ThS. Trương Công Nam, hiện đang là Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế. Tốt nghiệp đại học năm 1987 (khóa 7), anh Nam về nhận công tác tại Nhà máy nước Huế (tiền thân của Công ty bây giờ). Từ một cán bộ kỹ thuật, bằng sự nỗ lực vươn lên không ngừng (học thêm bằng Cử nhân Kinh tế rồi Thạc sĩ kinh tế), anh Nam đã lần lượt giữ các vị trí Trưởng phòng Kỹ thuật, Phó giám đốc rồi Giám đốc Công ty. Anh đã có nhiều sáng kiến kỹ thuật đóng góp quan trọng vào sự lớn mạnh của Công ty.
Từ một kỹ sư, Trương Công Nam phấn đấu trở thành Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Xây dựng và Cấp nước (gọi tắt là Công ty) Thừa Thiên Huế. Dù ở bất kỳ cương vị nào, anh luôn là người đi đầu trong phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và tiết kiệm nguyên, vật liệu trong sản xuất.
Năm 2009, Công ty đặt dấu mốc đáng nhớ là công bố “Cấp nước an toàn” trên phạm vi toàn tỉnh, tiến tới “cấp nước an toàn và ngon” vào năm 2010 cũng như duy trì sự bền vững lâu dài. Giám đốc Trương Công Nam và các cộng sự đã tìm cách đầu tư, đổi mới công nghệ cấp nước theo lối “đi tắt, đón đầu” để tiếp cận với các thiết bị xử lý, cấp nước tiên tiến, hiện đại nhất. Công ty đã triển khai chương trình ứng dụng công nghệ xử lý khử khuẩn bằng tia cực tím, lần đầu tiên được áp dụng tại Nhà máy nước Giả Viên, công suất 12.000 m3/ngày đêm; ứng dụng việc dùng than hoạt tính lọc nước tại 2 nhà máy nước Giả Viên và Tứ Hạ. Công ty còn là đơn vị đầu tiên trên toàn quốc ứng dụng công nghệ điện phân muối tạo Javen của Hoa Kỳ, với công suất lên đến 91 kg/ngày đêm để khử khuẩn nước thay cho dùng clo như trước đây đối với tất cả các nhà máy, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo an toàn, tránh được các sự cố do dùng clo gây ra. Công ty cấp nước Thừa Thiên Huế mở rộng quan hệ với Viện nước Yokohama (Nhật Bản) và một số tổ chức hoạt động trong lĩnh vực cấp nước của Pháp, Hội các công ty cấp nước Đông Nam Á, trao đổi kinh nghiệm, góp phần cải thiện tình hình cấp nước, nhất là ở các lĩnh vực chống thất thoát nước, xử lý, nâng cao chất lượng nước, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành cấp nước, cùng các hoạt động cộng đồng khác…Điển hình tại khu du lịch Bạch Mã, Công ty đã đầu tư 3,1 tỉ đồng xây dựng cơ sở cấp nước công suất 100 m3/ngày đêm, với công nghệ tiên tiến nhất hiện nay (đạt tiêu chuẩn nước uống theo quyết định 1329/2002/BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế), nước có thể uống ngay tại vòi, phù hợp với điều kiện khách du lịch sinh thái tại Bạch Mã. Nước uống tại vòi hiện không còn xa lạ đối với khách du lịch, bởi trên địa bàn thành phố Huế từ cuối năm 2008 có thêm 25 điểm nước uống như thế đã được lắp đặt.
Có thể kể tên hàng loạt sáng kiến do Trương Công Nam khởi xướng và tổ chức thi công như đề tài “Nghiên cứu xử lý, phục hồi, và nâng cấp các tuyến ống dẫn nước, để nâng cao chất lượng nước trên toàn mạng, không để tình trạng nước bẩn do mạng truyền dẫn gây nên”. Với sáng kiến này, Công ty chỉ cần đầu tư mua 1 dàn máy tráng ống D600, ống trước khi chôn xuống đất được tráng lớp vữa xi măng bảo vệ bên trong, đồng thời quấn bọc nilon bên ngoài để bảo vệ ống. Thiết bị này còn giúp xử lý, phục hồi các ống gang thép cũ, kém chất lượng đã được loại thải trước đây, nay phục hồi tiếp tục và đưa được 35.750m ống DN80-800, góp phần thay thế được trên 90 km đường ống chính, làm lợi cho nhà nước hàng chục tỉ đồng. Gần đây, Trương Công Nam có sáng kiến lắp đặt các nhà máy xử lý nước di động nhằm bổ sung lưu lượng và tăng áp lực cho những khu vực nước yếu mà không phải đầu tư thêm tuyến ống truyền tải. Do nhu cầu sử dụng nước tăng mạnh, một số tuyến ống phân phối về các huyện được đầu tư trên 17 năm đã vận hành hết công suất, nhiều khu vực cuối mạng đường ống thường xảy ra tình trạng thiếu lưu lượng và giảm áp lực nghiêm trọng vào giờ cao điểm dùng nước. Những nhà máy xử lý nước di động này được chế tạo bằng thép tại xưởng, sử dụng công nghệ lắng tải trọng cao – lọc nhanh thông thường, có thể tháo lắp và di chuyển dễ dàng. Sáng kiến này đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết vấn đề nước yếu; những vùng sâu, vùng xa không thể nối mạng; nâng cao sản lượng nước cấp, đáp ứng nhu cầu dùng nước của người dân, tổng giá trị làm lợi từ công trình ước tính trên 11 tỉ đồng, góp phần nâng cao hiệu quả trong xử lý và sản xuất nước sạch đảm bảo tiêu chuẩn cấp nước an toàn.
Từ năm 2010, nhu cầu sử dụng nước sạch trên toàn tỉnh tăng mạnh, địa bàn cấp nước được mở rộng về vùng nông thôn nên nhiều khu vực cuối mạng đường ống xảy ra tình trạng áp lực yếu do khu vực nông thôn có mật độ dân cư thưa thớt, địa bàn rộng nên Công ty đã phải xây dựng thêm nhiều trạm tăng áp và các nhà máy công suất vừa và nhỏ ở cuối nguồn nhằm tăng áp lực và lưu lượng cho những khu vực trên. Điều này làm cho lượng năng lượng tiêu thụ của HueWACO tăng mạnh. Đồng thời, từ năm 2010 đến năm 2015 giá điện sản xuất đã tăng 1,5 lần; trung bình tăng 8,5%/năm. Giá điện tăng và các chi phí sản xuất khác cũng tăng theo đã ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất nước. ThS. Trương Công Nam đã có sáng kiến tận dụng nguồn năng lượng xanh từ các đập nước vào sản xuất như: Thiết kế đập nước, đường ống dẫn nước, tuabin thủy điện, máy phát điện, cung cấp điện cho hoạt động tại nhà máy xử lý nước Lộc Trì; Chân Mây, A lưới và các trạm điều áp, bể trung chuyển Hương Phong, Phú Bài; lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời tại bể chứa nhà máy nước Phong Thu. Đề tài này đã được Ban tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, BTC Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam đánh giá cao bởi vốn đầu tư nhỏ, nhưng hiệu quả lớn. Ngoài ra, giải pháp này giúp tiết giảm lượng điện năng tiêu thụ, góp phần gián tiếp bảo vệ môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng nước, tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng nước của người dân vùng nông thôn, miền núi và vùng sâu vùng xa.
ThS. Trương Công Nam bộc bạch: với thiết bị đơn giản, dễ thực hiện, tiết kiệm chi phí, hiệu quả cao và trên thực tế các công trình nghiên cứu này có thể được tham khảo và áp dụng cho tất các công ty cấp nước trên toàn quốc, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng nước của người dân, nâng cao hiệu quả trong xử lý và sản xuất nước sạch đảm bảo tiêu chuẩn cấp nước an toàn. Nhiều sáng kiến đưa vào sản xuất đạt hiệu quả cao, làm lợi hàng chục tỉ đồng cho Nhà nước và liên tục đạt các giải thưởng cao tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật, Sáng tạo khoa học công nghệ cấp tỉnh và toàn quốc. Song điều quan trọng là Công ty đã khơi dậy được tinh thần hăng say lao động sáng tạo, đam mê nghiên cứu trong CNVC-LĐ; đã xây dựng được một đội ngũ CNVC-LĐ có trình độ cao, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển không ngừng của Công ty trong tiến trình hội nhập với khu vực và thế giới.
Hiện ThS. Trương Công Nam đang ấp ủ dự định hình thành những khu rừng mới dọc sông Hương để bảo vệ nguồn nước. Đồng thời, xây dựng bảo tàng nước tại nhà máy nước Vạn Niên nhằm góp phần giáo dục cộng đồng về ý thức sử dụng nước sạch, bảo vệ môi trường và nguồn nước. Bởi, hiện còn có tình trạng nhiều công ty, khách sạn, nhà hàng tại Huế và một số vùng trong tỉnh tự khai thác nước ngầm để sử dụng một cách tùy tiện, thiếu tập trung, không những tăng nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, ảnh hưởng đến sự bền vững của lòng đất mà còn gây lãng phí trong hoạt động đầu tư cấp nước trên địa bàn…
Với những thành tích đạt được, nhiều đề tài nghiên cứu của ThS. Trương Công Nam đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởn, như: Công trình “Nghiên cứu ứng dụng năng lượng xanh cho nhà máy xử lý nước” (đoạt giải nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2015); Công trình “Nghiên cứu ứng dụng giải pháp đảm bảo an toàn cho con người và môi trường sử dụng Clo lỏng trong xử lý nước sạch” (đoạt giải ba Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2015); đề tài “Nghiên cứu công nghệ In Filter Daf ứng dụng cho nhà máy xử lý nước di động” đạt giải nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2013, giải ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam năm 2013 …
Ngoài ra, ThS. Trương Công Nam còn nhận được nhiều phần thưởng cao quý khác của Nhà nước, Bộ, ngành: Huân chương Lao động hạng I, II, III; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Giải thưởng Doanh nhân trí thức và nhiều năm liền được tuyên dương “Doanh nhân tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế”;
Doãn Quan