Tham quan học tập mô hình quản trị tài nguyên nước ở xã Quảng Lợi – Thừa Thiên Huế

Trong khuôn khổ dự án “Quản trị tài nguyên Nước”, ngày 29/8/2018 Trung tâm Nghiêncứu Phát triển Xã hội đã tổ chức tour tham quan học tập mô hình Quản trị tài nguyên Nước dành cho các đại diện của Chi hội Nghề cá các cấp tỉnh Đak Lak.

Mục đích của tour tham quan học tập lần này nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộngđồng thông qua chia sẻ các kinh nghiệm thực tế trong quản trị nguồn nước nước dựa vào cộng đồng, xây dựng mạng lưới giữa các cộng đồng và các bên liên quan khác để chia sẻ các bài học về quản trị tài nguyên thiên nhiên trong lưu vực sông của các địa phương.

Ông Hà Binh chia sẻ các hoạt động của Chi hội Nghề cá xã Quảng Lợi.

Đại diện các Chi hội Nghề cá đã được tham quan mô hình quản lý tài nguyên nước, quản lý mặt nước của Chi hội Nghề cá xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, tìm hiểu hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản như đổ nò, câu cá, bỏ chuôm,… của ngư dân khu vực đầm phá Tam Giang, khu vực đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Tại đây, các đại biểu đã được nghe ông Hà Binh – đại diện Chi hội Nghề cá xã Quảng Lợi chia sẻ kinh nghiệm, cách thức hoạt động, quy chế quản lý của Chi hội Nghề cá. Trong những năm trở lại đây nguồn tài nguyên thủy hải sản khu vực đầm phá đang suy giảm, Hội nghề cá tỉnh cùng với chi hội nghề cá xã Quảng Lợi đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chi hội Nghề cá xã Quảng Lợi là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện và góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến phát triển nguồn lợi thủy sản khu vực đầm phá. Những hoạt động của Chi hội Nghề cá xã Quảng Lợi đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn nguồn lợi thủy sản, quản lý và phát triển bền vững tài nguyên Nước ở khu vực đầm phá.

Đầm phá đã đem lại nguồn thu nhập cho ngư dân

Bên cạnh các hoạt động về khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên nước, xã Quảng Lợi còn chú trọng đến việc kết hợp phát triển du lịch cộng đồng, du lịch phát triển bền vững dựa vào nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên như: phát triển du lịch rừng ngập mặn, khám phá đầm phá, các loại hình du lịch đi kèm như canh tác rau sạch, nghề truyền thống,…tạo ra chuỗi các hoạt động du lịch liên kết, đáp ứng nhu cầu tham quan học tập, tìm hiểu và khám phá các giá trị mà tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên nước nói riêng mang lại cho cộng đồng.

Thanh Tâm

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email