Tác giả: Thủy Tiên
Ngày 16/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (Liên hiệp Hội) đã tổ chức đoàn công tác làm việc với UBND huyện Quảng Điền, đây là hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển các hoạt động của hội thành viên, xác định nhu cầu thực hiện nhiệm vụ khoa học và kỹ thuật góp phần cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế cho các địa phương.
Tham dự buổi làm việc, về phía địa phương có ông Nguyễn Ngọc Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện và các đại diện từ các phòng ban liên quan. Tham gia cùng đoàn công tác Liên hiệp Hội là các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại buổi làm việc, các thành viên tham dự đã thảo luận về việc đánh giá tiềm năng thiết lập vùng nguyên liệu canh tác cây nưa tạo sản phẩm nông nghiệp sạch cho mục tiêu thực phẩm thân thiện phục vụ du lịch.
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu
TS Hồ Đắc Thái Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp Hội phát biểu
Theo TS Hồ Đắc Thái Hoàng, Liên hiệp Hội có nhiệm vụ kết nối và giới thiệu giữa các bên liên quan nhằm phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng từ cây nưa, phục vụ du lịch, cải thiện sinh kế người dân. Bên cạnh đó cũng mong muốn lắng nghe thêm thông tin về cây nưa tại địa phương, nhằm phát triển các hoạt động nghiên cứu và sản xuất liên quan như diện tích, thời vụ và đặc điểm canh tác, lưu ý trong quá trình canh tác, sâu bệnh; quan điểm của huyện về quy trình trồng và sản xuất cây nưa để có thể xây dựng và phát triển sản phẩm thương hiệu của huyện…
Trình bày về tiềm năng cây nưa, Viện Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho biết trong thời gian vừa qua đã tiến hành các nghiên cứu sơ bộ về cây nưa để xem xét tiềm năng của cây nưa trong việc nâng cấp các sản phẩm liên quan và điều trị hiệu quả trong tương lai. Các nghiên cứu này đã đánh giá ưu nhược điểm, những hạn chế, và khả năng phát triển của cây nưa. Hiện tại Viện cũng đã có khu vực nghiên cứu và sản xuất đúng tiêu chuẩn, các sản phẩm công nghệ sơ bộ được kiểm tra, và có sự quan tâm đầu tư từ doanh nghiệp, điều này giúp nâng cao sự tự tin trong việc xây dựng chuỗi giá trị liên quan đến du lịch, sức khỏe.
PGS.TS Nguyễn Thị Ái Nhung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học công nghệ trình bày về cây nưa
Về phía huyện và ban ngành liên quan cũng nêu ra các ý kiến, giải pháp và đề xuất liên quan đến cây nưa. Trong những năm qua, việc trồng nưa trên địa bàn huyện vẫn gặp nhiều khó khăn, với diện tích trồng chưa tăng đáng kể và đầu ra sản phẩm còn hạn chế. Thêm vào đó, thời tiết bất lợi, lũ lụt và mưa kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến năng suất cây nưa. Tuy nhiên, UBND huyện Quảng Điền cũng nhấn mạnh nưa có thế mạnh, tiềm năng lợi ích để tạo ra sản phẩm đa dạng, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, làm chuỗi du lịch. Huyện đề xuất một số giải pháp như nghiên cứu trồng chuyên canh, quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, cấp mã vùng cho cây nưa nhằm tăng cường chuỗi giá trị, quảng bá sản phẩm từ nưa, tuyên truyền vận động người dân để tạo sự nhận thức và tham gia của cộng đồng vào các hoạt động phát triển sản phẩm từ nưa,…
Một số đơn vị trình bày ý kiến
Về phía Liên hiệp Hội và các chuyên gia cũng đưa ra các ý kiến đề xuất như: Xây dựng bản đồ tiềm năng vùng nguyên liệu cây Nưa để xác định các khu vực trồng phù hợp và tối ưu hóa nguồn cung, trồng luân quanh qua các năm, nghiên cứu chế biến các sản phẩm ẩm thực từ cây nưa. Cần xây dựng kế hoạch triển khai cho năm 2025 giữa các bên, có lộ trình trồng và phát triển cây nưa phù hợp, tiếp tục nghiên cứu sâu bệnh, thổ nhưỡng để có các giải pháp xử lý, ký kết hợp đồng để có sự cam kết chặt chẽ và đảm bảo lợi ích giữa các bên liên quan. Để đạt được thành công, cần có sự chung tay hợp tác giữa chính quyền địa phương, nhà khoa học, nhà nông và doanh nhiệp.
Cây nưa là cây có thế mạnh và tiềm năng phát triển tốt tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt tại huyện Quảng Điền, nhưng sản phẩm từ nưa vẫn chưa được phổ biến và thương mại hóa. Chính vì vậy, nghiên cứu đánh giá tiềm năng, phát triển và thương mại hóa sản phẩm từ nưa là rất cần thiết. Việc này không chỉ giúp tạo ra thương hiệu đặc trưng cho huyện mà còn tạo sinh kế cho người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương, bảo tồn nguồn gen dược liệu bản địa và đa dạng hóa sản phẩm./.