Tình trạng căng thẳng của Nhân viên Y tế Tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại COVID-19: Bằng chứng qua một nghiên cứu tại tâm dịch thành phố Đà Nẵng năm 2020

Đại dịch COVID-19 đang có những diễn biến khó lường, với sự xuất hiện của biến thể mới với khả năng lây nhiễm mạnh khiến việc ngăn chặn dịch gặp nhiều khó khăn, và là một thách thức lớn cho hệ thống Y tế Thế giới nói chung là Việt Nam nói riêng với hơn 150 ngàn ca mắc tại 51 tỉnh thành, hơn 1300 ca tử vong tính đến ngày 30/7/2021. Trước đó, vào giữa năm 2020, sau 99 ngày không có ca nhiễm cộng đồng, đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ hai xuất hiện vào ngày 17 tháng 7 với tâm dịch tại Đà Nẵng, một thành phố du lịch ở vùng duyên hải Trung bộ với tổng cộng đã có 551 ca nhiễm được ghi nhận khắp cả nước trong thời gian từ 17/7 đến 10/9/2020.

Trong đợt bùng phát COVID-19 này, bệnh viện Đà Nẵng trở thành một điểm nóng với 246 ca nhiễm COVID-19 lây lan giữa bệnh nhân, người chăm sóc bệnh nhân và NVYT (19 ca). Điều này đã khiến khối lượng công việc của nhân viên Y tế (NVYT) tăng lên, thời gian làm việc kéo dài với áp lực lớn trong nỗ lực vừa đảm bảo chống dịch, vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh.

NVYT là nhóm có nguy cơ bị nhiễm cao trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn tiếp diễn. Trên thực tế, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao do COVID-19 ở NVYT được ghi nhận toàn cầu. Đối mặt với đại dịch COVID-19, NVYT bị phơi nhiễm cả về thể chất lẫn các yếu tố căng thẳng tâm lý gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của họ. Các yếu tố như không đủ trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), thời gian làm việc dài, khối lượng công việc lớn, lo lắng về việc bị ốm và có thể lây bệnh cho người thân có thể đã làm tăng thêm stress cho NVYT trong công tác chống dịch COVID-19. Thêm vào đó, kỳ thị NVYT làm việc trong môi trường có tính lây nhiễm cao gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tâm thần của họ [6]. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng bị stress (căng thẳng) ở NVYT có tỷ lệ phổ biến cao, dao động từ 2.2% đến 41.2% tùy thuộc vào chuyên môn, loại hình hoạt động, và mức độ tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm COVID-19. Tình trạng bị stress kéo dài không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tâm thần mà còn ảnh hưởng đến chất lượng công việc của các NVYT.

Viện Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng, phối hợp cùng Hội Y tế Công cộng – Y học dự phòng tỉnh Thừa Thiên Huế và Sở Y tế tp. Đà nẵng đã tiến hành nghiên cứu về tình trạng căng thẳng ở nhân viên Y tế tuyến đầu đang đảm nhiệm các công tác phòng chống dịch trong thời điểm dịch bùng phát. Nghiên cứu này đã tiếp cận được hơn 1000 cán bộ Y tế từ bác sỹ, điều dưỡng đến nhân viên xét nghiệm, nhân viên y tế cơ sở với nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, hỗ trợ hậu cần, lái xe cấp cứu… Sau quá trình làm sạch, 746 NVYT tuyến đầu đã được đưa vào nghiên cứu, và kết quả của chúng tôi cho thấy 44,6% NVYT đang chịu các mức độ căng thẳng khác nhau, từ mức độ nhẹ (14,5%) đến mức động nặng (15,5%) và đặc biệt nặng với 3,3%. Bên cạnh đó, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy NVYT phải làm việc với cường độ cao với một khối lượng công việc lớn, thời gian làm việc trên 48 tiếng mỗi tuần (từ 40 đến 56 tiếng/tuần).

Trong nghiên cứu của chúng tôi, tình trạng bị stress phổ biến ở nhóm chịu trách nhiệm trực tiếp điều trị và chăm sóc bệnh nhân, gồm các bác sĩ và y tá, lần lượt là 50.3% và 46.3%. Công việc quá tải, tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng, kèm theo nỗi sợ bị mắc bệnh và lây cho người thân là các yếu tố stress trong nhóm này. Các nhân viên phòng xét nghiệm cũng có tỷ lệ bị stress cao với những công việc tiếp xúc với các mẫu bệnh phẩm thông qua quá trình lấy máu, dịch tỵ hầu hoặc họng. Việc xử lý mẫu bệnh phẩm từ người nghi nhiễm hoặc bệnh nhân làm tăng khả năng phơi nhiễm, dẫn đến gia tăng khả năng bị stress. Thêm vào đó, công việc quá tải và phải sử dụng PPE suốt thời gian dài dưới thời tiết nóng bức khiến các nhân viên phòng xét nghiệm bị stress nhiệt, gây ảnh hưởng đến chất lượng cả nhận thức và thể chất, làm tăng cao khả năng bị stress.

Hình 1: Cán bộ y tế tới từng phòng theo dõi sức khỏe bệnh nhân (nguồn: https://moh.gov.vn/)

     Qua nghiên cứu này, chúng tôi nhận thấy rằng tổ chức tốt các hoạt động y tế phù hợp với việc bố trí, sắp xếp công việc, thời gian lao động hợp lý sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng căng thẳng ở NVYT, bên cạnh đó là việc trang bị đầy đủ PPE. Trên thực tế, việc các NVYT được trang bị PPE đạt chất lượng giúp họ cảm thấy được bảo vệ khỏi phơi nhiễm vi-rút, và hạn chế khả năng lây sang thành viên gia đình khi họ về nhà.

Mặc dù tỉnh Thừa Thiên Huế không phải là vùng tâm dịch, nhưng chúng tôi hi vọng với những kết quả của nghiên cứu này, các nhà chính sách sẽ có góc nhìn phù hợp và quan tâm đến vấn đề áp lực, căng thẳng ở nhân viên Y tế đang phòng chống dịch, từ đó có các biện pháp/chính sách dự phòng trong trường hợp phải đối mặt với số ca bệnh tăng cao trên địa phương. Điều này không chỉ giúp tỉnh nhà đối phó với dịch tốt hơn, mà còn góp phần bảo vệ những NVYT đang ngày đêm đối mặt với kẻ địch vô hình – COVID-19.

Hình 2: Hội Y tế Công cộng và Y học dự phòng tỉnh TT-Huế tặng quà và khẩu trang y tế  cho CBYT Bệnh viện thành phố Thủ Đức trong đợt chống dịch COVID-19  vào ngày 27/7/2021

 

Võ Văn Thắng1,2, Nguyễn Phúc Thành Nhân1,2, Lê Đình Dương1,2, Trần Đình Trung3

1 Khoa YTCC và Viện Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng, Đại học Y Dược Huế

2 Hội Y tế Công cộng và Y học dự phòng tỉnh TT-Huế

3 Khoa YTCC, Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email