Sự thật về cái tên Suối Máu

Chưa đầy nửa thế kỷ trôi qua vậy mà sự thật về di tích lịch sử – nơi từng làm nên chiến thắng vang dội của bộ đội ta, từ chiến thắng đó một con suối đã được thay tên. Nhưng sự thật về nó đang dần bị tam sao thất bản.Khe Nghệ lớn là một nhánh của con sông Bồ chảy qua xã Hồng Tiến, huyện Hương Trà, nơi diễn ra trận đánh nhuốm máu cách đây 37 năm.

Tam sao thất bản

Hàng ngày sử dụng nước của con suối để tưới tiêu và phục vụ sinh hoạt, nhưng hầu như người dân nơi đây lại không có một chút thông tin chính xác về con suối. Họ chỉ nghe qua những lời đồn đại: người thì nói đó là máu của bộ đội ta, người thì cho là của địch còn có người lại bảo là của cả hai.

Để chắc chắn, họ giới thiệu cho chúng tôi đến gặp người lớn tuổi nhất ở thôn 3 là ông Nguyễn Văn Tích, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hồng Tiến, đã nghỉ hưu. Ông Tích cho biết, nhà ông sống gần con suối nên sau trận đánh vào tháng 4/1972 tại Khe Nghệ, ông được nghe kể lại như sau: Khi phát hiện một lực lượng lớn quân giặc đang hành quân dưới con suối, quân ta mai phục hai bên và dùng súng bắn, mất tín hiệu, bọn chỉ huy địch tưởng quân mình đã bị tiêu diệt nên cho máy bay thả bom nhằm tiêu diệt ta, vì vậy lực lượng cả hai bên đều bị chết nhưng quân ta chết ít hơn và máu chảy đỏ con suối…

Cũng câu chuyện về con suối nhưng ông Vương Quốc Tre, một cựu chiến binh hiện đang ở thôn 4 lại cung cấp cho chúng tôi một câu chuyện khác. Trong trận đánh năm 1972 tại Khe Nghệ, Trung đoàn 6 là trung đoàn trực tiếp đánh trong trận này. Mục đích của ta là đánh Trung đoàn 2 xe tăng của địch, nhưng trong thời gian phục kích ta phát hiện Trung đoàn 3 bộ binh của địch đang thay quân trang, lau chùi vũ khí tại con suối. Nhận thấy tình hình rất thuận lợi nên không chờ xe tăng nữa mà quyết định đánh luôn và làm mất thông tin của chúng rồi rút gọn. Khi mất liên lạc bọn chỉ huy của chúng cho máy bay ném bom san bằng con suối nhằm tiêu diệt ta, nhưng ta đã rút lâu rồi còn lại chúng đánh chúng. Toàn bộ Trung đoàn 3 của địch bị tiêu diệt, máu chảy đỏ cả con suối, chỉ còn lại hai người sống sót. Ta chỉ bị thương một vài người.

Nguồn gốc Suối Máu

Ông Trần Lưu Chữ, nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 6, trực tiếp chỉ huy trận đánh mà theo ông cái tên Suối Máu bắt nguồn từ trận đánh này.

Sau khi bị thất bại tại đồi Cù Mông, lực lượng của Trung đoàn 1 quân đội ngụy rút dần về Động Tranh. Bị uy hiếp, buộc chúng phải đưa chiến đoàn thiết giáp đến bố trí chốt ở các mỏm nhô ra của cao điểm Cù Mông nhằm án ngự đường 12, đẩy lực lượng ta ra xa, tăng cường bảo vệ ở Động Tranh.

Bộ Tư lệnh Quân khu IV giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 6: Phải nhanh chóng tiêu diệt chiến đoàn thiết giáp địch ở Cù Mông. Do lực lượng của địch mạnh hơn nên muốn tấn công tiêu diệt chúng thì không thể đánh trực diện, phải dùng kế nghi binh đánh lừa địch ra ngoài công sự, ngoài ra do địa hình thuận lợi cho ta nên chúng ta chỉ cần chờ thời cơ tốt nhất.

Đến 8h ngày 5/4/1972, lực lượng nghi binh dùng hỏa lực bắn vào Động Tranh. Cùng lúc, các máy PRC25 của bộ phận thông tin liên tục phát các mệnh lệnh để đánh lạc hướng bọn chỉ huy địch, như: Chỉ thị mục tiêu, bố trí lực lượng, thời gian tiến công vào Động Tranh,….

Lập tức thông tin đã có tác dụng, quá hốt hoảng vì nhầm tưởng một lực lượng lớn chủ lực Việt Cộng đang tổ chức tiến công Động Tranh, chúng liền lệnh cho chiến đoàn thiết giáp cơ động theo trục đường 12 về cứu nguy cho Động Tranh.

Một tiếng sau, lực lượng địch đã lọt vào chỗ phục kích, Tiểu đoàn 6 lập tức phát hỏa chặn đầu. Khối bộc phá 50kg đặt giữa đường 12 nổ hất tung chiếc M41 đi đầu, tạo một hố sâu giữa mặt đường. Đoàn xe bị khựng lại, chúng tập trung toàn bộ hỏa lực bắn mạnh vào Tiểu đoàn 6 hòng tiếp tục tiến quân. Cùng lúc, Tiểu đoàn 1 nổ súng chặn đường lui của chúng.

Loạt đạn đầu, B40 của ta đã bắn cháy cả 3 chiếc xe đi cuối. Ta thừa thắng xông lên, Đại đội 1 bắt sống 3 xe M113. Đồng chí Trọng, Đại đội trưởng Đại đội 1 lệnh cho các chiến sĩ nhảy lên các nóc xe bị bắt, sử dụng súng 12,8 ly hạ nòng bắn quét vào đội hình địch. Chưa đầy 25 phút, Tiểu đoàn 1 đã làm chủ đoạn quyết chiến điểm, bắt sống thêm 2 chiếc M113. Bộ phận đi đầu của địch cố bám vệ đường, bắn như vãi đạn vào đội hình Tiểu đoàn 6 hòng mở lối thoát, nhưng không thể vượt qua.

Lúc này, Tiểu đoàn 1 đã phát triển lực lượng dọc đường 12, hợp quân với Tiểu đoàn 6 tiêu diệt địch, làm chủ trận địa. Sau 40 phút nổ súng, trận chiến kết thúc thắng lợi. Ta đã tiêu diệt 19 xe tăng thiết giáp, bắt sống 5 chiếc, bắt hơn 80 tù binh, thu toàn bộ vũ khí trang bị.

Ngoài ra, còn có ông Nguyễn Văn D từng là một sĩ quan ngụy trực tiếp tham gia trận đánh đỏ máu trên đang sống tại đường Lê Duẩn, thành phố Huế cũng khẳng định thông tin của Chữ là chính xác.

Ông cho biết thêm: trận đánh này tôi thoát được nhờ một tảng đá bên bờ suối che chắn, sau đó tôi và những người thoát chết không dám đi dọc theo con suối nữa mà phải chia thành từng nhóm đi cắt ngang qua đồi, mãi gần hai ngày đêm mới về lại được căn cứ và nghe báo cáo lại thì gần hai tiểu đoàn đã bị tiêu diệt (một tiểu đoàn có 500 người).

Qua các hồi tưởng của các nhân chứng, tại Khe Nghệ và cầu Hồng Tiến ngày nay từng là nơi đẫm máu của quân địch và cái tên Suối Máu cũng bắt nguồn từ sau trận đánh đó.

Phong Trần

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế số 4689 ngày 26/12/2009

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email