Để khoa học công nghệ thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, cần có sự chung tay của toàn xã hội, là nhận định chung của những gương mặt trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu vừa được Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên dương nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
LƯƠNG Y THÍCH TUỆ TÂM, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI CHÂM CỨU TỈNH: “NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÌ CỘNG ĐỒNG”
Nghiên cứu khoa học (NCKH) phải xác định tìm cái gì mới, hướng đi mới trong quá trình nghiên cứu. Bằng cách vận dụng các kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn đưa ra những giải pháp kỹ thuật, đề tài giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội, mang lại hiệu ứng xã hội tốt.
Trong thực tiễn, hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu không chưa đủ, người NCKH phải hướng các nghiên cứu đó vào mục đích phục vụ cộng đồng. Nó không chỉ tạo nên giá trị về mặt xã hội mà còn góp phần tạo nên sự lan tỏa trong hoạt động nghiên cứu. Muốn làm được điều này, người nghiên cứu ngoài kiến thức chuyên môn còn phải có “tâm” trong nghiên cứu. Có như thế đề tài khoa học mới đạt đến giá trị cao nhất.
THS. TRẦN GIẢI, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH: “CẦN XÂY DỰNG CƠ CHẾ HỖ TRỢ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC”
Những năm qua, hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ trên địa bàn đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, liên kết trong hoạt động chuyển giao, giữa các lĩnh vực khoa học để khai thác thế mạnh, kinh phí nghiên cứu… vẫn là bài toán khó đối với các nhà nghiên cứu.
Hàng năm, Liên hiệp hội đều tổ chức các hội thi, giải thưởng, chuyển giao KHCN tạo môi trường cho nhà nghiên cứu trong hoạt động sáng tạo làm tiền đề thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, quảng bá cho các đề tài. Để tạo động lực thúc đẩy hoạt động KHCN cần đổi mới cơ chế quản lý nói chung và cơ chế quản lý nhiệm vụ KHCN nói riêng; nâng cao chất lượng khâu xác định và tuyển chọn nhiệm vụ nghiên cứu; hình thành cơ chế hỗ trợ chuyển giao KHCN vào thực tiễn, đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng trong NCKH làm tiền đề trong hoạt động nghiên cứu.
PGS.TS. NGUYỄN DUY THĂNG, PHÓ GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG HUẾ, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM HUYẾT HỌC TRUYỀN MÁU MIỀN TRUNG: “TIẾP SỨC CHO NHỮNG NHÀ NGHIÊN CỨU TRẺ”
NCKH trong trường học là yếu tố quan trọng, góp phần gắn lý thuyết với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo. Nhiều giảng viên, sinh viên hiện nay tham gia NCKH một cách thụ động; nhiều đề tài nghiên cứu có chất lượng chưa cao, khó áp dụng trong thực tiễn.
Thực tế này đòi hỏi phải tạo cơ chế khuyến khích xứng đáng để lớp trẻ tham gia tích cực hơn vào công việc cần thiết này. Cơ bản nhất là tạo được nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ, tạo điều kiện cho các em cùng tham gia vào hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ bổ sung cho các em nguồn kiến thức căn bản giúp các em có định hướng phấn đấu. Và muốn tiếp cho các em đam mê, bản thân người thầy, người hướng dẫn phải chứng minh cho các em thấy những thành quả trong quá trình nghiên cứu sáng tạo của mình, tạo điều kiện cho các em cùng tham gia. Ngoài ra, cần tạo cơ chế khuyến khích, ưu đãi, tạo động lực trong NCKH, cụ thể nhất là các phần thưởng trong NCKH với các mức độ khác nhau để thu hút, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy hoạt động NCKH.
TS. DƯƠNG TUẤN ANH, GIÁM ĐỐC VNPT THỪA THIÊN HUẾ: “NÂNG CAO TÍNH ỨNG DỤNGG CỦA CÁC SÁNG KIẾN”
Xác định các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có ý nghĩa rất quan trọng và hết sức cần thiết, không những mang lại lợi ích về kinh tế – chính trị mà còn là tiền đề cho sự phát triển của KHCN trong tương lai, những năm qua, công ty đặc biệt chú trọng, khuyến khích cán bộ công nhân viên tham gia phong trào nghiên cứu sáng kiến cải tiến kỹ thuật. VNPT Thừa Thiên Huế phối hợp với tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên… tuyên truyền, khuyến khích người lao động tích cực nghiên cứu, chủ động tìm tòi những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Công ty cũng có những cơ chế khen thưởng, khuyến khích, động viên các tác giả có những sáng kiến phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Người đứng đầu cơ quan đơn vị phải quan tâm động viên tạo chất xúc tác để lực lượng trí thức, người lao động phát huy được các công trình nghiên cứu của mình; yêu cầu cán bộ công nhân viên bám sát công việc của mình để có những sáng kiến, nghiên cứu sát thực tiễn có tính ứng dụng cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ quan, đơn vị.
Doãn Quan (ghi)