Hiện trạng khai thác khoáng sản, đặc biệt là quá trình khai thác và chế biến khoáng sản đá xây dựng ở Thừa Thiên Huế đã phần nào ảnh hưởng đến môi trường, trong đó có các yếu tố xúc bốc, vận chuyển và chế biến khoáng sản.
Quá trình khai thác tạo ra một lượng bụi và khí thải rất lớn gây ô nhiễm môi trường xung quanh
Trong khai thác lộ thiên, khối lượng xúc bốc hàng năm rất lớn, hàng chục triệu mét khối. Công nghệ xúc bốc là khâu chủ yếu trong dây chuyền khai thác trên mỏ vì nó trực tiếp quyết định đối với sản lượng khoáng sản có ích cũng như đất đá của mỏ lộ thiên.
Trong các mỏ đá ở Thừa Thiên Huế, khối lượng xúc bốc hàng năm rất lớn. Thiết bị xúc bốc dùng trong các mỏ đá phổ biến là máy xúc tay gàu, máy xúc ngược, máy xúc thủy lực, máy xúc tải, máy bốc và máy ủi. Ngoài ra còn dùng máy xúc gàu ngoạm để chất tải đá dăm ở bãi chứa. Trong quá trình khai thác đá xây dựng sau khi khoan nổ mìn xong cần phải xử lý các viên đá quá cở, những viên đá có kích thước cỡ lớn có thể khoan ốp nổ, còn khối lượng đá còn lại có kích thước nhỏ hơn thì xúc bốc vận chuyển đến hệ thống nghiền sàng để chế biến, quá trình xúc bốc còn xúc đất đá thải khi mở moong khai thác và xúc bốc đá lên xe vận chuyển để tiêu thụ. Quá trình này nó tạo ra một lượng bụi và khí thải rất lớn gây ô nhiễm môi trường xung quanh đặc biệt là ở khu vực gần vị trí xúc bốc hoạt động.
Vận chuyển là một khâu trong dây chuyền công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng, công tác vận chuyển đòi hỏi phải có mối quan hệ khăng khít không chỉ về các thông số công nghệ mà cả về mặt tổ chức làm việc. Vận tải bằng ô tô và đường sắt là hai hình thức vận tải gián đoạn dược áp dụng phổ biến nhất trên các mỏ lộ thiên. Ở mỏ đá, vận tải ô tô thường được dùng để chuyên chở đá từ moong khai thác đến trạm nghiền sàng di động hoặc cố định, vận tải ngoài mỏ thường bằng ô tô hoặc đường sắt. Ở Thừa Thiên Huế các mỏ khai thác đá xây dựng thường bãi chứa sản phẩm ở ngay gần mỏ, khối lượng đất phủ, đá thải rất lớn do đó phải vận chuyển số đất đá này để đổ ra bãi thải. Mặt khác, các mỏ đá khu vực chế biến sản phẩm cách khu vực khai thác khoảng 1 đến 2 km, nên hằng ngày phải vận chuyển một lượng lớn đá nguyên khai để đưa vào chế biến. Sau cùng là quá trình tiêu thụ, mỗi năm đá tiêu thụ rất lớn và lượng đá tiêu thụ hầu như khắp toàn tỉnh. Theo khảo sát thực tế cho thấy, địa bàn tiêu thụ đá xây dựng của mỗi mỏ từ 25 – 30km. Do đó, quá trình vận chuyển cũng tạo ra một lượng lớn bụi và khí thải của động cơ rất lớn và có cự li ảnh hưởng rộng và gây ra ô nhiễm cho một khu vực rộng lớn.
Sau khi đá bị phá vở và tách ra khỏi nguyên khối, được máy xúc chất lên thiếc bị vận tải để chuyển chở về bãi chứa gọi là đá nguyên khai. Đá nguyên khai có kích thước độ hạt không đều, từ 1-2mm đến 1-2m. Để có kích thước đá thỏa mãn từng yêu cầu sử dụng như kè đê, xây tường, rải đường sắt, đổ bê tông, cần phải qua khâu nghiền sàng. Nghiền sàng là khâu công nghệ cuối cùng trong dây chuyền sản xuất của mỏ đá. Công nghệ nghiền sàng trên mỏ đá được tiến hành hoàn toàn bằng cơ giới. Thiết bị nghiền sàng bao gồm nhiều loại: thiết bị lẻ, bộ nghiền sàng liên hợp, thiết bị di động, thiết bị cố định.
Các mỏ đá ở Thừa Thiên Huế hầu hết dùng bộ nghiền sàng liên hợp và di động lắp trên bánh lốp hoặc khung đỡ bằng sắt. Công nghệ nghiền sàng có thể tiến hành một, hai hoặc ba bốn giai đoạn. Các máy nghiền đá đều được đặc trưng bằng kích thước cửa tiếp nhận đá và cửa ra đá, mỗi loại đá có tính chất cơ lý riêng và thích hợp với những nguyên tắc phá vỡ nhất định. Do vậy kết cấu của máy nghiền đá cũng có nhiều kiểu khác nhau, các mỏ ở Thừa Thiên Huế chủ yếu là máy nghiền má và máy nghiền côn. Tại các mỏ đá ở Thừa Thiên Huế, Sau khi khoan nổ phá đá xong có khoảng 75% sản lượng cần phải chế biến. Khối lượng đá này được vận chuyển đến máy nghiền sàng để chế biến ra sản phẩm các loại có kích cỡ khác nhau sau đó được vận chuyển đến nơi công trình để tiêu thụ. Trong quá trình nghiền sàng nó tạo ra một lượng bui và tiếng ồn rất lớn, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
TS. Bùi Thắng