quy mô phù hợp, khuyến khích những ý tưởng mới, những ý tưởng sáng tạo, đột phá phù hợp theo định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh gắn khởi nghiệp sáng tạo với việc xây dựng 04 trung tâm theo các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy đó là: Trung tâm Văn hóa – Du lịch; Trung tâm KH&CN; Trung tâm Y tế chuyên sâu; Trung tâm Giáo dục – Đào tạo.

Thứ hai, xây dựng các cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn, khuyến khích nhà khoa học tham gia nghiên cứu, kiến tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư

Tăng cường, xây dựng cơ chế đặt hàng, ưu tiên giao nhiệm vụ cho các viện nghiên cứu, các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp thông qua các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, và cấp quốc gia để phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm KH&CN tiêu biểu của địa phương và của vùng.

Chủ động đặt ra những bài toán thiết thực cho hệ sinh thái khởi nghiệp trong phát triển các công nghệ mới, hiện đại, hình thành các ngành nghề lĩnh vực mới.

Thiết lập cơ chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy hợp tác, thu hút các chuyên gia giỏi, các công nghệ mới về ứng dụng tại địa phương, phục vụ quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và khu vực.

Thứ ba, đặt mối quan hệ của doanh nghiệp, địa phương trong mối quan hệ của vùng và liên vùng, kết nối trong và ngoài nước

Đặt doanh nghiệp là trọng tâm trong hỗ trợ, đẩy mạnh ứng dụng KHCN và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo vào trong các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội của địa phương và của khu vực.

Các tổ chức KH&CN, viện nghiên cứu, các nhà đầu tư cùng đồng hành với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo địa phương trong nghiên cứu ứng dụng KH&CN vào lao động, sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế của sản phẩm hàng hóa.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao

Tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức và năng lực cho đội ngũ nhân lực khởi nghiệp.

Lồng ghép, đưa nội dung khởi nghiệp vào các cấp học bằng nhiều hình thức phù hợp để khơi dậy khát vọng khởi nghiệp trong tầng lớp học sinh, sinh viên, phấn đấu mỗi trường Đại học, Cao đẳng là một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo thu nhỏ, góp phần cung cấp kết nối nguồn lực cho hệ sinh thái Cố đô khởi nghiệp của tỉnh.

Tổ chức các sự kiện, diễn đàn kết nối các thành tố, nguồn lực hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; quy tụ, thu hút các công ty, tập đoàn công nghệ về Huế cùng tham gia, hỗ trợ các doanh nghiệp, start up phát triển các sản phẩm, dịch vụ KHCN&ĐMST.

Thứ năm, đánh giá tổng thể bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng chiến lược và định hướng lộ trình phát triển phù hợp

Quan tâm xây dựng các chính sách hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp, chính sách khuyến khích khởi nghiệp ở các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của tỉnh.

Xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm đạt giải cao tại các các Cuộc thi, sản phẩm từ các nhiệm vụ KHCN góp phần khuyến khích phong trào nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

Ưu tiên, các tổ chức, cá nhân thực hiện các nhiệm vụ KH&CN nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mới trong phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương và khu vực gắn với khai thác quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và khởi nghiệp sáng tạo.

Có cơ chế tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp có điều kiện tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, kiến tạo môi trường thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo thông qua các chương trình, đề án phát triển.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác, kết nối nguồn lực phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo

Đầu tư, xây dựng các thiết chế KH&CN, trung tâm ươm tạo, công viên khoa học, trung tâm KH&CN, các tổ chức trung gian hỗ trợ nhà đầu tư hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trong kết nối cung cầu công nghệ, thúc đẩy, chuyển giao công nghệ, thương mại hoá kết quả nghiên cứu để giải quyết các bài toán phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương.

Đẩy mạnh liên kết với mạng lưới các chuyên gia, nhà đầu tư, các quỹ đầu tư khởi nghiệp trong nước và quốc tế hỗ trợ các nguồn lực phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, góp phần tạo nên những “kỳ lần” tầm cỡ khu vực và quốc tế. Từng bước, trở thành điểm đến hấp dẫn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới.

Tài liệu tham khảo

  1. Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 về việc Phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
  2. Quyết định số 1745/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.
  3. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

(*) Bài viết đã được sử dụng tại Bản tin Khoa học và Công nghệ tháng 9/2024

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email