Bác Hồ của chúng ta được Đại hội đồng UNESCO vinh danh là nhà văn hóa kiệt xuất bởi Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, là nhà văn, nhà thơ, nhà ngoại giao, nhà giáo và là một nhà báo. Một nhà báo “chính danh”, là bậc thầy của nền báo chí Cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ đến với nghề báo như là một cơ duyên. Và báo chí đến với Người bởi yêu cầu chiến đấu vì dân tộc, vì độc lập, tự do, xuất phát từ lòng dũng cảm và lòng yêu nước vô bờ bến. Bác chúng ta có một tri thức uyên bác, tầm hiểu biết sâu rộng từ tự học mà có. Bác bắt đầu tự học viết báo vì cảm thấy khó chịu về “nhược điểm tri thức” của chính bản thân mình hồi đầu thế kỷ XX ở Pháp và từ sự khích lệ của cháu ngoại Các Mác – Giăng Lôngghê, lúc đó làm Chủ nhiệm báo “Dân chúng” của Đảng Xã hội Pháp – một người rất có cảm tình với Nhân dân Việt Nam. Bài báo đầu tiên của Người là “Vấn đề người bản xứ”, đăng ngày 2/8/1919 trên báo L’Humanité, khi Người chưa thật sự rành về tiếng Pháp.
Dù chưa qua bất kỳ trường lớp nào dạy viết báo, nhưng Bác là học trò của nhiều nhà báo, nhà văn, trong đó có những cái tên tiêu biểu: Chủ nhiệm báo Dân chúng Giăng Lôngghê; chủ bút báo Đời sống công nhân; Nhà văn Anatôn Phrăngxơ; Nhà văn Lêông Tônxtôi. Cơ duyên này vận vào Bác Hồ, đi cùng suốt cả cuộc đời gian truân và cao đẹp của Bác. Nhà báo Hồ Chí Minh vừa là chủ nhiệm của tờ báo “Người Cùng Khổ” (Le Paria) năm 1922, đồng thời là người sáng lập, chủ bút, hoạ sĩ biếm họa, thợ rửa ảnh, thủ quỹ, phát hành, bán báo…, nghĩa là làm tất các công đoạn từ A đến Z trong nghề báo. Hồ Chí Minh là Chủ bút báo Thanh niên của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ năm 1925, chính thức khai sinh nền báo chí Cách mạng Việt Nam.
Trong suốt cuộc đời làm báo của mình, Hồ Chí Minh đã cho đăng trên các báo ở cả trong nước và nước ngoài khoảng hơn 3.500 bài. Bác cũng là nhà báo có nhiều bút danh nhất thế giới với gần 200 bút danh khác nhau; thậm chí có những “bút danh” rất lạ như: Bé Con, Xung Phong, X.L., T.L., Một Người An Nam, Một Người Bạn, Hy Sinh… Dù ở thể loại nào, bút danh gì, các bài viết của Bác cũng đều toát lên tính trung thực, phản ánh đúng hiện thực khách quan, bản chất sự việc. Đây chính là phẩm chất cao đẹp của đạo đức nghề nghiệp, cái gốc của một nhà báo cách mạng, người làm báo chân chính. Tính trung thực trong phong cách làm báo Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở việc Người không chỉ nói cái tốt, cái thành công, mà còn chỉ ra những thói hư, tật xấu, tính ích kỷ, bệnh quan liêu, mệnh lệnh và cả những việc chưa thành công để tìm biện pháp khắc phục. Bác cho rằng: “Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong thì nhờ anh em xem và sửa dùm”.
Với nguyên tắc “viết cho ai”, nên ngôn ngữ báo chí của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã đạt đến trình độ của một lăng kính đa chiều, với cách thể hiện súc tích, cô đọng, hấp dẫn và mới mẻ. Phong cách nhà báo Hồ Chí Minh còn thể hiện sự hiểu biết rất rộng, rất sâu mà lại rất gần gũi quần chúng. Đọc những bài báo của Người, chúng ta kinh ngạc về kiến thức: Từ Ấn Độ đến Palestine, từ Tunisia đến Hoa Kỳ, từ Trung Quốc đến Madagasca… gần như cái gì Nguyễn Ái Quốc cũng hiểu một cách tường tận. Nếu trong “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925), Người viết bằng lối văn sâu cay, thì trong “Đường Cách mệnh” (1927), Người lại viết bằng phong cách giản dị mà bất cứ người dân nào cũng hiểu được. Những năm 1940, khi ở Cao Bằng, Người là một ông Ké, một già Thu viết những dòng thơ cổ động mộc mạc. Nếu trong “Nhật ký trong tù” , Người là tác giả của những bài thơ chữ Hán uyên thâm, thì “Tuyên ngôn độc lập” là bản hùng văn đầy hào khí của dân tộc. Sống ở Paris, Người đặt tên tờ báo là Le Paria – có nghĩa là “dưới đáy, người khổ sở tận cùng trong xã hội” và sống ở Việt Bắc thì văn phong của người giản dị, gần gũi với đồng bào dân tộc. Những bài báo của Bác vì vậy tác động mạnh mẽ, cảm hóa được nhân sĩ trí thức, thuyết phục được người do dự phân vân, nâng niu từng nhân cách… làm cho muôn lòng, muôn người quyết theo Đảng, theo Bác.
Không chỉ vậy, Bác chúng ta là nhà báo vô cùng năng động, dũng cảm. Cách đây 96 năm, tờ Le Paria – Người cùng khổ do Người làm chủ bút, tồn tại được 4 năm tại nước Pháp, ra được 38 số. Theo tài liệu của mật thám Pháp, có lúc Le Paria phát hành đến 2.000 bản, một nửa được gửi cho các nước thuộc địa. Và đặc biệt trang 4 của báo đã có đăng quảng cáo thuốc men, đăng giờ tàu đến và đi, quảng cáo cho các dụng cụ cắt cỏ…, cho thấy nhà báo Nguyễn Ái Quốc năng động đến nhường nào.
Chỉ vài nét trong bao điều đáng trân trọng về nhà báo Hồ Chí Minh mà khi nói đến lòng chúng ta xúc động vô cùng. Ở Nhà báo Hồ Chi Minh, chất Việt Nam, chất cách mạng, chất cộng sản, chất nhân văn hòa quyện và được nâng lên do sứ mệnh lịch sử của chính người.
Trên cương vị một người cầm bút, Hồ Chí Minh viết vì con người, vì dân tộc. Đọc lại những bài báo của Hồ Chí Minh, có khi đó là những bài đăng từ mấy chục năm nay rồi, hoàn cảnh hiện nay có thể đã khác, nhưng nhiều ý tứ mà Hồ Chí Minh viết vẫn hấp dẫn người đọc. Phong cách viết báo của Hồ Chí Minh giống như Người quan niệm trong hành động “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, là phương pháp biện chứng mác-xít chúng ta thấy rất rõ trong phong cách mà Hồ Chí Minh để lại cho các thế hệ nhà báo cách mạng Việt Nam.
Bác mãi mãi là một trong những đỉnh cao của báo chí thời đại, ngọn bút của tấm gương sáng ngời để cho muôn đời sau hướng tới, học tập không ngừng, nhất là trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân ta đang “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
Theo Nguyên Anh (baothuathienhue.vn)