Người phụ nữ đoạt giải thưởng Kovalevskaia

Tôi tìm gặp PGS. TS. Đinh Thị Bích Lân, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Công nghệ sinh học (Đại học Huế) khi biết chị là một trong hai phụ nữ trên toàn quốc đoạt giải thưởng Kovalevskaia năm 2017.

 

PGS. TS. Đinh Thị Bích Lân (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn sinh viên làm thí nghiệm

PGS. TS. Đinh Thị Bích Lân chia sẻ: “Để có được sự ghi nhận này là cả một quá trình lao động sáng tạo lâu dài và những trăn trở nhằm đưa khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào phục vụ sản xuất, bảo vệ sức khỏe người chăn nuôi và cộng đồng mà tôi nung nấu từ khi còn là một sinh viên chân ướt chân ráo sang Nga du học”.

Giao trách nhiệm cho bản thân

Năm 1980, chị là một trong những thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi đại học nên được đi du học tại Nga. Thời kỳ đó, cuộc sống của gia đình chị nói riêng và người dân Việt Nam nói chung rất khó khăn. “Lần đầu tiên đặt chân đến xứ sở Bạch Dương, chứng kiến một đất nước phát triển, tôi thấy thương cho đất nước mình. Khi ăn bữa cơm thịnh soạn trên đất nước bạn, tôi thấy thương ba mẹ, thương các em ở nhà với bao thiếu thốn. Từ giây phút đó, tôi đã nung nấu và đặt trách nhiệm cho mình phải làm được cái gì đó giúp dân mình đỡ khổ và đất nước phát triển” – PGS. TS Đinh Thị Bích Lân rơm rớm nước mắt khi chia sẻ câu chuyện. Đó là động lực, là cơ sở, là niềm tin thôi thúc chị dồn hết tâm huyết và thời gian cho nghiên cứu khoa học. Sau khi cầm tấm bằng đỏ tại Học viện Thú y Matxcơva về nước và được nhận vào giảng dạy tại Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế), chị vẫn nung nấu ý nguyện cống hiến cho nghiên cứu khoa học, năm 1994, chị lại được đi nghiên cứu tại Nhật Bản.

Trong suốt 28 năm miệt mài, chị đã chủ nhiệm và tham gia 22 nhiệm vụ khoa học, trong đó có nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ. Kết tinh từ những đề tài đó, chị đã cho ra đời là những sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng cao. Tiêu biểu là các loại kháng nguyên tái tổ hợp để chế tạo KIT chẩn đoán dựa trên nguyên lý của phản ứng miễn dịch, chế tạo vắc xin phòng bệnh và chế phẩm sinh học phòng trị bệnh truyền nhiễm; Que nhúng cho phép chẩn đoán nhanh, chính xác, để xác định các bệnh truyền nhiễm có giá thành thấp, không cần kỹ thuật viên trình độ cao và có thể chẩn đoán ngay ở bất kỳ điều kiện nào, từ đó giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, nhất là đóng góp vào việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Riêng chế phẩm sinh học chứa kháng thể lòng đỏ trứng gà, có thể dùng thay thế kháng sinh trong phòng và điều trị bệnh truyền nhiễm. Chế phẩm này có ưu điểm nổi trội là an toàn, hiệu quả cao, chỉ tác động lên mầm bệnh, không ảnh hưởng đến vi sinh vật có lợi, không gây ra hiện tượng tồn dư kháng sinh trong thực phẩm, không gây kháng thuốc, dễ sử dụng. Qua điều trị thử nghiệm cho thấy, hiệu quả điều trị cao, giảm tỷ lệ chết, thời gian điều trị nhanh, giảm thiệt hại kinh tế…

Hiện nay, các kết quả nghiên cứu của chị đã và đang được chuyển giao cho địa phương và các doanh nghiệp sản xuất chế phẩm sinh học thông qua các dự án sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ. Các doanh nghiệp đang làm thủ tục xin cấp giấy phép lưu hành để sản xuất, cung cấp sản phẩm ra thị trường phục vụ sản xuất. Với nhà nữ khoa học này, đó là điều hạnh phúc.

Kiên trì

Để đạt được kết quả đó, PGS. TS. Đinh Thị Bích Lân đã phải trải qua nhiều khó khăn, kiên trì đeo đuổi mục tiêu. Chị kể, năm 2000, khi từ Nhật Bản trở về, chị như người nông dân đi cày không có ruộng bởi không kinh phí, không phòng thí nghiệm, không trại thực nghiệm để nghiên cứu khoa học. Lúc đó, chị phải cặm cụi viết dự án, thuyết minh dự án để tìm kinh phí, tìm kiếm nguồn tài trợ của bạn bè. May mắn, năm 2003, vợ chồng chị xin được một dự án gần 1 tỷ đồng từ Nhật Bản để xây dựng cơ sở nền móng đầu tiên cho nghiên cứu khoa học, tiền thân của Viện Công nghệ sinh học hiện nay. Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học hạn chế nên 5 năm đầu chị vẫn phải tự bỏ tiền túi ra nghiên cứu những đề tài mang tính nội bộ. Từ năm 2006 cho đến nay, những đề tài của chị mới được hỗ trợ phần nào kinh phí.

PGS. TS. Đinh Thị Bích Lân trải lòng, chị may mắn vì cả gia đình đều có một niềm đam mê chung là nghiên cứu khoa học. Chị và chồng đều cùng một chuyên ngành nên hai vợ chồng là đồng tác giả của nhiều đề tài. Người con trai duy nhất của chị cũng là giảng viên Trường đại học Kinh tế Huế và cũng đang nghiên cứu sinh tại Nhật Bản. “Vì có cùng tâm huyết, cùng đam mê nghiên cứu khoa học nên trong những lần cần bỏ tiền túi để nghiên cứu tôi luôn được chồng ủng hộ”, chị cười.

Chị dường như chưa bao giờ đi ngủ trước 12h đêm, vẫn làm việc ngày 16 tiếng, vẫn thường bỏ phòng máy lạnh để đến trang trại làm từng thí nghiệm cho các nghiên cứu của mình. Chị suy nghĩ, hàng ngày trên đài, báo phản ánh về nhiều thực phẩm bẩn không an toàn, song nghề của chị lại là nghề tạo ra thực phẩm an toàn thì tại sao lại không nghiên cứu để kiểm soát bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh lây từ động vật sang người, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. “Không ít người bảo vợ chồng tôi khùng, sung sướng không muốn hưởng cứ đâm đầu vào khó khăn, thậm chí mẹ tôi cũng xót khi thấy tôi đi du học từ nước này qua nước nọ nhưng suốt ngày hết ở chuồng heo qua chuồng bò… Nhưng với tôi đó lại là đam mê và tôi muốn lăn lộn với thực tiễn để nghiên cứu ra  những sản phẩm mà thực tiễn đang đòi hỏi”- chị tâm sự.

Với chị, đó còn là cách để chị kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn để vừa giảng dạy vừa truyền nghề và tiếp tục nghiên cứu khoa học. Chia sẻ về dự định sắp tới, PGS. TS. Đinh Thị Bích Lân cho hay, sẽ triển khai các đề tài nghiên cứu biện pháp phòng chống một số bệnh nguy hiểm lây từ động vật sang người.

Theo Hải Thuận (baothuathienhue.vn)

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email