Xe máy là phương tiện phổ biến ở nước ta, chiếm 61% phương tiện tham gia giao thông, đứng thứ 2 trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng xe máy. Tình hình trộm cắp xe máy cũng diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh. Trước tình hình đó, em Nguyễn Thị Hoài Nhi, học sinh trường THCS Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã nghiên cứu, sáng tạo “Hệ thống phòng chống trộm xe máy bằng công tắc đảo” với mục đích phòng chống mất cắp xe máy.
Em Nguyễn Thị Hoài Nhi nhận giải thưởng Cuộc thi
Hệ thống phòng chống trộm xe máy được cấu tạo bởi 3 công tắc gắn vào một hệ thống gồm: Công tắc 1- (CT ổ khóa) – Công tắc 3-(CT 3 cực) – công tắc 2- (CT kích) – Chuông báo động
Trường hợp không bặt chế độ chống trộm: Công tắc CT3 tiếp xúc với cực tĩnh (2). Lúc này xe hoạt động bình thường như khi chưa lắp đặt hệ thống chống trộm. Khi ta đưa chìa khóa vào ổ để bật khóa (đóng CT1), tiến hành khới động xe cho động cơ hoạt động (CT2 đóng), xe hoạt động bình thường.
Trường hợp bật chế độ chống trôm: Công tắc CT3 tiếp xúc với cực tĩnh (1). Tiến hành ngắt công tắc ổ khóa (ngắt CT1), bật công tắc CT3- tức là cực động CT3 tiếp xúc với cực tĩnh số (1). CT3 là công tắc dấu trong cốp xe, vì vậy, để bật CT3 ta phải bật cốp xe lên). Lúc này, khi có kẻ muốn bẻ khóa để trộm xe (tức là CT1 đóng), chuông báo động sẽ reo lên, đồng thời kẻ trộm không thể khởi động xe dù công tắc CT2 đóng, vì mạch điện đã hở, dòng điện không thể qua hệ thống kích điện cho xe hoạt động.
“Hệ thống chống trộm xe máy bằng công tắc đảo” có kết cấu mạch điện rất đơn giản, tiện lợ, dễ lắp đặt, dễ sử dụng, giá thành rẽ, phù hợp với điều kiện kinh tế của đại đa số người dân. Điều quan trọng nữa là thiết bị này sử dụng các công tắc cơ, có độ bền cao, tiết kiệm điện năng, thân thiện môi trường và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thiết bị này hoạt động độc lập, không ảnh hưởng đến các bộ phận khác của xe, có thể áp dụng với bất cứ loại xe máy nào.
Hội đồng giám khảo và Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh, thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ X- 2017, đánh giá đây là một giải pháp có tính mới, tính sáng tạo, có hiệu quả kinh tế xã hội và có khả năng áp dụng rộng rãi.
Trần Giải