Mô hình hoạt động đầu tư trực tiếp của các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương

Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thừa Thiên Huế (Quỹ) được thành lập theo Quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 13/01/2015 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, có 02 chức năng, nhiệm vụ chính là hoạt động đầu tư phát triển và hoạt động bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, hoạt động đầu tư phát triển được đảm bảo thực hiện theo quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP của Chính phủ, bao gồm: huy động vốn, đầu tư trực tiếp, cho vay, góp vốn thành lập doanh nghiệp, ủy thác và nhận ủy thác; hoạt động bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Sau 02 năm hoạt động chính thức, Quỹ đã đạt được một số kết quả khả quan trong lĩnh vực cho vay tạo vốn mồi vào các dự án thuộc danh mục các lĩnh vực đầu tư cho vay đã được UBND tỉnh phê duyệt và bước đầu triển khai được hoạt động bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cũng trong 02 năm 2016 – 2017, Quỹ đã chủ động nghiên cứu hoạt động đầu tư trực tiếp với tư cách là chủ đầu tư vào các dự án xã hội hóa giáo dục mầm non, các dự án vận chuyển hành khách công cộng. Tuy nhiên do mới thành lập, nguồn lực chưa nhiều nên Hội đồng quản lý yêu cầu Quỹ tiếp tục cho vay, những năm tiếp theo mới triển khai hoạt động đầu tư trực tiếp nhằm giảm thiểu rủi ro cho Quỹ.

Theo định hướng của Bộ Tài chính, hoạt động đầu tư trực tiếp của các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương cần được đẩy mạnh. Mới đây, Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương thay thế Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã thể hiện rõ quan điểm, định hướng của Trung ương về vấn đề này.

Vì vậy, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình, Quỹ cần khẩn trương nghiên cứu mô hình của các địa phương khác ngay từ bây giờ, làm cơ sở để đề xuất hoạt động đầu tư trực tiếp cho năm 2018 và những năm tiếp theo.

Đến thời điểm tháng 3/2017, tổng số Quỹ Đầu tư phát triển địa phương được thành lập trên cả nước là 42 Quỹ, trong đó có khoảng 26 Quỹ có hoạt động đầu tư trực tiếp, góp vốn thành lập công ty để đầu tư vào dự án phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội của địa phương, nổi bật như Quỹ Cần Thơ, Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai, Hà Tĩnh. Tổng vốn sử dụng cho hoạt động này là 3.161 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xã hội hóa giáo dục mầm non, vận chuyển hành khách công cộng, chung cư cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội, tái định cư,… đều được đánh giá cao về tính phúc lợi và hiệu quả. Nổi bật như Dự án Bến xe Hà Tĩnh, Dự án tuyến xe buýt Hà Tĩnh – Hương Sơn, Dự án Trường Mầm non Đức Trí, Dự án nhà ở xã hội phường Thạch Linh của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Hà Tĩnh.

Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương các tỉnh; các quy chế về đầu tư trực tiếp, góp vốn thành lập các tổ chức kinh tế được xây dựng đầy đủ, bài bản; nguồn vốn của Quỹ tương đối lớn so với các quỹ địa phương khác trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên cùng với sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể người lao động, Quỹ định hướng hoạt động đầu tư trực tiếp cho năm 2018 và những năm tiếp theo tập trung vào 03 nhóm dự án theo đúng danh mục các lĩnh vực đầu tư cho vay đã được UBND tỉnh phê duyệt: nhóm dự án về xã hội hóa, nhóm dự án về vận tải hành khách công cộng và nhóm dự án về hạ tầng khu dân cư, khu tái định cư, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.

Để việc triển khai đầu tư trực tiếp của Quỹ đúng quy định, có hiệu quả, đảm bảo an toàn nguồn vốn, bên cạnh những hoạt động chuyên môn, các chuyên viên phải tập trung nghiên cứu những vấn đề sau:

Thứ nhất, tập trung nghiên cứu hệ thống các văn bản pháp lý có liên quan đến lĩnh vực đầu tư của Quỹ để đảm bảo việc tổ chức thực hiện tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Thứ hai, sau khi được Hội đồng quản lý đồng ý chủ trương, các chuyên viên phải trực tiếp đi học tập kinh nghiệm tại các Quỹ đầu tư phát triển địa phương trên cả nước, lựa chọn mô hình phù hợp với tình hình của tỉnh để áp dụng. Từ đó triển khai tìm kiếm địa điểm, xác định quy mô, tổng mức đầu tư và hoàn thiện phương án.

Thứ ba, quá trình chuẩn bị đầu tư (chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch, phê duyệt dự án, đánh giá tác động môi trường, giải phóng mặt bằng và hoàn thành các thủ tục pháp lý khác để triển khai thi công xây dựng) phải đảm bảo đúng quy trình đầu tư. Vì vậy, cần phải nắm chắc từng bước đi theo Quyết định số 26/2016/QĐ-UBND ngày 25/4/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ban hành quy định trình tự thủ tục thực hiện, giám sát, quản lý dự án đầu tư và xây dựng không sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thứ tư, với vai trò là đơn vị chủ lực trong công tác đầu tư trực tiếp, các chuyên viên Phòng Nghiệp vụ cần phân công, phối hợp đồng bộ, có chương trình, có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện./.

Nguyễn Thụy Vy

Chuyên viên Phòng Nghiệp vụ Quỹ

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email