Thuốc lá thế hệ mới – Hệ lụy khó lường

Tác giả: TS.BS. Nguyễn Đức Hoàng

Những năm gần đây, dù đã có nhiều cảnh báo về tác hại và các vấn đề xung quanh. Song, việc sử dụng thuốc lá điện tử ở một bộ phận, nhất là giới trẻ vẫn diễn ra âm ỉ. Lợi dụng việc này, các đối tượng phạm tội đã pha trộn một số chất ma túy thế hệ mới vào tinh dầu của thuốc lá điện tử. Tuy đã được khuyến cáo về tác hại của các loại thuốc lá thế hệ mới nhưng nhiều người vẫn chủ quan, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.

Thống kê sử dụng thuốc lá thế hệ mới

Hiện nay, số lượng người hút thuốc lá điện tử ngày càng có xu hướng gia tăng, đặc biệt là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên. Theo số liệu từ Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% (2019) lên 8,1% (2023); ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% (2022) lên 8% (2023). Có thể thấy, chỉ sau 3 năm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể và đang gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của các em. Đa số học sinh, sinh viên sử dụng thuốc lá điện tử như trào lưu để “chứng minh bản thân”, “sang chảnh”. Thậm chí, nhiều trường hợp còn nghĩ thuốc lá điện tử thay thế cho thuốc lá điếu truyền thống nên “vô hại”. Đây là suy nghĩ sai lầm khi chưa nhận diện được hết những nguy cơ, tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe khi sử dụng thuốc lá điện tử.

Nghiên cứu năm 2020 của Tổ chức Y tế thế giới về sức khỏe thanh, thiếu niên cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở nhóm 13-17 tuổi của Việt Nam chiếm 2,6%. Việc xuất hiện tràn lan các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá dạng hút Shisha được mua bán, quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội nhằm vào giới trẻ hiện nay gây ra những hệ lụy xấu về sức khỏe ở lứa tuổi này. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, cần tăng cường giáo dục, phòng ngừa việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng ở những người chưa hút, đặc biệt ở trẻ em và thanh, thiếu niên. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về những tác hại của các loại thuốc lá, cả truyền thống lẫn thế hệ mới để những người đang sử dụng dần dần từ bỏ, tránh những tác động xấu đến sức khỏe.

Những hệ lụy của thuốc lá thế hệ mới

Theo các chuyên gia y tế, chất nicotine trong các sản phẩm thuốc lá điện tử thế hệ mới là chất gây nghiện mạnh, làm cho người sử dụng sẽ trở nên phụ thuộc vào các sản phẩm này, đồng thời gây ra nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe.

Chất nicotine có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở lứa tuổi thanh thiếu niên, thậm chí có thể gây tổn thương bào thai (dẫn đến cân nặng sơ sinh thấp, tăng nguy cơ đẻ non và tăng nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh). Không những thế, khói thuốc lá thế hệ mới có chứa các chất gây ung thư, làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày, tổn thương phổi không hồi phục,… ở người sử dụng chúng.

Mặt khác, nhiều loại thuốc lá điện tử sử dụng các hương liệu tạo mùi thơm hấp dẫn (mùi bạc hà, cam, dâu tây, sô cô la, caramen,…) có thể dẫn đến ngộ độc ở trẻ nhỏ do uống nhầm hoặc kích thích trẻ em, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử. Đây cũng là con đường đưa các em đến việc sử dụng các chất gây nghiện khác như hút thuốc lá truyền thống, sử dụng rượu bia, ma túy,… Một hệ lụy khác khi sử dụng các loại thuốc lá thế hệ mới là các sản phẩm này sử dụng pin để làm nóng và tạo ra dạng hơi, vì vậy làm tăng nguy cơ bỏng và các tai nạn khác (như nổ từ thiết bị sạc điện bị lỗi hoặc sử dụng sai). Đặc biệt, các phân tích về phơi nhiễm thụ động với khói thuốc lá điện tử cũng cho thấy người không hút thuốc khi phơi nhiễm thụ động với hơi thuốc lá điện tử hấp thu lượng nicotine tương đương với khi phơi nhiễm với khói thuốc thông thường. Dưới góc độ xã hội, theo nhiều chuyên gia, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng với hình thức bắt mắt, nhiều hương vị tạo sự hấp dẫn, có xu hướng nhắm tới đối tượng là giới trẻ với nhiều hình thức tiếp cận bán hàng qua mạng xã hội, internet, qua app điện thoại,… Điều này sẽ làm ảnh hưởng xấu đến thế hệ tương lai với những nguy hại về sức khỏe khi sử dụng.

Theo các chuyên gia hiện tại các thanh, thiếu niên là lứa tuổi đang phát triển, đang định hướng, trưởng thành về tâm lý và nhân cách. Giai đoạn này, các em chịu tác động và ảnh hưởng không nhỏ của gia đình, môi trường sống và giáo dục của nhà trường, xã hội, nếu không có sự giám sát, định hướng đúng, các em dễ bị rủ rê thực hiện các hành vi xấu để chứng minh bản thân, trong đó có hành vi hút thuốc lá; nhiều em chưa nhận thức và hiểu được về những hậu quả của khói thuốc gây ra. Ở tuổi thanh thiếu niên, cơ thể đang phát triển, không đủ kháng thể để chống lại những tác nhân độc hại từ khói thuốc lá nên các bộ phận cơ thể dễ bị chất độc tàn phá nhanh chóng.

Theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế, lệ thuộc nicotine được phân loại, một bệnh thuộc loại rối loạn do sử dụng chất kích thích hoặc các hành vi gây nghiện. Vì vậy, người hút thuốc lá rất khó bỏ ngay cả khi biết rất rõ về tác hại của việc hút thuốc.

Dự phòng tác hại của thuốc lá thế hệ mới

Để giảm thiểu các tổn thất về sức khỏe học sinh, tạo môi trường học đường trong sạch, lành mạnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tác hại của thuốc lá và các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bên cạnh đó, phổ biến rộng rãi về tác hại của các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha cho học sinh, giáo viên, người lao động tại cơ sở giáo dục. Đặc biệt, cần tiếp tục xây dựng môi trường, trường học không khói thuốc; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán và sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha tại các cơ sở giáo dục. Đồng thời, trước những mối nguy hiểm tiềm ẩn của thuốc lá điện tử, gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp trong việc truyền thông, giáo dục cho trẻ vị thành niên hiểu rõ những tác hại nghiêm trọng của thuốc lá điện tử. Qua đó, các em có thể tự mình tránh xa các loại thuốc lá, không để những ảnh hưởng xấu của thuốc lá tác động đến sức khỏe cùng các bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ mắc phải

Bộ Y tế đang đề xuất cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá điện tử vì đây là các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Tính đến nay, đã có ít nhất 34 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử, có 7 quốc gia áp dụng quy định quản lý chặt chẽ như cấp phép dược phẩm, nhưng chưa có bất kỳ sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn cấp phép lưu hành trên thị trường. Trong khu vực ASEAN, đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử gồm: Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email