Rối loạn thần kinh tim được gọi dưới nhiều tên khác nhau như hội chứng Da Costa, rối loạn thần kinh thực vật, tim dễ kích thích, suy nhược thần kinh tim, hạ huyết áp tư thế. Đây là một hội chứng bao gồm nhiều triệu chứng như bệnh tim thật sự nhưng khi khám xét không phát hiện bệnh tim thật sự.
Hội chứng được mô tả lần đầu bởi Da Costa là một nhà ngoại khoa từ đầu thế kỷ 20 trong thời kỳ Nội Chiến Hoa kỳ ở 300 người lính gọi là “ trái tim người lính” (Soldier’ s Heart). Triệu chứng Earl de Grey cũng mô tả tình trang nặng ngực khó thở này ở những người lính Anh trong thời gian 1864 đến 1868. Henry Harthorme năm 1864 cũng mô tả các biểu hện tương tự trên những người lính Hoa kỳ thời kỳ Nội chiến. Đến năm 1876 một phẫu thuật viên khác là Arthur Davy đã đưa ra từ Suy nhược thần kinh tuần hoàn và cho rằng đây là nguy cơ tim lớn và dễ kích thích.
Hiện nay, căn bệnh này ngày càng trở nên phổ biến, một số thống kê cho thấy tỉ lệ hội chứng rối loạn thần kinh tim có thể chiếm đến 60% các trường hợp đến khám tim mạch tại các bệnh viện đặc biệt tại các phòng khám ngoại viện với các triệu chứng như khó thở, hồi hộp, đau ngực, dễ ngất… Nhóm tuổi thường gặp là từ 18 đến 40 tuổi, nữ giới thường gặp hơn nhưng cũng có những ngoại lệ về tuổi và giới.
Bệnh nhân bị rối loạn thần kinh tim thường có những dấu hiệu như mệt khi gắng sức, khó thở, hồi hộp, toát mồ hôi, đau ngực.
Nguyên nhân của hội chứng thường là biểu hiện của rối loạn lo âu. Cơ chế được đề cập phổ biến nhiều nhất theo y văn là hội chứng xảy ra do sự mất thăng bằng giữa hệ thần kinh trực và đối giao cảm. Hệ thần kinh giao cảm chi phối các hoạt động chống đỡ của cơ thể, khi gắng sức, khi chiến đấu… làm cho nhịp tim nhanh lên, nhịp thỏ tăng,… trong khi hệ thần kinh đối giao cảm ngược lại làm nhịp chậm hơn, giảm tần số thở…
Chẩn đoán rối loạn thần kinh tim chủ yếu dựa vào hỏi bệnh để phát và khám bệnh nhân nhưng quan trọng là loại trừ các bệnh tim mạch thực thể như bệnh mạch vành, tăng huyết áp… hoặc là bệnh tâm thần thực sự. Do vậy cần phải làm tham khám cẩn thận, làm đầy đủ các xét nghiệm như điện tim, siêu âm tim, X quang phổi, sinh hóa máu để loại trừ các bệnh thực thể như bệnh mạch vành, bệnh van tim, bệnh phổi mạn, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, cường giáp… trước khi chẩn đoán rối loạn thần kinh tim.
Mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới đã thừa nhận và xếp loại Rối loạn thần kinh tim như một Rối loạn chức năng tự động kiểu sinh thực ( Somatoform autonomic dysfunction) theo ICD -10 thuộc nhóm F.45-3. Do vậy Rối loạn thần kinh tim được xem là một thể loại của Rối loạn lo âu (Panic disorder) nhưng do quen dùng danh từ Rối loạn thần knh tim vẫn tồn tại.
Bệnh không có nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân nhưng về lâu dài bệnh tái diễn mạn tính sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe, công tác, sinh hoạt gia đình và thậm chí có thể dẫn đến một thể lại nặng hơn là cơn lo âu (panic attack), trầm cảm…
Điều trị rối loạn thần kinh bao gồm điều trị không dùng thuốc và dùng thuốc, trong đó không dùng thuốc là cơ bản. Việc không dùng thuốc bao gồm nhiều biện pháp từ đơn giản đến phức tạp như: Thay đổi lối sống, chống stress, tập luyện thể thao thể dục, đi bơi, đạp xe đạp, yoga … Chế độ ăn nhiều rau quả, không khói thuốc, rượu bia, giàu vitamine B, C, Magnesium.. cần khuyến khích. Nhiều tác giả đề xuất sử dụng châm cứu, lý liệu hoặc một số thực phẩm chức năng, tắm nước khoáng… cũng đang sử dụng và nghiên cứu.
Khi đã áp dụng phương thức trên nhưng không hoặc ít hiệu quả cần phối hợp thuốc. Cơ bản thuốc xử dụng là nhóm chẹn giao cảm beta như propranolol, bisoprolol… đơn độc hoặc kết hợp thuốc an thần nhự valium, sulpiride, etifoxine. Ở mức độ nặng hơn, ít đáp ứng cần hội ý chuyên gia tâm lý, tâm thần với nội khoa tim mạch sử dụng các nhóm chống trầm cảm đặc hiệu.
Để kết luận rối loạn thần kinh tim là hội chứng bệnh lý ngày càng phổ biến, mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng theo từng mức độ đến sinh hoạt và sức khỏe. Hội chứng rất tiếc chưa có nhiều nghiên cứu tại nước ta! Tuy vậu cần chú ý phát hiện và thăm khám để có một phương thức dự phòng và điều trị thích hợp ./.
GS.TS. Huỳnh văn Minh – TS. Nguyễn đức Hoàng
Hội Tim mạch Thừa thiên – Huế
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. “2008 ICD-9-CM Diagnosis 306.* – Physiological malfunction arising from mental factors”. 2008 ICD-9-CM Volume 1 Diagnosis Codes. Retrieved 2008-05-26.Neurocirculatory asthenia is most typically seen as a form of anxiety disorder.
2. “Neurasthenia”. Rare Disease Database. National Organization for Rare Disorders, Inc. 2005. Retrieved 2008-05-28.
3. Paul Wood, MD, PhD (1941-05-24). “Da Costa’s Syndrome (or Effort Syndrome). Lecture I”. Lectures to the Royal College of Physicians of London. British Medical Journal. pp. 1(4194): 767–772. Retrieved 2008-05-28.
4. Cohen ME, White PD (November 1, 1951). “Life situations, emotions, and neurocirculatory asthenia (anxiety neurosis, neurasthenia, effort syndrome)”.Psychosomatic Medicine 13 (6): 335–57. PMID 14892184. Retrieved 2008-05-28.
5. Paul O (1987). “Da Costa’s syndrome or neurocirculatory asthenia”. British Heart Journal 58 (4): 306–15. doi:10.1136/hrt.58.4.306. PMC 1277260. PMID 3314950.
6. Da Costa, Jacob Medes (January 1871). “On irritable heart; a clinical study of a form of functional cardiac disorder and its consequences”. The American Journal of the Medical Sciences (61): 18–52.
7. “Dorlands Medical Dictionary:Da Costa syndrome”. Retrieved 2008-05-26.
8. World Health Organization (1992). Icd-10: The Icd-10 Classification of Mental and Behavioural Disorders : Clinical Descriptions and Diagnostic Guidelines. Geneva: World Health Organization. p. 168. ISBN 92-4-154422-8.
9. Goetz, C.G. (1993). Turner C.M.; Aminoff M.J., eds. Handbook of Clinical Neurology. B.V.: Elsevier Science Publishers. pp. 429–447.
10. Mackenzie, Sir James; R. M. Wilson; Philip Hamill; Alexander Morrison; O. Leyton;Florence A. Stoney (1916-01-18). “Discussions On The Soldier’s Heart”. Proceedings of the Royal Society of Medicine, Therapeutical and Pharmacological Section 9: 27–60.