Tiền đái tháo đường là gì? Tiền đái tháo đường (ĐTĐ) là tình trạng rối loạn chuyển hóa glucose, được xem như là giai đoạn phía trước của bệnh ĐTĐ thực sự, bao gồm các tình huống: Rối loạn glucose lúc đói (impaired fasting glucose =IFG) hoặc rối loạn dung nạp glucose (impaired glucose tolerance = IGT). Gần đây Hiệp hội ĐTĐ Hoa kỳ bổ sung một tình huống Tiền ĐTĐ dựa vào định lượng HbA1C. Cả 3 tình huống này đều tăng glucose máu, nhưng chưa đạt mức chẩn đoán ĐTĐ thật sự. (HbA1C là một trị số trung bình của glucose máu trong 3 tháng)
Những người được coi là tiền ĐTĐ chỉ cần có 1 trong 3 tình huống sau đây:
– Hoặc rối loạn glucose lúc đói (IFG): được chẩn đoán khi glucose máu đói (không ăn quá 8 giờ) trong khoảng: 100 – 125mg/dL (5,6 – 6,9mmol/L).
– Hoặc rối loạn dung nạp glucose (IGT): được chẩn đoán khi glucose máu 2 giờ sau test uống 75g glucose trong khoảng: 140 – 199mg/dL (7,8 – 11mmol/L).
– Hoặc HbA1C từ 5,7 – 6,4%. HbA1C có thể xét nghiệm bất kỳ lúc nào.
Với 3 xét nghiệm trên đây, nếu glucose máu đói ≥ 7mmol/L hoặc glucose máu 2 giờ sau test uống 75g glucose ≥ 11,1mmol/L hoặc HbA1C ≥ 6,5% là đã mắc bệnh ĐTĐ (theo các khuyến cáo, để chắc chắn cần 2 lần xét nghiệm đạt tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh).
Về dịch tễ: Có khoảng 41 – 54 triệu người lứa tuổi từ 40 – 74 tuổi ở Hoa kỳ bị tiền ĐTĐ, từ số này gây gia tăng nguy cơ bệnh ĐTĐ týp 2, thương tổn tim mạch, đột quỵ. Theo Liên đoàn ĐTĐ quốc tế năm 2012 thế giới có khoảng 280 triệu người bị tiền ĐTĐ dự đoán sẽ tăng lên 400 triệu người vào năm 2030, những nơi tỷ lệ tăng cao là châu Phi và Tây Thái bình dương.
Về cơ chế gây bệnh, trong giai đoạn tiền ĐTĐ đã xuất hiện tình trạng đề kháng insulin, là bước khởi đầu trong tiến trình xuất hiện ĐTĐ týp 2.
Bệnh ĐTĐ là căn bệnh nguy hiểm, gây nên nhiều biến chứng ở tim mạch, thần kinh, mắt, thận và nhiều rối loạn chức năng khác trên hầu hết các cơ quan của cơ thể. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh ngay trong giai đoạn tiền ĐTĐ dù glucose máu chỉ tăng ít cũng đã xuất hiện biến chứng trên nhiều cơ quan, nhất là biến chứng tim mạch, và khi bệnh chuyển thành ĐTĐ thật sự, biến chứng càng nhiều hơn và nặng hơn. Do đó quan điểm hiện nay, cần quan tâm điều trị ngay trong giai đoạn này của bệnh.
Nếu không quan tâm phát hiện và có biện pháp phòng ngừa, mỗi năm có từ 5-15% trong số người tiền ĐTĐ chuyển thành bệnh ĐTĐ thật sự. Tuy nhiên diễn biến đến ĐTĐ không phải là không phòng tránh được, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy nếu thay đổi lối sống thích hợp, kết hợp dùng thuốc tùy trường hợp có thể làm chậm, thậm chí ngăn ngừa sự xuất hiện ĐTĐ týp 2 thật sự.
Thay đổi lối sống với tiết thực giảm năng lượng và gia tăng hoạt động thể lực có tác động trực tiếp giúp cải thiện tình trạng kháng insulin và tỷ lệ xuất hiện ĐTĐ như đã nêu trên.
Những người có nguy cơ bị tiền ĐTĐ và ĐTĐ:
– Thừa cân, béo phì, nhất là béo bụng (Vòng bụng >90cm với nam, >80cm với nữ)
– Ít vân động, không tập thể dục
– Tuổi lớn
– Gia đình có người thân gần huyết thống bị ĐTĐ (nhất là bố, mẹ, anh chị em ruột)
– Tiền sử đã bị ĐTĐ thai kỳ (Nữ)
– Hội chứng buồng trứng đa nang (Nữ)
– Tiền sử sinh con nặng cân >4kg (Nữ)
– Tăng huyết áp
– Rối loạn mỡ máu
– Thói quen ăn nhiều thức ăn có đường
– Stress
– Dùng thường xuyên các thuốc gây tăng glucose máu.
Biện pháp phòng tránh và điều trị:
– Cần xét nghiệm glucose máu định kỳ, nhất là với những người có nguy cơ nêu trên.
– Tránh thừa cân béo phì
– Tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút mỗi ngày, mỗi tuần ít nhất 150 phút, vận động vừa sức, người cao tuổi cần có tư vấn để tránh tai biến khi vận động.
– Có một cuộc sống lành mạnh nói chung, hạn chế thức ăn chứa đường, tránh rượu bia, thuốc lá, sống thanh thản, đầy đủ giấc ngủ.
– Nếu đã bị tiền ĐTĐ, cần dùng thuốc Metformin với những người < 60 tuổi, hoặc quá béo (BMI ≥ 35kg/m2 , BMI: chỉ số khối cơ thể = Trọng lượng -kg/ Chiều cao2 – m2), hoặc phụ nữ có tiền sử ĐTĐ thai kỳ. Đồng thời cần thăm dò các biến chứng về tim mạch ở mọi thể tiền ĐTĐ.
GS.TS. Trần Hữu Dàng