Thành công
Người mà tôi bám khá kỹ để theo dõi kết quả thụ tinh ống nghiệm của Bệnh viện Trung ương Huế (BVTUH) là bác sĩ Lê Việt Hùng, Trưởng phòng Vô sinh. Kể từ khi nhóm chuyên gia rời khỏi Huế, tôi luôn hồi hộp muốn biết kết quả của kỹ thuật TTTON nên những ngày sau, thỉnh thoảng cứ a lô làm phiền bác sĩ Hùng Yên tâm! Chờ một thời gian nữa, siêu âm có kết quả, tôi sẽ báo tin. Tôi tin rằng kết quả sẽ tốt thôi. – Bác sĩ Hùng nói trong tâm trạng còn… hồi hộp hơn tôi nhiều. 48 ngày sau khi triển khai kỹ thuật TTTON, ngày 31-12, bác sĩ Hùng báo tin Kết quả trong 34 trường hợp TTTON đầu tiên có năm trường hợp bị nội mạc tử cung nên phôi được cất trữ lại, 29 trường hợp còn lại chuyển phôi với kết quả có thai 14 trường hợp, trong đó siêu âm 8 trường hợp có túi thai và tim thai (3 trường hợp song thai, 5 trường hợp một thai). Dự đoán khoảng tháng 7-2008, Huế sẽ có hơn mười em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên ra đời.
Từ đó, tôi luôn sống trong tâm trạng của một bà mẹ chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng. Tôi nhớ có một tài liệu nói rằng: Tâm trạng của người mẹ, người cha cũng như bác sĩ chờ kết quả những ca thụ tinh trong ống nghiệm giống người đi trên dây. Hồi hộp, hạnh phúc, hi vọng, hay sợ hãi được đặt trên sợi dây ấy. Không hiểu sao, tôi cũng nôn nao trong tâm trạng như vậy!
Hạnh phúc
Như một cơ duyên. Mùa hè với Khoa Sản BVTUH là sự khởi đầu của công việc TTTON. Một năm sau, tại đây mùa hè lại đem đến hoa thơm trái ngọt cho người hiếm muộn. Ngày 22-7-2008, bác sĩ Hùng báo tin vui: 5 bà mẹ đã đến ngày sinh rồi. Hôm nay, chúng tôi sẽ tiến hành phẫu thuật để đón các em bé. Trong ngày hôm ấy, hạnh phúc ngập tràn ở 5 gia đình, trong đó có một bà mẹ đã sinh đôi, một bé trai và một bé gái đều có trọng lượng 2,5kg. Các bà mẹ dù vẫn còn đau đớn do vết mổ, nhưng trên gương mặt họ bừng sáng niềm vui. Họ như những nhành cây khô héo gặp được làn mưa xuân phơi phới. Chị có thể vào thăm các cháu. Bác sĩ Bạch Cẩm An, Trưởng Khoa Sản và bác sĩ Hùng nói với tôi sau khi từ phòng mổ bước ra. Không ngoa, từ ngày quen biết 2 vị bác sĩ đến nay, đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy nụ cười tươi tắn nhất trên gương mặt họ. Từng bé một được các cô điều dưỡng đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt. Không giống khi đang nằm trong bụng mẹ. Môi trường mới quá lạ lẫm, nên bé nào cũng phản xạ, khóc rất to trong nụ cười rạng rỡ của những người lớn. Tất cả người nhà bệnh nhân, bác sĩ và những người thực hiện kỹ thuật TTTON đều chúc mừng lẫn nhau. Tôi nhìn thấy người đàn ông khoảng gần 40 tuổi mà tôi vẫn thường gặp khi đem vợ đi khám. Khác hẳn với vẻ giản dị, rầu rĩ hàng ngày, hôm nay trong anh trẻ trung trong mái tóc cắt cao và bộ áo quần híp hóp. Anh ôm một bó hoa to tặng bác sĩ và nói: Con trai tôi đã ra đời, ngay bên cạnh tôi đây, mà cứ ngỡ mình đang mơ. Hơn 10 năm khát khao, hôm nay tôi không chỉ được làm cha, mà còn có quí tử. Tôi xin cảm ơn các anh chị ở đơn vị TTTON và BVTƯ Huế, những người đã đem lại hạnh phúc cho đại gia đình chúng tôi.
Sau đó vài ngày, nhóm hỗ trợ kỹ thuật TTTON HOSREM bay ra Huế để chia vui cùng BVTƯ Huế. Bác sĩ Hồ Mạnh Tường xúc động: Đây là Trung tâm TTTON thứ 10 trên toàn quốc được thành lập. Chúng tôi từng chuyển giao kỹ thuật này cho rất nhiều nơi, nhưng dù còn gặp nhiều khó khăn về thiết bị và nhân lực nhưng đơn vị đã thực hiện rất thành công, đạt kết quả cao ngay từ những trường hợp đầu tiên. Sự thành công này được đánh giá qua tính hiệu quả và tính an toàn. Hiệu quả của chương trình được thể hiện qua tỉ lệ thai lâm sàng 35,7% (trên chuyển phôi tươi) và 42% (trên chuyển phôi trữ). Các bác sĩ ở đây đã làm chủ được nhiều kỹ thuật mới và khó.
Từng ngày đi qua, tôi liên tục nhận được tin vui từ Trung tâm TTTON. Những người quen của tôi khi gặp ở phòng khám hiếm muộn đa số đều đã tìm được hạnh phúc khi nỗi khát khao lớn nhất trong đời họ là được làm mẹ đã toại nguyện. Tôi không thể tả hết được nỗi vui mừng của hai vợ chồng người dân tộc Pa kô ở A Lưới khi sinh hạ được một quí tử nặng 3 kg. Có lẽ món quà này cũng là một phần do ông trời đã cảm động trước tình thương của người chồng dành cho vợ mà ban tặng. Khi vợ mang thai người chồng đã bỏ hết mọi công việc, thuê nhà trọ gần bệnh viện để theo dõi thai và chăm sóc vợ chu đáo. Khi vợ sinh con, người chồng vội về lại quê, lao động kiếm tiền nuôi cả gia đình. Chị PSCPS người Lào và chị M. ở Quảng Nam cũng đang bận rộn với con gái yêu của mình. Hôm qua, tôi vừa điện thoại hỏi thăm tình hình chị L. (Quảng Trị) và được biết: Con trai chị đã được 6 tháng. Sức khoẻ tốt, cháu đang tập lật suốt ngày. Trường hợp chị T.T (Huế) không được may mắn như mọi người, nhưng trong cái may, có cái rủi, trong cái rủi có cái may. Lần đầu thụ tinh bị thất bại. T bị sẩy thai đúng vào ngày 23 Tết năm 2009. Dù đã có con gái 15 tuổi, nhưng do khát con trai, nên hai vợ chồng L quyết định TTTON lần thứ hai. Lần này họ đã trúng số độc đắc, tháng 9-2009, hai bé trai (mỗi bé nặng 3 kg) cùng một lúc ra đời. Biết kết quả khi siêu âm, nhưng khi sinh con rồi, mà tôi vẫn ngỡ ngàng, không tin rằng mình một lúc lại có hai đứa con trai. Ba tháng trôi qua, bây giờ tôi vẫn đang sống trong tâm trạng của ngày đầu tiên nhận biết giới tính của con mình qua siêu âm. Còn chị N.P.H (người phụ nữ đã kể với tôi: nhà chồng cho tiền làm TTTON với điều kiện nếu không thành công sẽ phải ly dị chồng?) Lâu rồi không gặp lại, tôi băn khoăn hỏi bác sĩ Hùng. Hiểu được hoàn cảnh chị H, cả Trung tâm đều hết sức cố gắng, nhưng rất tiếc trường hợp này đã thất bại, đến nay bệnh nhân vẫn biệt tăm, nên không hiểu tình cảnh ra sao?- Bác sĩ Hùng buồn bã. Ngực tôi nhói đau! Khuôn mặt mệt mỏi, đôi mắt quầng thâm hằn nỗi đau đớn, tuyệt vọng và thân hình tiều tuỵ của chị H. cứ ám ảnh mãi trong tôi đến tận bây giờ. Chính tình cảnh của chị H càng thôi thúc chúng tôi phải thực hiện tốt hơn nữa kỹ thuật TTTON để mong giảm bớt được áp lực tâm lý, những thiệt thòi, bất hạnh mà người phụ nữ vô sinh thường gánh chịu. Bác sĩ Hùng nói.
Hầu hết các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại đang được triển khai tại Việt Nam đều được áp dụng tại Trung tâm TTTON – Bệnh viện Trung ương Huế như: TTTON cổ điển, TTTON, tiêm tinh trùng vào bào tương trứng, TTTON từ tinh trùng phân lập từ tinh hoàn, xin trứng, trữ lạnh phôi và chuyển phôi trữ theo phương pháp thủy tinh Hoá. Đặc biệt, đơn vị triển khai rất thành công kỹ thuật trữ lạnh phôi và chuyển phôi trữ theo phương pháp THUỶ TINH HÓA giúp làm tăng tỉ lệ có thai và giảm chi phí điều trị (chi phí một chu kỳ chuyển phôi trữ chỉ bằng 10% chi phí ban đầu với tỉ lệ có thai tương đương).
Xuân Hồng
Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế số 4677 ngày 12/12/2009