Ở Việt Nam và một số nước trên thế giới hành hương là món rau gia vị không thể thiếu trong các món chiên, xào, nấu canh, nấu súp, hủ tiếu, phở, cháo thịt… Hành làm tăng độ thơm ngon và có tác dụng khữ tanh thực phẩm từ thịt, cá…
Hành hương có vị cay, mùi hăng nồng, tính ấm. Có tác dụng ôn ấm tỳ vị, tiêu đờm, giảm ho, làm ra mồ hôi (phát hãn), lợi tiểu, sát khuẩn, giải độc, tiêu viêm, chữa đau răng, chữa tê thấp, chữa cảm mạo, cảm hàn, nhức đầu, bí tiểu tiện, côn trùng cắn, ngộ độc chì…… Hành lá có tác dụng chống oxy hóa, giàu vitamin (A, B,C), khoáng chất (Sắt, canxi, photpho, kali, carotene,…) rất tốt cho cơ thể. Hành lá có lá màu xanh lá cây, chúng chứa một lượng chất xơ lành mạnh, hỗ trợ tốt cho hệ thống tiêu hóa, giảm nguy cơ bị ung thư ruột kết, giảm táo bón, trĩ, viêm ruột thừa, giảm nguy cơ đột quỵ tim, nguy cơ bị bệnh tiểu đường, giảm cholesterol, chống vi khuẩn, virus và nấm trong cơ thể
Quy trình kỹ thuật trồng hành lá
1. Giống trồng
– Sử dụng giống địa phương, có hai loại gốc thân trắng và gốc thân tím có đặc điểm sinh trưởng tương đương nhau, thời gian sinh trưởng 45-50 ngày.
+ Hành Hương: lá nhỏ, bụi nhỏ, có mùi thơm, năng suất 0,5 tấn/500 m2, dễ nhiễm bệnh vàng lá.
+ Hành Trâu: lá to, bụi lớn, năng suất 0,5-0,75 tấn/500 m2, thị trường rất ưa chuộng.
+ Hành Đá: lá, bụi thuộc dạng trung gian, năng suất 0,5-0,75 tấn/500 m2, trồng phổ biến, thị trường rất ưa chuộng, thích hợp trồng dày.
Hành gốc tím nông dân thích trồng hơn vì năng suất cao, ít sâu bệnh và ít đổ gãy lá hơn. Hành hương cọng và gốc nhỏ nhưng rất thơm.
– Chọn những bụi hành tương đối đồng đều, đúng tuổi, sinh trưởng tốt, không bị nhiễm sâu bệnh.
– Lượng giống: tùy chất lượng cây giống, thường cần khoảng 90-120 kg hành giống/ sào (500 m2).
– Xử lý giống: để đảm bảo không còn sâu bệnh lây lan sang vụ tới, trước khi nhổ hành giống 1 – 2 ngày, tiến hành phun Regent 800WP hoặc Map-permethrins 50EC, nếu sâu nhiều có thể xử lý bằng Dylan, Vimatox, Scorpion,… theo nồng độ khuyến cáo.
2. Thời vụ
Hành lá có thể được trồng quanh năm, tuy nhiên năng suất mùa nắng cao hơn vào mùa mưa. Thời gian sinh trưởng 45-50 ngày. Trồng hành trong mùa nắng cần có đủ nước tưới, chú ý sâu xanh da láng, dòi (ruồi đục cọng hành); mùa mưa cây tăng trưởng kém và chú ý thoát nước tốt, phòng bệnh khô đầu lá.
3. Chuẩn bị đất
– Yêu cầu: Hành có thể trồng được trên nhiều loại đất, tuy nhiên đất để trồng hành phải là đất cao, thoát nước tốt, đất cát pha, đất thịt nhẹ hoặc đất thịt trung bình có tầng canh tác dày 30 – 40cm, pH thích hợp 6,0 – 6,5. Nếu pH thấp hơn 5,0 thì cần bón thêm vôi và tro bếp
– Đất trồng hành cần được phơi ải 7 – 10 ngày và đảo lớp mặt xuống dưới để thoáng khí cho cây trồng sinh trưởng tốt đồng thời hạn chế các sâu bệnh cư trú trong đất. Làm đất tơi nhỏ, sạch cỏ dại tàn dư cây trồng vụ trước.
– Xử lý đất: Tiến hành xử lý đất bằng vôi bột 25 – 30kg vôi/500m2, 0,5 – 1,0 kg Vibasu (Marshall, Diaphos,…) hoặc Regent 3G/500 m2 và thuốc trừ bệnh Rovral, Vicarben,… nồng độ 0,1 – 0,2% phun trên mặt luống rồi dùng cuốc đảo đều để tiêu diệt nấm bệnh và vi khuẩn trước 3 ngày khi trồng.
– Lên luống rộng 1 – 1,2m. Mùa mưa lên luống cao 30cm để chống rễ không bị úng, tránh bị lụt. Mùa khô lên luống cạn 15 – 20cm để giữ ẩm cho cây, khoảng cách giữa 2 luống là 25 – 30cm để thoát nước và đi lại chăm sóc.
4. Nhân giống hành
a) Nhân giống bằng hạt
Lượng giống 2 – 3g/m2.
Đất gieo hạt hành cần được phơi ải. Liếp gieo hành có thể rộng 1 – 1,2 m, cao khoảng 20 – 40 cm, đất phải được làm thuần thục, tơi nhỏ, sạch cỏ dại. Mùa nắng liếp gieo hạt có thể thấp khoảng 20 – 25 cm là đạt yêu cầu. Sau khi gieo hạt cần phủ một lớp đất mỏng để che hạt, đồng thời phủ một lớp trấu lên trên để giữ ẩm, chống xói đất khi tưới và hạn chế cỏ dại.
Khi cây hành cao 7- 10cm, đưa ra vườn nhân giống. Vườn nhân giống chuẩn bị đất, phân bón và trồng để nhân giống, cách làm giống vườn trồng đại trà
b) Nhân giống vô tính
Cây hành có thể nhân giống vô tính bằng cách tách chiết những tép hành từ bụi hành có nhiều tép.
Cây hành sau khi đưa ra vườn nhân giống, qua quá trình chăm bón, cây hành sẽ đẻ nhánh từ 2 – 4 tép, chiều cao mỗi tép từ 7 – 15cm, lúc này có thể đem làm giống để trồng đại trà.
c) Khoảng cách trồng
Gieo trồng: Trồng bằng cây gốc, chọn cây già, gốc to, không quá non mềm, lá cứng, có phấn trắng. Hành khi mua giống về đem trồng ngay, một luống có thể cấy 4-5 hàng tùy theo độ rộng của mặt luống
Khoảng cách hàng cách hàng: 15 – 20 cm. Khoảng cách cây cách cây: 10 – 15 cm. Mỗi hốc, 2 tép hành. Khoảng cách trồng còn tuỳ thuộc vào mùa vụ. Mùa nắng có thể trồng dày hơn mùa mưa.
Cần phải rải một lớp rơm mỏng lên mặt liếp trước khi trồng nhằm giữ ấm cho cây sau khi trồng, đặc biệt là mùa mưa. Nếu để giúp cây phát triển nhanh hơn thì dùng chày có đầu nhọn dọng lỗ với độ sâu 2 – 3cm rồi cấy hành lên.
5. Phân bón
Lượng phân bón cho 1 sào (500m2): 1.000 kg phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh hoặc tro bếp ủ với nước phân chuồng, 12kg đạm urê, 25kg lân super, 5kg kali clorua.
Bón lót: 500kg phân chuồng, 25kg lân trộn đều với đất mặt khi lên luống hoặc bón theo rãnh, lấp một lớp đất mỏng, sau đó trồng cây con.
Bón thúc:
Lần 1: sau trồng 7 – 10 ngày, pha loãng 2kg đạm urê để tưới, nồng độ 0,5 – 1% (5-10g ure/1 lít nước).
Lần 2: sau lần 1 khoảng 10 ngày, pha loãng 2kg đạm urê để tưới nồng độ 0,5 – 1% (5-10g ure/1 lít nước).
Lần 3: sau lần 2 khoảng 10 ngày, bón theo rãnh giữa 2 hàng hành với lượng từ 6kg urê, 500kg phân chuồng, 3kg kali.
Lần 4: sau lần 3 khoảng 10 ngày, pha loãng 2kg urê, 2kg kali để tưới.
6. Chăm sóc, tưới nước
– Chú ý làm cỏ kịp thời bằng tay để tránh sự cạnh tranh dinh dưỡng của cỏ với hành
– Tưới đủ ẩm để cây sinh trưởng tốt, những ngày đầu nên tưới 2 – 3 lần/ngày, các ngày sau có thể tưới ngày một lần. Nếu nắng to nên che nắng trong 3 – 4 ngày đầu. Cây hành rất cần nước trong quá trình sinh trưởng cung cấp đủ nước, đặc biệt là trong mùa nắng cần phải chống nóng cho hành nên việc tưới nước có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm
– Để tận dụng và tăng hiệu quả sử dụng đất, có thể trồng xen ngò rí, cải xanh hoặc cải ngọt quanh mép liếp.
7. Thu hoạch
– Thu hoạch: Hành trồng được 45-60 ngày là có thể thu hoạch. Nhưng có thể thu hoạch sớm hơn hoặc muộn hơn vài ngày tùy theo thị trường và giá cả. Ngưng bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch 10 – 15 ngày. Thu vào buổi chiều, rửa sạch bằng nước giếng khoan hoặc nước giếng, để khô ráo qua đêm rồi sáng mai đóng gói và tiêu thụ.
Đinh Chung