Ngày 11/11/2014, nẳm trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ liên minh – Tổ chức Oxfam Anh Liên minh đất rừng (FORLAND) đã tổ chức hội thảo “Tham vấn cộng đồng và hộ gia đình về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng”. Đây là hoạt động nghiên cứu nhằm tham vấn về “Luật Bảo vệ và phát triển rừng” do Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD) và Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn quản lý tài nguyên (CORENARM) phối hợp với Đại học Tây Nguyên thực hiện.
Nghiên cứu này đã được triển khai trên địa bàn ba tỉnh: Đak Lak, Hòa Bình và Thừa Thiên Huế, hội thảo tại Huế là cơ hội để nhóm nghiên cứu chia sẻ, thống nhất các phát hiện trong quá trình khảo sát việc thực thi Luật BV&PTR 2004 và trên cơ sở đó đưa ra các kiến nghị gửi đến các cấp ra chính sách trong giai đoạn sửa đổi luật sắp tới.
Hội thảo đã có sự tham gia của 65 đại biểu đến từ tổ chức Oxfam Anh, các phòng ban chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế: Chi cục Lâm Nghiệp, Chi cục Kiểm Lâm, Hạt kiểm lâm huyện Nam Đông và Phòng tài nguyên môi trường huyện A Lưới, cùng với sự tham gia của hơn 40 hộ gia đình tham gia trong nghiên cứu và 10 phóng viên đến từ các báo, đài trung ương và địa phương. Khai mạc hội thảo ông Hoàng Mạnh Quân – Giám đốc Tổ chức điều phối Liên minh đất rừng(FORLAND) đã trình bày báo cáo tóm tắt bao gồm các nội dung giới thiệu về FORLAND và thông tin về nghiên cứu mà nhóm chuyên gia đã triển khai. Hội thảo là cơ hội để nhóm nghiên cứu chia sẻ. Ông Lê Văn Lân- Đại diện nhóm chuyên gia đã trình bày về kết quả nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu tài liệu thứ cấp kết hợp với việc thu thập thông tin sơ cấp từ người dân, thảo luận nhóm và phỏng vấn chuyên gia cho thấy: Thừa Thiên Huế là tỉnh có hơn 307.000ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích đất có rừng gần 283.000 ha, độ che phủ đạt 56%. Từ năm 2000 – 2011, tỉnh đã giao 19.322 ha rừng cho người dân quản lý bảo vệ. Qua số liệu sơ cấp nhóm nghiên cứu đã phát hiện 7 vấn đề trong quá trình thực thi luật: rừng giao cho nhóm hộ quản lý có kết quả khả quan, không chứng minh được quyền làm chủ của nhóm hộ đối với rừng được giao, thiếu cơ chế xử lý gỗ khai thác traí phép, quyền của chủ rừng khi phát hiện có vi phạm, khó khăn trong công tác bảo vệ rừng vì chưa có cơ chế hưởng lợi. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra bốn câu chuyện từ cộng đồng để minh chứng cho những phát hiện trong báo cáo. Mỗi câu chuyện là một ví dụ điển hình từ thực tiễn do những bất cập trong quá trình thực thi luật và đã gây ra những khó khăn không nhỏ cho cộng đồng trong quá trình bảo vệ và phát triển diện tích rừng đã được giao.
Ngoài ra, hội thảo còn ghi nhận hơn các ý kiến đóng góp từ các đại biểu về các vấn đề như: quy định giao rừng cho cộng đồng dân cư chưa thực sự phù hợp; những hạn chế, vướng mắc về mặt pháp lý trong việc giao rừng cho nhóm hộ; giao rừng không gắn với giao đất, chậm hoàn tất thủ tục cấp, đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân; chưa có chính sách hưởng lợi phù hợp cho người dân quản lý, bảo vệ rừng.
FORLAND khẳng định các ý kiến đóng góp tại hội thảo là cơ sở để đưa ra các kiến nghị đóng góp vào việc sửa đổi luật trong năm 2015. Hoạt động vận động chính sách của liên minh dựa trên bằng chứng cụ thể nên kế hoạch hoạt động của liên minh trong năm tới sẽ mở rộng địa bàn nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu để kiến nghị của liên minh có giá trị hơn khi được gửi đến các cấp ra chính sách.
Doãn Quan