Tác giả: Đăng Tuyên (tổng hợp)
Châm cứu là một bộ phận quan trọng trong cả hệ thống Y học cổ truyền phương Đông. Việt Nam là một trong hai quốc gia có lịch sử châm cứu lâu đời nhất, có tổ chức châm cứu, có thầy thuốc và có biên soạn tài liệu châm cứu sớm nhất ở châu Á và trên thế giới[1]. Trong số hàng trăm nước trên thế giới có thực hành châm cứu, Việt Nam được Hiệp hội Châm cứu thể giới xếp vào số 5 nước có ngành châm cứu tiên tiến nhất.
Ngày nay, việc điều trị bệnh hướng đến các phương pháp tự nhiên, an toàn đang được rất nhiều người quan tâm. Trong đó, châm cứu được xem là một phương pháp hiệu quả trong điều trị bệnh. Từ kinh nghiệm trị liệu trong lĩnh vực châm cứu và y học cổ truyền, các kết quả nghiên cứu khoa học của Hội Châm cứu tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm rõ một số phương pháp khám, chữa bệnh dùng thuốc và không dùng thuốc của lĩnh vực Y học cổ truyền.
Châm cứu và các phương pháp khám, chữa bệnh không dùng thuốc
PGS.TS. Nguyễn Thị Tân, Chủ tịch Hội Châm cứu tỉnh và các cộng sự trong nghiên cứu “So sánh hiệu quả điều trị của phương pháp điện châm và bài thuốc “độc hoạt tăng ký sinh” có hoặc không kết hợp với chườm thảo dược trên bệnh nhân đau khớp gối do thoái hoá khớp gối” cho rằng, chườm thảo dược là một phương pháp lâu đời được phát triển dựa trên phương pháp chườm nóng của y học cổ truyền, nhiệt độ nóng kết hợp tác dụng của thảo dược làm tăng cường chuyển hoá tại chổ. Phương pháp này có hiệu quả tốt giúp giảm sưng đau khớp và cải thiện tình trạng cứng khớp, phù hợp để điều trị thoái hoá khớp gối. Điện châm là tạo ra các xung điện có tác dụng giúp giảm đau, tăng cường tuần hoàn được kết hợp với bài thuốc “Độc hoạt tang ký sinh” có tác dụng khu phong tán hàn trừ thấp khí thống,bổ huyết, ích Can thận. Sử dụng bài thuốc “Độc hoạt tang ký sinh”, điện châm kết hợp với chườm thảo dược đem lại hiệu quả coa trên lâm sàng. Quá trình nghiên cứu,so sánh hiệu quả của hai phương pháp trên cho thấy, điều trị thoái hoá khớp gối bằng điện châm kết hợp với chườm thảo dược mang lại hiệu quả cao hơn trên lâm sàng so với nhóm không sử dụng phương pháp chườm thảo dược.
BS. Nguyễn Thị Thu Hà và các đồng nghiệp qua đánh giá hiệu quả điều trị viêm quanh khớp vai bằng phương pháp châm cứu – xoa bấm huyệt và thuốc y học cổ truyền tại Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 (từ tháng 02-8/2019) cho kết quả, 100% bệnh nhân từ đau mức độ nhẹ đến nặng qua điều trị có 45,45% bệnh nhân hết đau, tỷ lệ đau nặng giảm từ 27,27% xuống 9,10%, đau vừa giảm từ 39,4% xuống 18,18%, đau nhẹ còn 27,27%. Kết quả cho thấy phương pháp điều trị điện châm, xoa bấm huyệt và uống thuốc Y học cổ truyền bài thuốc “Quyền tỷ thang gia giảm” để điều trị Viêm quanh khớp là phương pháp mang lại hiệu quả điều trị giảm đau tốt, cải thiện tầm vận động khớp vai, an toàn, không xảy ra tai biến.
Khám, chữa bệnh bằng phương pháp Y học cổ truyền (nguồn: Khoa YHCT, Đại học Y-Dược, Đại học Huế)
Nhóm tác giả Trần Lê Minh, Trần Thiện Ân, Thái Văn Hiển, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Huế đã đánh giá hiệu quả và tính an toàn của phương pháp ngâm thuốc y học cổ truyền trong điều trị bệnh lý thần kinh ngoại biên sau hoá trị liệu ở bệnh nhân ung thư vú. Kết quả điều trị cho thấy, nhóm nghiên cứu (ngâm thuốc) cho mức cải thiện tốt hơn, cho kết quả tốt hơn về tính an toàn so với nhóm đối chứng với không xuất hiện tác dụng không mong muốn nào. Từ đó kết luận, bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp ngâm thuốc y học cổ truyền cho kết quả cải thiện tốt và an toàn trong điều trị bệnh lý thần kinh ngoại biên sau hoá trị liệu ở bệnh nhân ung thư vú.
Châm cứu và các phương pháp khám, chữa bệnh không dùng thuốc
TS.BS. Đoàn Văn Minh, Trưởng khoa Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y-Dược, Đại học Huế và các cộng sự giới thiệu phương pháp sử dụng bì phu châm liệu pháp trong điều trị chứng đau đầu. Bì phu châm là một trong những phương pháp trọng yếu của châm cứu học, vì vậy ngoài các đặc điểm của châm cứu nói chung, nó còn có một số ưu điểm riêng, đó là phương tiện đơn giản, dễ học, hiệu quả điều trị rõ rệt, phạm vi trị bệnh rộng, chi phí thấp và có độ an toàn tin cậy. Dụng cụ bì phu châm có nhiều loại, dụng cụ châm có đầu búa nhỏ, căn cứ vào số lượng mà có tên gọi. Trong châm cứu, phương pháp mai hoa châm (5 kim) và trích máu được kỳ vọng là có hiệu quả tốt nhất trong duy trì tác dụng giảm đau ở bệnh nhân đau đầu. Đây là phương pháp điều trị hiệu quả, đơn giản, ít tác dụng phụ.
Hoạt động thăm khám bệnh nhân (nguồn: Khoa YHCT, Trường Đại học Y-Dược, Đại học Huế)
Nghệ nhân nhân dân – Lương y Thích Tuệ Tâm, Giám đốc điều hành Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa-Huế giới thiệu phương pháp cấy chỉ vatgut (nhu châm) trong chữa bệnh. Phương pháp này là đưa một đoạn chỉ tự tiêu vào trong huyệt đạo của cơ thể ở mức độ được chỉ định nhằm duy trì sự kích thích liên tục như khi dùng kim để châm cứu, qua đó tạo nên tác dụng kích ứng đặc biệt, phát huy tác dụng chữa bệnh của huyệt đó. Đây là phương pháp châm cứu đặc biệt, kết hợp hài hoà giữa Y học cổ truyền và Y học hiện đại, được áp dụng ở nước ta từ năm 1970, đã được sử dụng, phát triển ở một số nước như Hungary (1990), Pháp (1998), Đức (2000). Về mặt kinh tế, đây là phương pháp điều trị ít tốn kém, dể áp dụng nhưng vẫn đạt yêu cầu chữa bệnh, nên phù hợp bệnh nhân nghèo, vùng sâu, vùng xa, có thể áp dụng rộng rãi ở tuyến y tế cơ sở.
Đánh giá kết quả nghiên cứu việc kết hợp điện châm và tập luyện trong điều trị bệnh đau thắt lưng và tập luyện vận động trong điều trị bệnh đau thắt lưng do thoái hoá cột sống tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Nam, BSCKI Nguyễn Văn Dũng kết luận, sau điều trị, tỷ lệ người bệnh cải thiện tốt chiếm 50%, khá chiếm 26,7%. Từ đó kết luận phương pháp này đơn giản, dễ làm, ít tốn kém, hiệu quả cần kiên trì vận động. Có thể phổ biến rộng phương pháp này trong chữa bệnh ở các cơ sở y tế.
BSCKII. Trần Thiên Ân, Phó Trưởng khoa Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Huế trong nghiên cứu “Đánh giá hiệu quả công thức huyệt châm cải tiến trong điều trị liệt VII ngoại biên” cho rằng, bệnh nhân liệt VII ngoại biên gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 20-60. Nam giới chiếm tỷ lệ xấp xỉ 60%, thời gian mắc bệnh trung bình là 14,57 ngày. Kết quả điều trị liệt VII ngoại biên theo công thức huyệt châm cải tiến cho kết quả hồi phục hoàn toàn 91,89% với thời gian hồi phục trung bình 12,76 ngày.
Các kết quả nghiên cứu: “Hiệu quả của phương pháp hào châm kết hợp xoa bóp bấm huyệt trong phục hồi triệu chứng sụp mi mắt sau chấn thương sọ não: Báo cáo case lâm sàng” của BS. Ngô Thị Bích Trâm; “Đánh giá hiệu quả điều trị đau thắt lưng bằng phương pháp châm cứu đổng thị” của ThS.BS. Võ Hiệp, cũng từ Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Huế đã cho thấy hiệu quả của ứng dụng các phương pháp trong việc điều trị cá thể hoá với đa dạng mặt bệnh, mang lại hiệu quả và sự hài lòng nhất cho cộng đồng.
Có thể thấy, bên cạnh phương pháp chữa bệnh có dùng thuốc, chữa bệnh không dùng thuốc không còn là hiếm gặp trong y học hiện đại, đặc biệt là kết hợp với châm cứu. Các phương pháp này tuy đơn giản, dễ áp dụng và rất an toàn, nhưng cũng có những chỉ định và chống chỉ định tùy theo từng phương pháp. Hiệu quả điều trị phụ thuộc nhiều vào kỹ năng và kinh nghiệm của người thực hiện kỹ thuật. Vì vậy, châm cứu và chọn các phương pháp điều trị trong Y học cổ truyền đặc biệt là phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc đòi hỏi các y, bác sĩ, lương y phải có bề dày kiến thức, sự hiểu biết, trình độ tay nghề cao và kinh nghiệm trị liệu phong phú, chuyên sâu./.
[1] Cố GS Nguyễn Tài Thu, Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Châm cứu phát biểu tại Lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Hội Châm cứu Việt Nam, ngày 24/4/2012 tại Hà Nội